Tiếng Việt | English

05/04/2016 - 16:07

TP.Tân An-Long An: Sức bật để trở thành đô thị loại 2

Để xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, những năm qua, TP.Tân An, đầu tư xây dựng nhiều công trình ở các lĩnh vực và tạo ra nhiều khác biệt trong thay đổi bộ mặt đô thị. Hiện nay, người dân rất phấn khởi với dự án đường Vành đai TP.Tân An chuẩn bị thực hiện.

Đường phố TP.Tân An ngày càng khang trang, sạch đẹp Ảnh: MHD

Hạ tầng ngày càng phát triển

Thời gian qua, từ các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, thành phố, nguồn xã hội hóa, nhiều công trình ở các lĩnh vực trên địa bàn TP.Tân An được sửa chữa, đầu tư xây mới khang trang.

Chỉ tính trong giai đoạn 2011-2015, từ nhiều nguồn vốn các cấp và nhân dân, doanh nghiệp đóng góp với tổng kinh phí trên 6.000 tỉ đồng để thực hiện hàng trăm công trình lớn, nhỏ.

Trong đó, điển hình là công trình Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Sản Nhi, Trường THPT Chuyên Long An, Nhà Thiếu nhi Long An, mở rộng, nâng cấp Quốc lộ (QL) 1 đoạn qua TP.Tân An, Công viên tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”,...

Những công trình trên hiện được đưa vào khai thác sử dụng, góp phần tạo sự phát triển mới cho thành phố, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần,... cho người dân.

Một góc TP.Tân An

Đường Vành đai TP.Tân An - tuyến đường văn minh đô thị

Dự án đường Vành đai TP.Tân An là 1 trong 3 công trình trọng điểm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra.

Theo đó, dự án này dài trên 16km (bao gồm cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây) đi qua địa phận 5 xã, 4 phường: Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa); Lợi Bình Nhơn, Khánh Hậu, Tân Khánh, An Vĩnh Ngãi, phường 7, Bình Tâm, Nhơn Thạnh Trung, phường 5 (TP.Tân An).

Dự án này được giao cho UBND TP.Tân An lập dự án đầu tư. Quy mô mặt đường được thiết kế 6 làn xe. Điểm đầu giao với QL62 tại ngã tư xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa; điểm cuối giao với QL1 qua tuyến Đường tỉnh 833.

Công trình được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2016-2020, tiến hành giải phóng mặt đường 33m, làm đường 26m và làm cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; giai đoạn 2 sau năm 2020, đầu tư mở rộng đường 33m.

Theo dự kiến, tổng mức đầu tư của cả phần đường và cầu hơn 3.500 tỉ đồng, trong đó, giai đoạn 1 hơn 2.400 tỉ đồng, giai đoạn 2 hơn 1.100 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư gồm vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn huy động các nhà đầu tư, ngân sách tỉnh.

Sơ đồ định hướng phát triển không gian đô thị TP.Tân An Ảnh: MHD

Theo đánh giá của lãnh đạo TP.Tân An, khi đường Vành đai được đưa vào sử dụng sẽ góp phần chuyển hướng lưu thông vận tải ra các vùng ven ngoại thành, góp phần giảm bớt áp lực cho tuyến QL1, tuyến tránh QL1 qua nội ô TP.Tân An và trục đường Hùng Vương.

Tuyến đường này cũng tạo nên trục giao thông liên hoàn xuyên suốt nối liền giữa các xã, phường; đồng thời, tạo nên hệ thống giao thông thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển.

Ngoài những lợi ích trên, gần đây, Bí thư Thành ủy TP.Tân An - Trần Kim Lân còn đánh giá, đường Vành đai TP.Tân An còn là cơ sở quan trọng giúp chính quyền thành phố quản lý tốt cảnh quan, kiến trúc, quy hoạch xây dựng, tạo ra quỹ đất để chỉnh trang và mở rộng nội thành.

Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố - Trịnh Đăng Khoa cho biết: “Kế hoạch thực hiện dự án đường Vành đai TP.Tân An đã trình UBND tỉnh xem xét chấp thuận. Khả năng, đường Vành đai sẽ được triển khai giải phóng mặt bằng trong quí III-2016, đến 2017 sẽ khởi công”./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết