Tiếng Việt | English

11/10/2023 - 09:08

Trồng rau má trên đất lúa giúp 9X tăng thu nhập

Xuất thân từ gia đình nông dân, trước “điệp khúc” lúa, chanh “được mùa, rớt giá”, “được giá, thất mùa” nên thu nhập bấp bênh, anh Lê Thanh Phong (SN 1999) - Bí thư Chi đoàn ấp 1, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tìm hướng đi mới, chuyển đổi trồng rau má. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật, trồng rau má ngày càng hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật, anh Lê Thanh Phong trồng rau má đạt năng suất cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình

Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật, anh Lê Thanh Phong trồng rau má đạt năng suất cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình

Nhận thấy rau má dễ trồng, cho năng suất cao, giá bán ổn định và được nhiều người ưa chuộng trên thị trường, 10 năm trước, anh Phong trồng thử nghiệm 0,5ha. Nhờ nhạy bén, khả năng tiếp thu nhanh và sự hỗ trợ của những người đi trước, anh Phong trồng rau má đạt năng suất cao. Từ đó, anh mở rộng diện tích và thực hiện mô hình Trồng rau má trên đất trồng lúa, trồng chanh.

Anh Phong bộc bạch: Trong năm đầu, anh trồng 10.000m2 và đầu tư gần 250 triệu đồng để cày xới, lên liếp, gieo hạt, lắp đặt hệ thống tưới tự động. Đến năm thứ 2, anh từng bước mở rộng lên 15.000m2. Hiện nay, anh trồng 20.000m2 rau má. Với phương châm “Vì sức khỏe cộng đồng”, anh luôn chú trọng chất lượng và an toàn thực phẩm trong quá trình trồng rau má.

Để rau má phát triển tốt, anh Phong đầu tư kỹ lưỡng từng khâu như làm đất, lên liếp, gieo hạt, tưới nước, bón phân, xịt thuốc, vận chuyển và thu hoạch. Rau má dễ mắc một số bệnh phổ biến như thối rễ, rầy, đốm vàng, rỉ sắt, cháy lá,... Vì vậy, trong mỗi vụ, anh đều khử trùng, ngăn ngừa dịch bệnh và sản xuất xen canh 2 vụ rau, 1 vụ lúa (lúa trồng để lấy rễ cải tạo đất). Thời gian trồng 3,5 tháng/vụ. Anh tự túc về hạt giống nên chủ động được từ khâu gieo trồng đến khi thu hoạch. Nhờ từng bước áp dụng công nghệ vào trồng rau má nên tiết kiệm nước, giảm chi phí nhân công so với sản xuất truyền thống.

Với năng suất bình quân 8 tấn/10.000m2/vụ, bán giá từ 10.000 - 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh có thu nhập từ 80-100 triệu đồng/10.000m2/vụ. Mô hình của anh cũng góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Mô hình Trồng rau má trên đất trồng lúa, trồng chanh của anh Lê Thanh Phong giải quyết việc làm cho người dân địa phương

Mô hình Trồng rau má trên đất trồng lúa, trồng chanh của anh Lê Thanh Phong giải quyết việc làm cho người dân địa phương

Thời gian qua, anh hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cung cấp hạt giống và liên kết bao tiêu đầu ra, hỗ trợ nhiều đoàn viên, thanh niên và người dân địa phương chuyển đổi cây trồng từ lúa, chanh cho hiệu quả thấp sang rau má hiệu quả cao hơn.

Hiện tại, anh Phong liên kết với thương lái thu mua trực tiếp tại vườn và đưa đến phân phối tại các chợ đầu mối nông sản. Anh dự định trồng theo hướng đạt tiêu chuẩn VietGAP và mở rộng liên kết với các công ty thu mua, sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm để tạo đầu ra ổn định cho rau má; đồng thời, lập trang web, các kênh trên mạng xã hội để khách hàng dễ tiếp cận sản phẩm.

“Tôi đang thực hiện mô hình theo dạng tư nhân. Hiện tôi ấp ủ thực hiện mô hình theo hướng cộng đồng, mở rộng liên kết giữa doanh nghiệp, người dân địa phương với các xã khác trong huyện. Bên cạnh đó, tôi hướng đến xây dựng điểm du lịch để khách tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm không gian trong lành, yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên, thư giãn cuối tuần” - anh Phong chia sẻ./.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết