Tiếng Việt | English

07/08/2015 - 08:45

TP.Tân An trên đường phát triển

TP.Tân An là trung tâm chính trị-hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh, là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển về kinh tế và đô thị. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển TP.Tân An giai đoạn 2011-2020”, thành phố trẻ đã thay đổi rõ nét.

Trường THPT chuyên Long An được xây mới khang trang

Nông thôn khởi sắc

Về xã An Vĩnh Ngãi bây giờ, đâu đâu cũng thấy những con đường mới, những căn nhà mới mọc lên. Đời sống người dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người hằng năm đạt 30,5 triệu đồng. Hơn 80 năm sinh sống tại đây, ông Trần Minh Đức, ở ấp Vĩnh Hòa đã chứng kiến An Vĩnh Ngãi “lớn lên” từng ngày. Ông Đức kể: “Hồi trước, vùng này có biệt danh là “An Vĩnh biệt” vì chiến tranh tàn phá nên đất đai hoang vu, đường sá lầy lội, dân sống khắc khổ lắm. Bây giờ, An Vĩnh Ngãi ngày càng phát triển, với trạm y tế, trường học đạt chuẩn, hệ thống điện, nước được cũng đầu tư xây dựng”.

Chứng kiến những đổi thay của quê hương từ ngày còn khó khăn nên ông Đức rất nhiệt tình trong việc đóng góp xây dựng nông thôn mới. Được biết, đoạn đường Trần Văn Ngà ngay trước cửa nhà ông Đức trước kia chỉ là một con lộ nhỏ, sình lầy, đi lại khó khăn. Giờ đây, với sự góp sức của ông và nhiều hộ dân sinh sống xung quanh, tuyến đường đã được mở rộng với mặt đường rộng 10m, hiện đang thi công trải nhựa.

Còn tại ấp Vĩnh Hòa, ông Nguyễn Ngọc Cừ cũng đã hiến trên 300m2 đất ruộng và đất thổ mở rộng đoạn đường Phạm Văn Điền. Mặc dù thanh long đang là cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng ông Cừ vẫn quyết định bỏ hơn 10 gốc thanh long đang ra trái, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở đường. Ông Cừ cho biết: “Gia đình tôi là gia đình liệt sĩ, ông cha mình đã không tiếc xương máu để bảo vệ quê hương thì hiến một chút đất có đáng là gì”.

An Vĩnh Ngãi đã có những bước chuyển mình đáng kể. Hiện nay, xã đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận xã nông thôn mới.

Đường giao thông ở xã Bình Tâm được quan tâm đầu tư nâng cấp

5 năm qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thành phố đã huy động gần 206 tỉ đồng đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, cải tạo giếng nước, nạo vét kênh rạch, đầu tư hệ thống điện phục vụ sản xuất và dân sinh, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Trưởng Phòng Kinh tế TP.Tân An - Võ Thị Bạch cho biết: Thành phố đầu tư phát triển nông thôn mới vừa để thu hẹp khoảng cách đô thị - nông thôn, vừa phục vụ mục tiêu phát triển đô thị, bởi Bình Tâm và Lợi Bình Nhơn đã có lộ trình lên phường. Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ không thể tách rời trong phát triển thành phố. Dự kiến cuối năm 2015, thành phố có 4/5 xã đạt tiêu chí nông thôn mới”.

Nội thành khang trang

Điểm nhấn trong quá trình phát triển thành phố là công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp, chỉnh trang đô thị được tập trung đáng kể, bộ mặt đô thị ngày càng đổi mới, khang trang, sạch đẹp.

5 năm qua, trên địa bàn nội thành thành phố đã được đầu tư 324 hạng mục công trình, với tổng nguồn vốn trên 6.000 tỉ đồng, với những công trình mới: Đường Hùng Vương nối dài, cống Bảo Định, Nhà Thiếu nhi tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi, Trường chuyên Long An, nhất là công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn thành phố…

Hệ thống nước được xây dựng, nâng cấp đáp ứng nhu cầu của người dân 

Kinh tế tiếp tục phát triển và chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp. Hoạt động tín dụng, ngân hàng, dịch vụ vận tải, y tế, giáo dục, bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin tiếp tục phát triển nhanh, đáp ứng tình hình KT-XH và đời sống nhân dân.

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp từ 7.126 tỉ đồng năm 2010 tăng lên 18.357 tỉ đồng vào năm 2015. Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn đã lấp đầy trên 90% diện tích, thu hút 37 doanh nghiệp vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm chỉ còn 1,64%.

Văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm. Dự kiến, đến cuối năm 2015, thành phố có 23/38 trường công lập đạt chuẩn quốc gia; 9 xã, phường đạt chuẩn quốc gia; 5 xã, phường đạt chuẩn của tỉnh về phổ cập giáo dục trung học; 13/14 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và 100% xã có bác sĩ, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.
Hiện toàn thành phố có 58/83 ấp, khu phố có nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng; 4 xã, phường đạt chuẩn văn hóa, dự kiến cuối năm nay tăng thêm 3 đơn vị.

Dù còn những hạn chế nhất định nhưng sự chuyển mình đổi mới từ nội thành đến nông thôn đã cho thấy hướng đi đúng, căn cơ của Đảng bộ thành phố trong nhiệm kỳ qua. Đây là nền tảng vững chắc để thành phố tập trung xây dựng ngày càng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững./.

Tấn Lộc-Thúy Phương

Chia sẻ bài viết