Tiếng Việt | English

25/08/2015 - 07:51

Tổng Bí thư dự lễ kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Ngành Tư pháp tuyệt đối không được mơ hồ mất cảnh giác để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá.

Chiều nay (24/8), tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Lễ kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945- 28/8/2015) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Tham dự Lễ kỉ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng; lãnh đạo một số Bộ, ban ngành Trung ương, các vị khách mời quốc tế, cùng đông đảo cán bộ công chức viên chức ngành Tư pháp qua các thời kỳ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỉ niệm.

Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng hành, ngành Tư pháp đã không ngừng lớn mạnh và phát triển về nhiều mặt, luôn nỗ lực bền bỉ phấn đấu và góp phần quan trọng vào quá trình hình thành, củng cố hoàn thiện những nền tảng chính trị pháp lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vì một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phát biểu tại lễ kỉ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những đóng góp to lớn của ngành Tư pháp Việt Nam trong 70 năm qua. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những bất cập, hạn chế, yếu kém mà ngành Tư pháp cần phải kịp thời rút kinh nghiệm và có giải pháp tích cực khắc phục.

Một trong những bài học kinh nghiệm chung của các cấp, các ngành trong đó có ngành Tư pháp đó là phải tuyệt đối trung thành với Đảng, đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, tận tuỵ với công việc mà Đảng, Nhà nước giao phó, góp phần giữ vững và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Người làm công tác Tư pháp "phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết công bằng", "Phải nêu cao gương phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư cho nhân dân noi theo".

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh: hệ thống pháp luật phải đảm bảo cho Nhà nước vận hành trôi chảy, vừa tiếp nhận, phát triển những giá trị đã được khẳng định của văn minh nhân loại, vừa phải phù hợp với những giá trị tốt đẹp của truyền thống Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của chế độ ta, Đất nước ta trong giai đoạn phát triển mới:

Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Hơn ai hết Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc vấn đề này, làm tốt hơn nữa việc nghiên cứu, làm rõ và từng bước bổ sung đổi mới cả về lý luận và thực tiễn, hoàn thiện thể chế theo phương châm học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài, nhưng phải biết sàng lọc, vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tuyệt đối không được mơ hồ mất cảnh giác để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá chúng ta bằng cách hướng lái hệ thống luật pháp của chúng ta đi con đường khác, nhất là trong điều kiệu đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay".

Tổng Bí thư yêu cầu ngành Tư pháp tập trung sức lực, trí tuệ, tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện, sâu sắc về chất lượng, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của ngành, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp, của ngành Tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của cách mạng trong giai đoạn mới:

“Phải hết sức coi trọng việc tổ chức thi hành pháp luật. Muốn thế phải nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, coi đây là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức có ý thức chấp hành đúng pháp luật. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa ý thức gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, khắc phục tình trạng “phép vua thua lệ làng”, thói quen tuỳ tiện, bệnh quan liêu, tham nhũng, gây phiền hà cho nhân dân khi giải quyết công việc"”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bộ Tư pháp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị: Ngành Tư pháp tăng cường chỉ đạo, thúc đẩy việc kiện toàn hệ thống các tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan Tư pháp, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác tư pháp.

Để làm được điều này, ngành Tư pháp cần chú trọng tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đặc biệt, Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ, toàn diện hơn với Toà án Nhân dân Tối cao, từ việc đào tạo nguồn thẩm phán, chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam đào tạo đội ngũ luật gia, luật sư giỏi am hiểu luật pháp quốc tế, thành thạo ngoại ngữ có thể hoạt động trên trường quốc tế để bảo vệ quyền lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và công dân Việt Nam.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư cũng đề nghị cấp uỷ, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, coi công tác tư pháp là công việc chung, cùng ngành Tư pháp hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước.

Tại lễ kỉ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bộ Tư pháp./.

Vũ Duy-Văn Hiếu/VOV

 

Chia sẻ bài viết