Tiếng Việt | English

13/05/2024 - 07:13

Về thăm quê hương người anh hùng

3 năm trở lại đây, cứ vào ngày 24 hoặc 25/9 Âm lịch, Ban giám hiệu và giáo viên (GV) Trường THCS Lê Hữu Nghĩa (xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) lại cùng nhau nấu mâm cơm nhỏ tưởng nhớ ngày Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) Lê Hữu Nghĩa hy sinh. Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hữu Nghĩa - Nguyễn Văn Hiệp cho biết, trường chính thức mang tên AHLLVTND Lê Hữu Nghĩa vài năm trở lại đây. Hoạt động tưởng nhớ ngày hy sinh của liệt sĩ tại trường cũng bắt đầu từ đó.

Năm học 2023-2024, Trường THCS Lê Hữu Nghĩa có 428 học sinh, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng cao

Tưởng nhớ người anh hùng

Thầy Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ: “AHLLVTND Lê Hữu Nghĩa là người con của đất Tân Hòa, cho đến giây phút hy sinh, ông vẫn giữ khí tiết anh hùng. Trường được mang tên ông là một niềm vinh dự. Nhà trường tổ chức tưởng niệm ngày hy sinh của ông như một cách ghi nhớ công lao của người đi trước, nhắc nhở và giáo dục truyền thống cho thế hệ sau. Buổi lễ tuy đơn sơ nhưng có lãnh đạo địa phương, thân nhân liệt sĩ và đầy đủ GV nhà trường đến dự”.

AHLLVTND Lê Hữu Nghĩa sinh năm 1906, trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống yêu nước. Ông tham gia cách mạng từ sớm, được phân công các nhiệm vụ: Lãnh đạo thanh niên Tiền Phong xã Tân Hòa, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Tân Hòa, Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Tân Hòa cho đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Ông từng chỉ huy du kích xã đánh hàng chục trận, ngăn chặn địch hành quân vào Đồng Tháp Mười, tiêu diệt nhiều lính Pháp và phương tiện chiến đấu của địch. AHLLVTND Lê Hữu Nghĩa được đánh giá là người tận tụy, trung thực, liêm khiết, gần gũi với quần chúng, được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tín nhiệm.

Sau Hiệp định Giơnevơ, ông được phân công lãnh đạo Nhân dân chống Mỹ tại địa phương. Sau đó, phong trào đấu tranh của Nhân dân bị đàn áp, ông sa vào tay giặc. Bọn chúng đưa ông về chi khu Kiến Bình tra tấn dã man mà không lấy được bất kỳ thông tin nào. Trước mặt kẻ thù và đồng bào, ông vẫn dõng dạc nói to: “Hỡi đồng bào, Tám Nghĩa không đầu hàng, không khai báo, nếu Nghĩa này có chết thì còn muôn ngàn Nghĩa khác đứng lên đánh đổ Mỹ Diệm và bọn tay sai bán nước”. Tối ngày 26/10/1956, nhằm ngày 24/9 Âm lịch, ông Lê Hữu Nghĩa bị địch mổ bụng, moi gan rồi thả xuống dòng kênh Dương Văn Dương. Trước lúc hy sinh, ông còn hô to “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”. Năm 2005, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu AHLLVTND cho liệt sĩ Lê Hữu Nghĩa.

Tiếp nối truyền thống người anh hùng mà trường được mang tên, thầy và trò Trường THCS Lê Hữu Nghĩa nỗ lực làm tốt công tác dạy và học. Đội ngũ GV của trường nhiệt tình trong công tác giảng dạy, không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn. Hàng năm, trường có khoảng 10 GV đạt GV dạy giỏi cấp trường, 2-3 GV dạy giỏi cấp huyện, có GV dạy giỏi cấp tỉnh. Ngoài ra, mỗi năm, trường đều có học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Học sinh bỏ học dưới 1%. Cơ sở vật chất của trường cũng được quan tâm đầu tư. Trường hiện có 11 phòng học, 7 phòng chức năng phục vụ thực hành các bộ môn: Vật lý, Hóa học, Tin học, Tiếng Anh,... Dự kiến, trường tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm một số phòng chức năng để đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2 vào năm 2025.

Thanh bình trên quê hương Tân Hòa

Sau 68 năm ngày AHLLVTND Lê Hữu Nghĩa hy sinh, Tân Hòa - nơi ông sinh ra, gắn bó và quyết tâm bảo vệ đã đổi thay rõ nét. Những vùng hoang hóa năm xưa trở thành đồng lúa vàng trĩu hạt. Nông dân từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Các công trình trường học, trạm y tế, điện, nước sạch được đầu tư, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa - Lê Em cho biết: “Tân Hòa đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2020 và đang hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đời sống người dân được nâng lên rõ nét. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 56 triệu đồng/năm, hộ nghèo toàn xã còn 1,27%. Tình hình an ninh, trật tự tại Tân Hòa được bảo đảm, giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất, nâng cao đời sống và góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.

Là xã giáp ranh một số xã thuộc huyện Cai Lậy và huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) nên lực lượng Công an xã Tân Hòa chú trọng công tác phối hợp giữa các địa phương. Cụm các xã giáp ranh được lực lượng công an các xã thành lập và duy trì hiệu quả trong nhiều năm nhằm phối hợp trong công tác tuần tra, tấn công tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.

Công an xã Tân Hòa còn phối hợp các ngành, đoàn thể thực hiện mô hình Ánh sáng an ninh, trật tự và Camera giám sát an ninh, trật tự. 34km đường trục chính trong xã được thắp sáng. Toàn xã có 14 mắt camera giám sát, giúp lực lượng chức năng thuận tiện hơn trong việc quản lý an ninh, trật tự tại địa phương. Công tác tuyên truyền cũng được Công an xã chú trọng qua hình thức nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trên nhóm Zalo An ninh, trật tự,...

Thành tích Đơn vị Quyết thắng trong năm 2023 là sự khẳng định cho những nỗ lực của Công an xã Tân Hòa nói riêng và chính quyền, Nhân dân xã Tân Hòa nói chung trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết