Tiếng Việt | English

21/05/2020 - 15:52

Trung ương khảo sát 2 mô hình đột phá của Long An những năm trước đổi mới

Sáng 21/5, Đoàn khảo sát của Ban Tổ chức Trung ương đến Long An tìm hiểu, trao đổi một số nội dung về công tác cải tiến phân phối lưu thông giá - lương - tiền và công tác khai thác tiềm năng Đồng Tháp Mười của tỉnh.

Đoàn khảo sát trao đổi với các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Long An

Đoàn khảo sát do Viện trưởng Viện khoa học tổ chức cán bộ - Dương Mộng Huyền làm Trưởng đoàn. Tiếp và làm việc với đoàn có Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Long An - Nguyễn Thanh Hải; nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Thanh Phong; nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Văn Chính; nguyên Trưởng Ty Thương nghiệp tỉnh - Nguyễn Thanh Long; nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Đặng Văn Sáng; nguyên Phó Giám đốc Liên hiệp Công ty xuất, nhập khẩu tỉnh - Nguyễn Thị Phương Quang; nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Lê Văn Bích.

Trước đổi mới (1986) là thời kỳ dài đất nước sống trong bao cấp, mua bán không theo quy luật của giá trị; các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đều được sử dụng tem phiếu. Cách làm này phù hợp trong thời kỳ đất nước bị chiến tranh nhưng đến giai đoạn hòa bình thì không còn phù hợp nữa.

Từ thực tế trên, với mục tiêu kích thích, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước xóa bỏ chế độ “quan liêu hành chính cung cấp và bao cấp”, ngay từ những năm đầu thập niên 1980, Tỉnh ủy Long An dưới sự lãnh đạo của Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Văn Chính bắt tay ngay vào khâu đột phá thực hiện Đề án cải tiến phân phối lưu thông (hay gọi là giá-lương-tiền).

Nguyên Phó Giám đốc Liên hiệp Công ty xuất nhập khẩu tỉnh - Nguyễn Thị Phương Quang, một trong những người trực tiếp thực hiện cơ chế quản lý mới

Tuy nhiên, đây là cách làm mới nên có không ít ý kiến và hành động phản đối quyết liệt vì cho rằng không thể “xé rào” cơ chế hiện hành. Đồng chí Nguyễn Văn Chính cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh vừa làm, vừa thử, vừa báo cáo lên cấp trên và từng bước nhận được sự đồng tình. Cuộc đấu tranh để vận dụng cơ chế một giá ngay trong nội bộ và trên địa bàn tỉnh ban đầu có lúc gay gắt nhưng khi thực hiện đã có sự đoàn kết, nhất trí cao từ trong Tỉnh ủy đến các ngành, các cấp.

Thực tế cho thấy, khi thực hiện theo cơ chế quản lý mới, Nhà nước ngày càng nắm được tiền hàng, ổn định được tài chính, giải phóng được lực lượng sản xuất, đời sống của cán bộ và nhân dân được ổn định, cải thiện và phát triển; kinh tế-xã hội phục hồi, tăng trưởng rõ rệt. Qua gần 5 năm thử nghiệm, nhiều đoàn nghiên cứu trong và ngoài nước đến khảo sát đều khẳng định Long An đã vận dụng theo quy luật thị trường.

Từ bước đột phá cải tiến phân phối lưu thông của Long An đã góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới tư duy, hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng ta. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (khóa V) về giá - lương - tiền ngày 17/6/1985 khẳng định “Phải dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, thực hiện đúng chế độ tập trung dân chủ, hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa”.

Cùng với công tác cải tiến phân phối lưu thông, đồng chí Nguyễn Văn Chính lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh quyết liệt thực hiện chủ trương tiến công khai phá vùng Đồng Tháp Mười. Sau năm 1975, vùng đất này gặp rất nhiều khó khăn: Hàng chục ngàn hecta đất sản xuất bị bỏ hoang; nhiều hộ gia đình rời bỏ nhà cửa, tài sản; trận lũ lụt lớn năm 1978 gây thiếu lương thực; chiến tranh biên giới Tây Nam;…

Sau khi khai phá, vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh trở thành vựa lúa của tỉnh và cả khu vực

Bằng nhiều biện pháp đồng bộ như phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, đẩy mạnh công cuộc bố trí, giãn dân từ các huyện phía Nam và các tỉnh, thành trong cả nước; đặc biệt là thành lập các Đoàn xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng bảo vệ biên giới, tăng cường lực lượng định cư để khai thác sản xuất, đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa nông nghiệp,… vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh ngày càng trù phú, đời sống nguời dân có bước phát triển vượt bật.

Trong 20 năm tổng “tiến công” khai phá (1979-1999), đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh đã đóng góp hàng triệu ngày công lao động. Diện tích lúa canh tác từ 62.000ha tăng lên hơn 292.000ha (gấp 4,67 lần); năng suất từ 2,5 tạ/ha tăng lên 39,8 tạ/ha (gấp 16 lần); sản lượng từ 82.000 tấn tăng lên 1 triệu tấn (gấp 13,2 lần), chiếm trên 70% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh. Bên cạnh đó, hàng ngàn kilomet đường giao thông thủy, bộ, hệ thống thủy lợi được xây dựng, mở rộng, nạo vét.

Các ý kiến của đại biểu tại cuộc khảo sát đều khẳng định, kết quả đã đạt từ 2 mô hình đột phá là công sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong đó, có dấu ấn của đồng chí Nguyễn Văn Chính - cố Bí thư Tỉnh ủy, nhà lãnh đạo sáng tạo, chủ động, bản lĩnh, có tầm nhìn đột phá, dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong phát triển kinh tế.

Trưởng đoàn khảo sát, Viện trưởng Viện khoa học tổ chức cán bộ - Dương Mộng Huyền cho biết, việc khảo sát nhằm phục vụ Đề án xây dựng Quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung do Ban Tổ chức Trung ương thực hiện. Thông qua đề án này, ông hy vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn hiện nay; đồng thời khích lệ, động viên, có cơ chế bảo vệ các tập thể, cá nhân mạnh dạn đột phá, đổi mới, đưa đất nước phát triển đi lên./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết