Tiếng Việt | English

09/04/2025 - 09:39

Từ những công trình trọng điểm, chương trình đột phá

Thực hiện nghị quyết đại hội (NQĐH) Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, các địa phương “về đích sớm” các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình đột phá (CTĐP), công trình trọng điểm (CTTĐ) đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH.

Chương trình đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đối với con bò được huyện Đức Huệ tập trung thực hiện

Công trình của lòng dân

NQĐH Đảng bộ huyện Đức Huệ, tỉnh Long An lần thứ XII xác định 1 CTTĐ duy nhất là xây dựng đường ấp 4, 5, 6, xã Mỹ Quý Tây. Nhìn tuyến đường láng nhựa đã hoàn thành và chuẩn bị khánh thành, ông Trần Văn Lướt - người dân sinh sống gần đó, rất đỗi vui mừng bởi từ nhiều năm qua, con đường này là nỗi ám ảnh của người dân khi lưu thông. Do đó, khi có chủ trương láng nhựa tuyến đường, ông cùng khoảng 460 hộ dân xã Mỹ Quý Tây đồng thuận hiến đất với tổng trị giá hơn 4,2 tỉ đồng.

“Không thể kể hết niềm vui và sự phấn khởi của chúng tôi khi nhìn con đường đã hoàn thiện. Vậy là mong ước sau nhiều năm của chúng tôi đã thành hiện thực” - ông Lướt bộc bạch.

Tuyến đường ấp 4, 5, 6 tại xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ chuẩn bị khánh thành

Được biết, tuyến đường ấp 4, 5, 6 là tuyến huyết mạch của xã Mỹ Quý Tây. Những năm qua, tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù hàng năm, huyện đã đầu tư nhiều kinh phí để duy tu, sửa chữa, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân.

Công trình này được khởi công vào tháng 02/2023, chiều dài toàn tuyến gần 8km, tổng mức đầu tư hơn 85 tỉ đồng. Khi công trình hoàn thành không chỉ đáp ứng sự kỳ vọng, phục vụ nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân hai bên khu vực mà còn góp phần phát triển KT-XH gắn với ổn định quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới.

Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Trần Thanh Phong cho biết, Huyện ủy tổ chức quán triệt các nội dung liên quan tại xã Mỹ Quý Tây, thông tin chi tiết cũng như ý nghĩa của công trình nên nhận được sự đồng tình rất lớn của người dân. Đây là công trình “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trong đó người dân hiến đất, vật kiến trúc và tài sản trên đất không bồi thường. Nhờ vậy, công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi.

Ngoài CTTĐ nêu trên, CTĐP về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đối với cây chanh và con bò cũng được huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo lộ trình.

Đáp ứng sự kỳ vọng của người dân

Trong nhiệm kỳ này, huyện Thủ Thừa đề ra 4 CTTĐ và đã hoàn thành tất cả công trình. Đó là các công trình: Đường trục giữa từ thị trấn Thủ Thừa đến Quốc lộ N2; cầu qua kênh Bo Bo (bờ Nam kênh T3); Trung tâm Văn hóa - Thể thao khu vực phía Bắc; cầu qua kênh Thủ Thừa (bến đò Cây Da, nối xã Nhị Thành và xã Tân Thành). Trong đó, cầu qua kênh Bo Bo được đưa vào sử dụng cách đây khoảng 4 năm trong niềm vui, sự mong đợi của người dân, học sinh trên địa bàn xã Tân Thành.

Công trình không chỉ bảo đảm vận chuyển, lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân giữa 2 tuyến Đường tỉnh 817 - 818 được thông suốt mà còn góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn huyện. Cầu có thiết kế với hình chữ X, giúp an toàn hơn khi di chuyển lên, xuống cầu. Khu vực cầu được bố trí đèn, giúp việc đi lại của người dân vào ban đêm thuận tiện hơn.

Công trình trọng điểm cầu qua kênh Bo Bo (xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) được thiết kế hình chữ X, giúp người dân an toàn khi di chuyển qua cầu

Chị Nguyễn Thị Bích Thủy có con theo học tại Trường Tiểu học & THCS Tân Thành, cho hay: Trước đây, người dân muốn qua lại kênh Bo Bo phải “lụy” đò trong khi đò chỉ hoạt động từ 5-18 giờ hàng ngày. Ngoài thời gian này, người dân phải đi vòng rất xa. Chưa kể, giờ cao điểm, nhu cầu qua lại cao, người dân phải chờ đò lâu và khi đò chở nhiều người lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đi lại bằng đò vừa tốn kém, vừa bất tiện nên nhiều năm nay, người dân mơ ước có một cây cầu bắc qua kênh Bo Bo.

“Cây cầu được đưa vào sử dụng, ai cũng vui, không chỉ giúp đi lại thuận tiện hơn mà cầu nằm ở vị trí rất phù hợp, vừa chạy xe qua cầu là đến Trường Tiểu học & THCS Tân Thành nên phụ huynh, học sinh rất yên tâm” - chị Thủy chia sẻ.

Theo Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa - Đinh Văn Sáu, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, huyện quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tập trung thực hiện các giải pháp để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu NQĐH đại biểu Đảng bộ huyện Thủ Thừa lần thứ XII. Trong đó, 4 CTTĐ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được huyện triển khai, thực hiện chặt chẽ từng khâu đến khi hoàn thành. Các công trình sau khi hoàn thành đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện Thủ Thừa nói riêng và tỉnh Long An nói chung.

Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm, chú trọng đến 2 CTĐP: Đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa nếp, cây chanh, cây mai vàng và con bò; nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện các dự án trên địa bàn huyện.

Động lực để phát triển

Kinh tế nông thôn với nhiều “điểm sáng”, người dân dần thay đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang áp dụng những mô hình mới,... là những điểm nổi bật từ CTĐP Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện Cần Giuộc đem lại.

Chương trình đột phá về trồng rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Cần Giuộc

Việc thí điểm chuyển giao công nghệ cao, nhất là ứng dụng các thiết bị công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Cần Giuộc đã giúp nhiều nông dân, hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, mang lại thu nhập cao.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng (xã Phước Hậu) trồng rau được khoảng 15 năm. Ông thông tin, ban đầu, cũng như những hộ nông dân khác, gia đình ông trồng rau theo cách truyền thống. Sau này, ông tham gia lớp học trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện ông trồng cải trong nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động nên ít sâu, bệnh, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động; năng suất, chất lượng rau được nâng lên.

Nông dân huyện Cần Giuộc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm nước lợ

Hàng năm, huyện sản xuất trên 1.700ha rau màu, cung cấp ra thị trường khoảng 140.000 tấn rau. Thực hiện CTĐP theo NQĐH XI Đảng bộ tỉnh và CTĐP theo NQĐH XII Đảng bộ huyện, ngành Nông nghiệp và Môi trường huyện tập trung nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ. Đồng thời, vận động nông dân tham gia thực hiện chương trình; hướng dẫn, chuyển giao khoa học, công nghệ; tập huấn, hỗ trợ vốn,...

Nhờ đó, kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực với các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất. Người dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Đến nay, toàn huyện thực hiện được 1.342ha rau và 537ha tôm ứng dụng công nghệ cao.

Những CTTĐ, CTĐP không chỉ có ý nghĩa an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân mà còn thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Vì vậy, bảo đảm đúng tiến độ các CTTĐ, CTĐP vừa hoàn thành chỉ tiêu NQ, vừa là động lực để các cấp ủy Đảng, chính quyền hướng đến những mục tiêu cao hơn trong thời gian tới./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết