Tiếng Việt | English

29/07/2015 - 17:14

Tôn vinh “Người con tận trung với nước, tận hiếu với dân”

 

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Khu lưu niệm Luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thọ, tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức sau 5 năm khởi công xây dựng, đến nay cơ bản hoàn thành. Ngày 29-7-2015, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An long trọng tổ chức Lễ khánh thành và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia Khu lưu niệm LS Nguyễn Hữu Thọ.

LS Nguyễn Hữu Thọ (bí danh là Ba Nghĩa) sinh ngày 10-7-1910 trong một gia đình công chức trung lưu, tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An).

Năm 1921, ông sang Pháp học, rồi tốt nghiệp cử nhân luật hạng ưu, Trường Đại học luật khoa và văn khoa Aixen Provence. Tháng 5-1933, ông trở về quê hương làm luật sư. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 đã tác động sâu sắc đến con đường đấu tranh cách mạng mà ông quyết định chọn lựa và dấn thân với hoạt động tham gia phong trào thanh niên, sinh viên và giới trí thức đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ trong những năm 1940-1945 và tích cực ủng hộ chính quyền cách mạng sau Cách mạng Tháng Tám.

Pháp tái chiếm Nam bộ, sau khi ra thăm chiến khu Đồng Tháp Mười do Ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ mời, Luật sư càng quyết tâm đi theo con đường cách mạng. Mặc dù mong muốn được chiến đấu ở bưng biền, nhưng LS đã chấp hành sự phân công của tổ chức là hoạt động công khai giữa Sài Gòn trong Ban Trí vận Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn.

Tòa án trở thành vũ đài đấu tranh của ông để bảo vệ công lý, lẽ phải, bảo vệ đồng chí, đồng bào; tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược và chế độ thuộc địa, tập hợp các nhân sĩ tên tuổi nhất ở miền Nam, đấu tranh đòi thực dân Pháp phải thương lượng với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tìm giải pháp hòa bình và thừa nhận nền độc lập của Việt Nam.

Ngày 16-10-1949, LS vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Nhiều phong trào do LS lãnh đạo như: Tổ chức đám tang Trần Văn Ơn với tên Ngày học sinh, sinh viên toàn quốc (9-1-1950), cuộc tổng biểu dương lực lượng Ngày toàn quốc chống Mỹ (19-3-1950) đuổi tàu chiến Mỹ khỏi hải phận Việt Nam,… đã trở thành những sự kiện quốc gia.

Năm 1950, LS bị thực dân Pháp bắt nhiều lần tại Sài Gòn, lưu đày gần 3 năm ở Mường Tè, tỉnh Lai Châu - vùng biên giới Việt-Lào-Trung xa xôi.

Được trả tự do, LS tiếp tục hoạt động trong phong trào yêu nước sau năm 1954 nên cuối năm 1954 bị Mỹ-Diệm bắt giam và lưu đày 7 năm ở Tuy Hòa và miền núi Củng Sơn, tỉnh Phú Yên. Tất cả những thủ đoạn hăm dọa, dụ dỗ của địch đều không lung lạc được ý chí của nhà trí thức yêu nước.

Ngày 30-10-1961, LS Nguyễn Hữu Thọ được nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên giải thoát, về chiến khu Dương Minh Châu. Và tại đây, vào tháng 2-1962, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng (MTDTGP) miền Nam Việt Nam đã bầu LS làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTDTGP miền Nam Việt Nam, trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của đồng bào và chiến sĩ miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi sau cùng.

Sau 1975, LS giữ nhiều chức vụ quan trọng của Nhà nước và MTTQ Việt Nam: Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ tháng 4-1980); Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ tháng 7-1981); Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (từ tháng 11-1988) và Chủ tịch danh dự Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (từ tháng 8-1994).

LS Nguyễn Hữu Thọ qua đời ngày 24-12-1996 tại TP. Hồ Chí Minh. LS Nguyễn Hữu Thọ được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng.

Từ những đóng góp to lớn ấy của LS đối với sự nghiệp cách mạng, tại cuộc họp ngày 5-8-2004, lãnh đạo tỉnh chủ trương xây dựng Khu lưu niệm LS Nguyễn Hữu Thọ, nhằm tôn vinh người con ưu tú đất Long An để bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tình cảm cách mạng cho nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ.

Dự án được khởi công ngày 7-7-2010 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của LS, với tổng diện tích 1ha, tọa lạc tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Đây là một tổng thể gồm nhiều hạng mục, quan trọng nhất là Nhà tưởng niệm và Nhà trưng bày - Thư viện giới thiệu về thân thế và sự nghiệp cách mạng của LS.

Song song với quá trình xây dựng khu lưu niệm, công tác nghiên cứu, tập hợp tư liệu, tài liệu, xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cũng được tích cực tiến hành. Sau thời gian đề nghị, Khu lưu niệm LS Nguyễn Hữu Thọ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia.

Đó là một quần thể gồm di tích gốc là ngôi nhà thời niên thiếu của Luật sư và công trình tôn tạo là Khu lưu niệm của LS Nguyễn Hữu Thọ.

Công trình sẽ góp phần giáo dục truyền thống, giúp thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của cha ông ta. Đây còn là điểm đến của nhân dân trong và ngoài tỉnh cũng như du khách quốc tế để tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của một trong những nhà lãnh đạo cách mạng tiêu biểu của Đảng và Nhà nước.

Đây còn là một công trình văn hóa góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị thị trấn Bến Lức đang trên đà phát triển, cùng với các di tích khác đang được trùng tu, xây dựng sẽ tạo nên bộ mặt văn hóa của huyện Bến Lức, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương và tỉnh nhà./.

Nguyễn Tấn Quốc

(Tựa đề đặt theo tên quyển sách Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Người con tận trung với nước, tận hiếu với dân, Nxb Chính trị quốc gia Hà Hội, 1998)

 

Chia sẻ bài viết