Ông Nguyễn Văn Trình (bìa trái) cùng nông dân ấp Gò Tranh, xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường thực hành làm bánh dinh dưỡng bổ sung khoáng chất cho trâu, bò
Ông Nguyễn Văn Trình (ấp Gò Tranh, xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) nuôi bò hơn 10 năm. Lúc cao điểm, đàn bò của ông lên đến gần 40 con. Trước đây, do chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên khi bò bỏ ăn ông mới biết bị bệnh, phải điều trị tốn kém, gây thiệt hại kinh tế. Năm 2023, ông Trình được các kỹ sư từ Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ ND tỉnh đến tập huấn, hướng dẫn cách nuôi và chăm sóc bò theo hướng hiện đại. Ông đổ bêtông nền chuồng rồi làm đệm sinh học. Lớp đệm này giúp chuồng được khô ráo, ít tốn công dọn; bò thoải mái, chóng lớn, lên giống nhanh, chất lượng thịt tốt. Phân bón từ lớp đệm sinh học này bón cho cây trồng cũng phát triển nhanh, tươi tốt.
Từ hiệu quả đó, ông Trình tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp khi địa phương tổ chức. Ngoài ra, ông còn thường xuyên lên mạng học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm để phát triển đàn bò và diện tích lúa đang canh tác. Ông Trình chia sẻ: “Tôi nhận thấy làm nông nghiệp kinh nghiệm cũng quan trọng nhưng khoa học - kỹ thuật phải đi đầu. Nhờ các kỹ sư hướng dẫn, tôi biết cách chủ động phòng tránh bệnh, biết ủ thức ăn, làm bánh dinh dưỡng cho bò, mang lại hiệu quả trong chăn nuôi”.
Trước năm 2018, ông Trần Văn Nết (ấp 2, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) trồng lúa. Do giá lúa lúc đó quá thấp nên ông quyết định phá 2.000m2 lúa, chuyển qua trồng na Thái. Là một trong những người đi đầu trồng cây na Thái nên ông Nết khá bỡ ngỡ, gặp không ít khó khăn. Khi những cây na Thái đầu tiên trổ bông, ông rất mừng. Nhưng niềm vui chưa lâu thì ông tá hỏa vì bông cứ rụng dần, có khả năng mất trắng. Mỗi ngày ra vườn, nhìn công sức đang “đổ sông đổ biển”, ông buồn nhưng không biết làm sao. Một hôm, đang thẫn thờ nhặt những bông na Thái rụng thì một người đến hỏi thăm. Khi biết đây là kỹ sư nông nghiệp của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ ND tỉnh, ông Nết mừng như “vớ được vàng”. Người kỹ sư này chỉ cần nhìn là biết bông na Thái đang bị bọ voi tấn công. Anh chỉ ông Nết cách phun thuốc và phòng tránh sau này. Nhờ vậy mà vụ na đó, ông lấy lại vốn, những vụ sau năng suất tăng lên gấp 2-3 lần.
Ông Trần Văn Nết (ấp 2, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) bên vườn na Thái được hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh
Từ đó, ông Nết cũng tích cực đến Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ ND tỉnh để học. Có những khóa học kéo dài 3 tháng, tuần 2 ngày nhưng ông không bỏ buổi nào, chăm chỉ học, nghiên cứu và ứng dụng. Ngoài ra, ông còn chuyển thêm 4.000m2 đất lúa sang trồng bưởi và tận dụng kênh nước tưới để nuôi cá. Ông Nết cho biết: “Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp rất quan trọng, giúp tăng hiệu quả kinh tế. ND cũng chủ động hơn, không còn quá lệ thuộc vào thời tiết. Nhưng ND cần phải chịu cực, chịu khó thì mới thành công”.
Theo Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ ND tỉnh - Nguyễn Thanh Hiếu, năm 2023, Trung tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt và vượt kế hoạch UBND tỉnh giao (1.762/1.200 học viên). Trung tâm cũng hỗ trợ ND tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp hỗ trợ ND của Hội ND tỉnh để phát triển sản xuất (28 dự án với số vốn 14.390 tỉ đồng); cung ứng cho ND các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh và TP.Tân An hơn 150.000 cây giống đạt chất lượng; trực tiếp hỗ trợ xây dựng 6 mô hình tưới tiết kiệm cho ND huyện Bến Lức và TP.Tân An.
Sắp tới, Trung tâm phối hợp Trường Cao đẳng nông nghiệp Nam Bộ đào tạo, tập huấn chuyên sâu hơn cho ND về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng như liên kết đào tạo trình độ trung cấp nghề; tăng cường liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ vật tư nông nghiệp trả chậm cho ND; hỗ trợ ND bán nông sản qua sàn thương mại điện tử./.
Châu Thanh