Tiếng Việt | English

26/07/2021 - 11:43

Về lại Nhà Dài

Di tích lịch sử - văn hóa (DTLS-VH) Khu vực Nhà Dài nằm trên Quốc lộ 50 thuộc địa phận xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Nơi đó ghi dấu trận đánh oanh liệt, khẳng định sự mưu trí, anh dũng của ta khi tương quan lực lượng với địch khá lớn. Trận đánh diễn ra trong khu vực ấp Nhà Dài, xã Tân Lân nên thường được gọi là trận đánh Nhà Dài.

"Trận đánh phủ đầu vào uy thế địch"

Xã Tân Lân là một xã nông nghiệp thuộc huyện Cần Đước, có vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao thông, vận chuyển hàng hóa nối liền TP.HCM và các tỉnh lân cận. Vì vậy, trong thời gian kháng chiến chống Pháp, đây là vùng dễ bị địch đe dọa. Năm 1946, khu vực Cần Đước, Cần Giuộc thuộc vùng địch kiểm soát, chúng hết sức nghênh ngang. Về phía ta, lực lượng còn yếu, trang bị vũ khí thô sơ.

Chính vì thế, chiến thắng trận Nhà Dài được xem là chiến công oanh liệt, mang tính chất mở đầu, động viên tinh thần cho lực lượng ta. Theo đánh giá trong Hồ sơ DTLS-VH Khu vực Nhà Dài, trận đánh được xem là một đòn "phủ đầu vào uy thế địch, buộc chúng không còn dám hung hăng, ngạo mạn như trước".

Khu di tích lịch sử - văn hóa Khu vực Nhà Dài ngày nay

Sau nhiều ngày nghiên cứu quy luật đi lại của địch, cân nhắc thuận lợi, khó khăn, tương quan lực lượng giữa hai bên, ta chọn khu vực Nhà Dài là nơi phục kích, đánh úp địch. Phía ta có 1 đội cảm tử quân Cần Đước, 1 đội cộng hòa vệ binh Cần Đước và 1 đội cộng hòa vệ binh Cần Giuộc. Kế hoạch được vạch ra chi tiết. Ta đào hầm, bố trí lực lượng mai phục, vận động người dân chất rơm dọc đường để che chắn tầm nhìn địch trong quá trình di chuyển.

Trận đánh diễn ra vào sáng ngày 07/01/1946 (một trong những trận đánh thắng quân Pháp đầu tiên ở Nam bộ), ta đã tiêu diệt 1 trung đội địch, thu 20 khẩu súng và đạn dược mà địch không thể phản kháng được. Trận đánh được đánh giá là “tiêu biểu cho tinh thần thông minh, sáng tạo trong việc ứng dụng địa hình để đánh địch thắng lợi của cán bộ, chiến sĩ Cần Đước. Đây cũng là trận đầu tiên diệt gọn trung đội địch bằng cách đánh phục kích trên chiến trường Long An thời bấy giờ”. (Theo Hồ sơ DTLS-VH Khu vực Nhà Dài).

Khu DTLS-VH Khu vực Nhà Dài ngày nay có một đài tưởng niệm. Khuôn viên xung quanh được trồng cây xanh, sạch, đẹp. Đây là địa điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.

Hành trình nông thôn mới nâng cao

Tân Lân, Cần Đước vốn là địa danh anh hùng với nhiều DTLS cách mạng. Xã có 104 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 373 gia đình chính sách, trên 600 người có công với cách mạng và vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 8/1998. Tiếp nối truyền thống anh hùng đó, ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Lân nỗ lực xây dựng quê hương. Tân Lân được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2014, sớm hơn lộ trình 3 năm và đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Tân Lân ngày nay đã khoác lên mình "chiếc áo mới", 100% đường xã được nhựa hóa, đường ngõ xóm được cứng hóa, không lầy lội, trên 77% đường ấp được bêtông hóa. 100% hộ dân có điện sử dụng. Trên 95% người dân dùng nước đạt chuẩn của Bộ Y tế. Thu nhập bình quân đầu người đạt 65,32 triệu đồng/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét.

Về hoạt động quản lý của chính quyền, các ngành trong xã đều ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý và điều hành, giải quyết công việc hàng ngày qua Cổng thông tin điện tử của huyện và nội bộ xã. Ngoài ra, xã còn áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015. Thủ tục tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên phần mềm “một cửa” của xã đạt 100%. Các hồ sơ đều được giải quyết kịp thời và đúng thời hạn. Tân Lân trở thành điểm sáng của huyện Cần Đước ngày nay.

Về lại di tích Nhà Dài, Tân Lân ngày nay, ta thấy lấp lánh niềm vui no ấm. Câu chuyện kể về chiến thắng hào hùng trở thành bài học quý cho thế hệ mai sau./.

Tên gọi Nhà Dài xuất phát từ căn nhà dài chứa lúa của một hương cả trong vùng. Theo "Nông nho kể chuyện", nhà dài thường được cất dài 15-20 căn nhà, trước đây dùng làm nhà ở cho dân phu, sau này trở thành kho hoặc nhà lồng chợ. Chính vì sự đặc biệt đó mà một số vùng có nhà dài hình thành nên địa danh Nhà Dài (Cần Đước, Thủ Thừa,...).

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết