Tiếng Việt | English

23/10/2015 - 10:24

Về Nhựt Tảo, nhớ người anh hùng

Có vị anh hùng dân chài từng làm nên chiến công oanh liệt trên Vàm Nhựt Tảo, không chỉ có người dân nơi đây mà còn rất nhiều người dân ở các địa phương khác vẫn ghi nhớ công ơn của ông. Đó là anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - người đốt cháy tàu Espérance của thực dân Pháp, để lại dấu son lịch sử lúc bấy giờ.


Lễ giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là nét đẹp văn hóa, nét đẹp đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"        Ảnh: Duy Bằng

Nơi ghi dấu "Hỏa hồng Nhựt Tảo"

Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần

2 câu thơ của danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt đến bây giờ, người dân Nhựt Tảo vẫn còn nhớ mỗi khi nhắc đến chiến công của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Sau khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ (ngày 25-2-1861), ông Nguyễn Trung Trực về Tân An. Ngày 23-6-1861, quân Pháp chiếm luôn Gò Công và cho tiểu hạm Espérance - một tàu gỗ có chỗ được bọc đồng chạy bằng hơi nước, có thể ra vào những luồng lạch cạn, được trang bị một đại bác cùng nhiều vũ khí đa năng đến án ngữ nơi Vàm Nhựt Tảo. Quyền quản cơ Nguyễn Trung Trực liền ra lệnh cho Phó Quản binh Huỳnh Khắc Nhượng cùng Nguyễn Văn Quang chuẩn bị kế hoạch tấn công chiếc tiểu hạm này.

Khoảng trưa ngày 10-12-1861, sau khi bố trí xong lực lượng phục kích trên bờ, 5 chiếc ghe chở Nguyễn Trung Trực cùng 59 nghĩa quân giả làm đoàn ghe buôn lúa tiến sát tiểu hạm Espérance. Viên sĩ quan trực tưởng là đoàn ghe ghé xin phép lưu thông nên nghiêng mình ra cửa sổ tàu thì bất ngờ bị vũ khí của nghĩa quân đâm trúng ngực. Khi ấy, nghĩa quân tay cầm gươm giáo và đuốc, từ các ghe nhảy lên, vừa la hét, vừa đánh giáp lá cà với lính thủy Pháp. 2 bên bờ, các nghĩa quân cũng nhanh chóng đến tiếp chiến. Nguyễn Học, Hồ Quang Chiêu lấy búa sắt phá tàu không vỡ nên đã cho phóng lửa đốt, đánh chìm tàu.


Thuyết minh về trận đánh Vàm Nhựt Tảo của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Nơi xảy ra trận đánh bên Vàm Nhựt Tảo ngày nay là Khu di tích Lịch sử Vàm Nhựt Tảo ghi dấu trận Hỏa hồng Nhựt Tảo. Khu di tích được xây dựng, khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10-2010 với kinh phí đầu tư khoảng 50 tỉ đồng. Với diện tích khoảng 6ha, khu di tích gồm các hạng mục: Đền tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà bia, cầu cảnh quan và các hạng mục phụ khác. Trong các hạng mục, nhà trưng bày là nơi ghi lại cuộc đời của anh hùng Nguyễn Trung Trực từ thời niên thiếu đến lúc tham gia kháng chiến chống Pháp dưới quyền Trương Định, hoạt động của ông từ sau trận Nhựt Tảo đến năm 1867 và hoạt động của ông tại Phú Quốc. Đặc biệt, nơi đây còn có mô hình tái hiện trận đánh chìm tàu Espérance của Pháp và vẫn còn một mảnh tàu trưng bày tại khu di tích.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Phạm Văn Trấn: “Sắp tới, khu di tích sẽ xây dựng thêm đường vào cổng chính, bãi đậu xe, trùng tu miếu, xây thêm bia sự kiện, bia ghi dấu trận đánh Vàm Nhựt Tảo và bến tàu để phát triển du lịch theo đường sông. Từ ngày đưa vào sử dụng, khu di tích là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử thông qua nhiều hình thức như du khảo Về nguồn, Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực để thế hệ hôm nay biết về chiến công, quê hương của vị anh hùng”.

Tấm lòng người Nhựt Tảo

Hàng trăm năm trôi qua, vị anh hùng dân chài mang tên Nguyễn Trung Trực vẫn sống trong lòng người Nhựt Tảo. Một số gia đình ở xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ thờ di ảnh ông và thắp hương mỗi ngày như một nét đẹp trong đời sống tâm linh. Đây còn là việc làm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng thành kính của hậu thế với bậc tiền nhân. Ngoài ra, đến ngày giỗ ông, người dân cũng đến đền thắp hương tưởng niệm.

Ông Phạm Văn Trấn thông tin: “Năm 2011, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các huyện: Bến Lức, Tân Trụ tổ chức lễ giỗ có gần 3.000 người đến dự. Theo thời gian, con số này tăng lên, cụ thể lễ giỗ năm rồi có 10.000 người đến dự. Điều này cho thấy tấm lòng người dân đối với vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ngày càng lan tỏa”.

Lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực (ngày 12 tháng 9 âm lịch) lại đến, người An Nhựt Tân không ai nhắc ai, tất cả đều nhớ và tự nguyện tham gia nhiều việc chuẩn bị cho lễ giỗ. Sư cô Diệu Huê ở chùa Bửu Vân chia sẻ: “Những ngày đến giỗ cụ Nguyễn Trung Trực, các phật tử và người dân đến đây phụ nấu cơm để mang về khu di tích đãi khách đến dự ngày giỗ của cụ. Mỗi năm, mọi người góp công cùng nhau nấu gần 1.000 mâm cơm, còn kinh phí do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp”.


Người dân lập bàn hương án trong ngày giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Trong ngày giỗ, người dân dọc 2 bên đường vào khu di tích lập bàn hương án Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Lễ vật không có gì cao sang chỉ là đĩa trái cây, đĩa bánh nhưng quý hơn cả là tấm lòng người dân đối với vị anh hùng dân tộc. Thắp nén hương lòng, mỗi người cầu an, cầu mua may, bán đắt và tỏ lòng tôn kính vị anh hùng.

Mỗi người một việc, dù ít hay nhiều, dù nhỏ hay lớn nhưng tất cả đều chung một tâm niệm hướng về lễ giỗ, tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc đã hy sinh vì nghĩa lớn để thế hệ hôm nay hưởng quả ngọt thanh bình. Vì vậy, lễ giỗ là nét đẹp văn hóa, nét đẹp của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết