Gan góc đột phá thành trì bao cấp
Hơn 40 năm qua, những con chữ không đủ để thế hệ trẻ thời nay hiểu và cảm nhận được không khí ngột ngạt, bế tắc của cơ chế quản lý hành chính tập trung quan liêu, bao cấp thời đó. Từ hạt lúa, củ khoai, con gà, con vịt,... tất cả sản phẩm làm ra phải bán cho Nhà nước với giá áp đặt “mua như cướp”. Mọi việc mua bán, vận chuyển hàng hóa qua lại của cá nhân đều bị xem là buôn lậu, từ công an, thuế vụ, du kích - ai cũng có quyền bắt hàng, bắt người. Ngược lại, giá hàng hóa do Nhà nước bán ra theo tiêu chuẩn định lượng cũng “rẻ như cho”.
Cơ chế mua bán ấy làm sản xuất tê liệt, hàng hóa khan hiếm, xã hội khủng hoảng. Đủ thứ tiêu cực phát sinh. Từ xé lẻ những sản phẩm địa phương đường, đậu, Long An mở ra mua đúng giá, bán đúng giá; cán bộ, nhân viên được bù giá vào lương với mức từ 120-150% mức lương. Sản xuất phục hồi, kinh tế phát triển. Thế nhưng, ý chí xây dựng theo mô hình xã hội chủ nghĩa thời chiến đang chủ đạo, quan điểm kỷ luật, kỷ cương thời ấy rất khắc nghiệt. Mọi ý tưởng, hành động cải tiến mô hình lạc hậu ấy đều bị quy chụp là mất lập trường, xét lại.
Ông Kim Ngọc - Bí thư Vĩnh Phú “xé rào” khoán chui gặp lắm lận đận, ông Nguyễn Văn Linh “lỏng tay” cải tạo công thương nghiệp với biết bao gian truân là những tấm gương rành rành. Chính vì vậy, việc ông Chín Cần dám “xé rào” mua hàng giá cao, trả tiền lương cho cán bộ cao hơn quy định là chuyện “tày trời”, là “gan cóc tía”. Đương nhiên, áp lực chính trị với bản thân rất nặng nề nhưng ông tự tin và tạo được niềm tin với tập thể.
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (bìa phải, hàng thứ 1) cùng đồng chí Nguyễn Văn Chính (bìa phải, hàng thứ 2) trong một chuyến về thăm và làm việc tại Long An
Bản lĩnh lãnh đạo tạo niềm tin cho tập thể
Thời điểm đó, Ban Thường vụ và cả Tỉnh ủy Long An đều phập phồng trong tư thế sẵn sàng bị kỷ luật bất cứ lúc nào nhưng tất cả đều tin ông, tin vào bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược của ông nên sẵn sàng cùng ông chia sẻ trách nhiệm.
Những cán bộ kỳ cựu ở Long An không thể quên thời điểm đen tối nhất sau Hiệp định Gieneve, khi chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố cán bộ, đảng viên cộng sản, Nghị quyết 15 về đường lối cách mạng miền Nam chưa ra đời, chưa ai biết đối phó ra sao thì ở Long An - Chợ Lớn, ông Chín Cần chủ trương lập căn cứ ở Ba Thu (Đức Huệ) cho đào hầm lấy vũ khí được chôn giấu và tái lập lực lượng vũ trang núp bóng với danh nghĩa quân đội Cao Đài, Bình Xuyên để khởi đầu kháng chiến. Nhờ vậy, số lượng cán bộ của Long An bị bắt bớ, giam cầm ít hơn các tỉnh khác.
Đến năm 1963, sau Đồng khởi, Long An có 2 đại đội bộ binh và 1 trung đội đặc công thủy. Tiếp sau trận Ấp Bắc, bộ đội Long An chủ động tập kích vào Trung tâm Huấn luyện biệt kích của Mỹ ở Hiệp Hòa. Đây là căn cứ rộng 1km2, có sân bay dã chiến, có hầm hố bêtông kiên cố, có thiết giáp bảo vệ, do lực lượng thiện chiến của Mỹ chiếm đóng. Vét hết lực lượng địa phương vốn mỏng, trang bị yếu, đánh vào cứ điểm kiên cố như vậy là mạo hiểm đến không tưởng, ông Chín Cần (Chính trị viên) và Tư Thân (Tỉnh đội trưởng) vận dụng đúng bài bản 3 mũi giáp công: Quân sự, chính trị, binh vận, đưa người vào làm nội tuyến và thành công, đánh chiếm căn cứ, bắt 4 biệt kích Mỹ. Đây là 4 tù binh Mỹ đầu tiên bị bắt ở miền Nam. Tầm nhìn chiến lược đó và những quyết đoán trong vai trò người đứng đầu Tỉnh ủy Long An suốt cuộc kháng chiến tạo niềm tin cho cấp dưới.
Tầm nhìn chiến lược về đất, về người
Không chỉ quyết liệt trong cải tiến phân phối lưu thông, ông còn có tầm nhìn chiến lược mở ra kế hoạch lúc đầu gọi tên là “Lấp kín Tháp Mười”, sau đó có tên chính thức là “Khai thác tiềm năng Đồng Tháp Mười”, mà bước khởi đầu quyết định là mở con lộ 49 nối liền từ Tuyên Nhơn đến Kiến Bình, Mộc Hóa trên nền đất sình lầy của Đồng Tháp Mười bằng lao động thủ công. Khi chưa có lộ 49, từ Tân An muốn đi Mộc Hóa phải
vòng sang Cai Lậy, qua Kiến Bình xa thêm hơn 80km hoặc đường thủy theo sông Vàm Cỏ Tây. Đồng lúa cao sản hơn 300.000ha của Đồng Tháp Mười Long An bây giờ là kết quả từ tầm nhìn chiến lược của ông và những quyết sách thực thi của người đồng chí - Tướng Huỳnh Công Thân.
Không chỉ thấy giá trị của đất, thấm tình với đất, ông còn thấy giá trị con người. Điều đau đáu mà ông Chín quan tâm là cán bộ. Trái với quan niệm của một số lãnh đạo ở một số địa phương phân biệt “nhất trụ, nhì khu, tam tù, tứ kết”, chỉ trọng dụng cán bộ kháng chiến tại chỗ, ông Chín mời gọi và trọng dụng tất cả những cán bộ gốc gác Long An. Ngay cả số học sinh mới trưởng thành, tốt nghiệp đại học sau giải phóng, biết được ai giỏi, ông cũng đích thân mời gọi. Nhờ vậy, ông có giàn tham mưu rất vững như ông Tư Giao (cán bộ tập kết, nhiều năm làm việc ở Bộ Nội Thương) mà chúng tôi vẫn gọi đùa là “lưỡng quốc quân sư” do được Tổng Bí thư Lào Cai Xỏn Phom Vi Hản và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mời làm cố vấn. Ông Tư Giao khởi đầu là Trưởng ty Thương nghiệp, sau là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách phân phối lưu thông là “nhạc trưởng” của chương trình cơ chế một giá.
Một trợ thủ đắc lực khác là Trương Bình Tâm (anh ruột Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình), một học sinh miền Nam được du học Cộng hòa Dân chủ Đức, khi chiến tranh bùng nổ, ông vượt tường sắt Berlin sang Tây Đức, về Sài Gòn rồi vào khu chiến đấu. Nhiệt tình yêu nước nhưng như vậy là vô kỷ luật nên bố trí vào cấp ủy hết sức khó khăn. Chính ông Tâm - với vai trò Trưởng ty Tài chính từ khi thực hiện cải tiến phân phối lưu thông, thực hiện cơ chế một giá, bù giá vào lương luôn cân đối, kết dư ngân sách. Long An thời ấy là một trong số rất ít tỉnh không xin hỗ trợ mà còn nộp ngân sách cho Trung ương. Chính điều đó chứng minh hiệu quả, chương trình cải tiến phân phối lưu thông được Trung ương công nhận.
Nhưng không phải được công nhận, mọi thứ đều thuận buồm mát mái. Khi ông Chín là Bộ trưởng Bộ Lương thực, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, vẫn có không ít đoàn kiểm tra về Long An làm việc. Nhiều lần, ông Chín phải bay về trước để tư vấn, hỗ trợ cấp ủy đương nhiệm. Cái tình của ông với Long An như không rứt ra. Mồng một Tết năm nào, ông cũng về thăm lãnh đạo tỉnh, sau đó đến các cơ quan của tỉnh mà ưu ái nhất là Báo Long An (có lẽ một phần do anh Lê Vân - Tổng Biên tập báo thời ấy từng là thư ký của ông).
Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mà giản dị, bình dân, không tiền hô hậu ủng, không một cảnh vệ, bảo vệ nào. Ông đến tòa soạn, ngồi nói chuyện tâm tình như chú cháu, cha con. Có lần, ông kể chuyện một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị hỏi ông, định giá mua lương thực như vậy là theo giá nào? Xã hội chủ nghĩa hay tư bản? Ông trả lời: “Xin lỗi, tôi ít học hành lý luận nên không biết giá gì nhưng tôi biết đó là giá người dân thuận mua, vừa bán”. Sau tết, tôi dại dột đưa thông tin này lên Báo Long An. Tết năm sau, ông lại về và nói với chúng tôi như dạy chứ không phải rầy hay trách: “Chú nói cho tụi bây hiểu, tình hình nhận thức còn chưa thống nhất chứ đưa lên báo mà chi? Biết người hỏi là ai không?”. Tôi ray rứt, ân hận, đoán ra mẩu tin ấy hẳn gây ít nhiều khó khăn cho ông.
Tử tế trong từng chuyện nhỏ
Không riêng ai, không chỉ tại Long An, mà ở Hà Nội, nghe có đoàn Long An nào ra, chú đều tìm đến thăm ân cần, chu đáo. Không chỉ với cán bộ mà quan trọng là với dân. Ông không màu mè đãi bôi mà giải quyết tận tình đến nơi, đến chốn những yêu cầu chính đáng. Ngay trong thời kháng chiến, ông đã điều tra, xác minh và giải oan cho hơn 10 cán bộ ở Cần Đước, Cần Giuộc bị Mười Giộc (sau là Giám đốc Công an Đồng Nai tham nhũng và bị xử tử) giết oan vì quy chụp chính trị.
Một lần về Long An tiếp xúc cử tri, ông đến Văn phòng Tỉnh ủy hỏi thăm như thường lệ và sau đó yêu cầu giải trình cho ông thắc mắc, khiếu nại của cử tri mà ông chuyển nhờ giải quyết trong lần trước. Hóa ra, người có trách nhiệm lỡ quên, ông yêu cầu phải thực hiện ngay, nếu không, ông sẽ không dám gặp cử tri.
Nếu chú ý nhìn gương mặt của ông, ai cũng thấy nét hiền hòa, đôn hậu nhưng dù ngay lúc đang cười, trong mắt ông vẫn có điều gì đau đáu, khắc khoải. Chừng như chưa bao giờ ông yên lòng, hài lòng về những điều đã làm với nước, với dân.
Chú Chín ơi! Xin hãy yên lòng, thanh thản! Người dân mãi mãi thấu hiểu, kính trọng và tri ân chú, một tầm nhìn chiến lược, một tấm gương bất khuất vì dân./.
Lê Đại Anh Kiệt