Tiếng Việt | English

29/04/2016 - 21:53

Tuổi trẻ nghĩ về 30/4/1975: Viết tiếp tương lai

Trong tuyệt bút “Rừng xà nu”, Nguyễn Trung Thành từng viết: Bên cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có 4, 5 cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Nó cũng như các thế hệ dân làng Xoma, lớp này kế tiếp lớp khác đứng lên tiếp tục cuộc chiến đấu chống quân thù:

Lớp cha trước, lớp con sau

Đã thành đồng chí chung câu quân hành! (Tố Hữu)

Tinh thần bất diệt luôn là điều mà dân ta tự hào mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng cũng như trong những cuộc bể dâu của mọi thời đại. Điều đó cũng là điều được các nước trên thế giới công nhận và khẳng định qua hàng nghìn năm xây dựng và bảo vệ nước Việt Nam.

Những thăng trầm của thời chiến cũng như những mốc son chói lọi để lại trong sử sách, trong những trang giáo khoa giáo dục thế hệ trẻ đều nhắc đến những kì tích đó. Khoảng cách giữa chiến tranh và hòa bình quá đỗi xa xôi để rồi biết bao thế hệ phải bỏ mạng, đổ mồ hôi, xương máu đánh đổi lấy hòa bình. Họ đã anh dũng gởi lại nụ cười vào khoảnh khắc sinh tồn cho dân tộc, cho khoảnh khắc mang tên độc lập - Chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Tuổi trẻ tiếp bước cha ông để xây dựng đất nước

Giây phút mà Việt Nam ngẩng cao đầu và tự hào nói với thế giới rằng Việt Nam độc lập. Trải qua 41 năm nhưng khí thế đó vẫn không ngừng sục sôi và truyền lửa đến lớp lớp thế hệ trẻ ngày nay phải thức tỉnh được rằng: Mọi chiến thắng đều không dễ dàng và tuổi trẻ cần làm gì để giữ gìn nền hòa bình, đồng thời dựng xây sự phồn vinh của đất nước.

Ngược dòng thời qian trở về những năm tháng quá khứ hào hùng ấy, kể từ khi Cách mạng tháng 8 thành công và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình. Người khẳng định quyền sống của dân tộc, cũng như tỏ ra khéo léo khi rất trân trọng những danh ngôn bất hủ của người Pháp, Mỹ (tuyên ngôn cách mạng Mỹ 1776 và của Pháp 1789) để tự khóa miệng quân thù và sau đó là kiên quyết nhắc nhở chúng rằng đừng phản bội tổ tiên mình, đừng làm vấy bùn lên lá cờ nhân đạo của các cuộc cách mạng vĩ đại của tổ tiên chúng. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là các dân tộc trên Thế Giới đều sinh ra và bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do – và cũng là động lực để Việt Nam chiến đấu hết mình.

Nhưng cuộc chiến sinh tồn của dân tộc ta chưa chấm dứt, các đế quốc còn chưa chịu buông tha cho chúng ta nên mãi đến chiến thắng 30/4/1975 thì Việt Nam mới thực sự giành được hoàn toàn độc lập, thống nhất đất nước. Quân ta đánh thắng được hai thế lực hùng mạnh thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong khi chúng hơn ta về mọi mặt: Lực lượng, vũ khí, trang bị kỹ thuật,…

Từ 1945, Việt Nam chiến đấu chống Pháp với những nỗi lo lớn, giặc đói giặc dốt lẫn giặc ngoại xâm, bằng sự đoàn kết và trí tuệ sáng suốt, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cuộc cách mạng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đại thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ 7/5/1954 còn được xem là một sự chấm hết, đánh dấu thất bại hoàn toàn của Pháp trong nỗ lực tái dựng thuộc địa Đông Dương nói chung và đế quốc thực dân nước mình nói riêng khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Rồi ngay sau loại Pháp ra khỏi trận chiến thì Mỹ nhảy vào xâm chiếm miền Nam Việt Nam. Trải qua 21 năm kiên cường chống trả những chiến dịch tàn bạo của đế quốc Mỹ như chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến lược chiến tranh cục bộViệt Nam hóa chiến tranh, chiến thắng 30/4/1975 đã quyết định tất cả, và mở ra cho Việt Nam một trang sử mới, đánh đuổi hoàn toàn đế quốc Mỹ và chấm dứt hoàn toàn chiến tranh ở Việt Nam, buộc chính quyền Ngụy tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Chiến thắng vẻ vang của một dân tộc đoàn kết với sức sống bất diệt, là chiến thắng của lòng yêu nước, của tinh thần quật cường và của trí thông minh người Việt Nam.

Thế hệ trẻ là những công dân ở lứa thành niên, là thế hệ măng sắp thành tre, người đã đủ điều kiện, đủ ý thức để nhận biết được vai trò của mình đối với bản thân và xã hội. Vì hướng đến những thế hệ tương lai đất nước như thế mà các cha anh đã đánh đổi cả máu xương bảo vệ đất nước, giữ gìn hòa bình, để dân ta phồn vinh hạnh phúc.


Tuổi trẻ xung kích trên các mặt trận

Sự trông đợi của thế hệ cha anh cũng như nguyện vọng đổi thay đưa đất nước lên cao mà thế hệ trẻ phải không ngừng phấn đấu hơn nữa, bởi các Vua Hùng đã có công dựng nước thì Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Dù cho đã dành được độc lập đi chăng nữa thì chúng ta cũng không có quyền chủ quan với thời cuộc và tuổi trẻ phải dùng trí tuệ để đưa dân tộc ta lên một tầm cao mới, sánh vai cùng các nước năm châu. Vì Việt Nam là một trong các nước giành được độc lập muộn hơn các nước khác, vậy nên chúng ta cần ra sức gấp đôi gấp ba để đuổi kịp với các nước bạn.

Thiết nghĩ rằng Bác Hồ đã viết tuyên ngôn độc lập để răn đe quân Pháp, Mỹ không nên phản bội lại những cuộc cách mạng vĩ đại và những tuyên ngôn lớn của dân tộc chúng thì tại sao chúng ta lại không hết mình vì tổ tiên chúng ta, vì dân tộc chúng ta. Bên cạnh sự tự hào về những gì đã đạt được thì tuổi trẻ phải hướng đến những cái chưa đạt được, không vội ngủ quên trên đỉnh cao của chiến thắng mà hăng hái bắt nhịp sống và hòa nhập vào môi trường kiến thiết xây dựng đất nước đã và đang sôi động này.

Vì có ơn lớp cha trước nên có lớp con sau phải luôn kế thừa và phát huy dựa trên nền tảng đó, mọi sự phát triển, mọi nền văn minh đều được gây dựng trên nền tảng của hòa bình vậy nên càng nhận thức được công ơn của các thế hệ cha anh đi trước to lớn đến chừng nào.

Tuổi trẻ hôm nay may mắn vì không phải hứng mưa bom bão đạn, may mắn vì mở mắt ra đã thấy bình minh trên màu cờ Tổ quốc, và tuổi trẻ ngày nay nhìn về chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 với niềm tự hào vô bờ bến, nhìn về biên giới, về biển đảo và về từng mảnh đất quê hương với sự thân thương và trân trọng.

Đằng sau mỗi cuộc chiến luôn là những mất mát đau thương, những nỗi đau mà càng qua thời gian thì càng trở nên cào xé lòng người, gia đình li tang và những niềm vui khác phải khép lại chỉ vì niềm vui chung của cả dân tộc. Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu - Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nhận định về đằng sau chiến thắng khiến bao trái tim phải rơi lệ. Tuy vậy, sẽ không gì có thể ngăn được sức sống của người Việt Nam, của tuổi trẻ đã và đang ngày đêm lao động vì tương lai đất nước. Tuổi trẻ với sức khỏe, kiến thức và trí tuệ đang vươn ra biển lớn, hướng đến những giá trị cao đẹp của nhân loại và có điều kiện để phát huy toàn bộ những năng lực của mình.

Chiến thắng ấy đã qua 41 năm nhưng không khí hào hùng của ngày ấy như vẫn còn trong mọi ngõ hẽm, góc phố, ngã đường Việt Nam, dường như nó đã đi vào tiềm thức mỗi người dân Việt như muốn nhắc nhở lòng yêu nước và tự tôn dân tộc ở bất cứ thời đại nào. Gấp trang sử sách với những biến cố lịch sử đó lại nhưng mở ra là những điều mà thế hệ trẻ cần cố gắng và nỗ lực viết tiếp tương lai, đúng như Hoàng Trung Thông đã từng viết:

Ta lại viết bài thơ trên báng súng

Con lớn lên viết tiếp theo cha

Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống

Người hôm nay viết tiếp người hôm qua…

Thanh Mỹ - Hồng Hậu

Chia sẻ bài viết