Tiếng Việt | English

26/05/2020 - 10:54

Việt Nam - Nhật Bản phối hợp hỗ trợ người dân giữa dịch Covid-19

Việt Nam-Nhật Bản đã chia ngọt sẻ bùi trong thời khắc khó khăn của đại dịch Covid-19, tạo thêm tình cảm gắn bó giữa nhân dân hai nước.

Dịch Covid-19 đã làm chao đảo thế giới. Nhưng trong sự chao đảo đó, những giá trị tốt đẹp mới cũng được sinh ra, gắn kết con người với con người, dân tộc với dân tộc, quốc gia với quốc gia. Phóng viên VOV phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam về sự hợp tác, chia sẻ khó khăn giữa đại dịch Covid-19 của Việt Nam và Nhật Bản.


Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.

PV: Đại sứ đánh giá như thế nào về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đối với các công dân Việt Nam gặp khó khăn vì dịch Covid-19?

Đại sứ Vũ Hồng Nam: Việt Nam và Nhật Bản là hai đối tác chiến lược sâu rộng. Một trong những cơ chế của đối tác chiến lược sâu rộng là tham vấn giữa các lãnh đạo khi có tình huống xảy ra. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngay lập tức, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm trực tiếp với người đồng cấp Motegi Toshimitsu của Nhật Bản.

Vào ngày 14/4, theo sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã chủ trì Hội nghị Cấp cao Trực tuyến ASEAN+3 giữa 10 quốc gia ASEAN và ba nước ở Đông Bắc Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc để bàn về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và sự phối hợp giữa các quốc gia để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan tại khu vực cũng như trên thế giới.

Và ngày 4/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp điện đàm với Thủ tướng Abe Shinzo. Và trong các cuộc điện đàm và trao đổi song phương và đa phương đó, hai nước đã nêu ra các biện pháp rất quyết liệt trong việc phối hợp chia sẻ thông tin, phối hợp các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh và phối hợp các biện pháp để hỗ trợ công dân của hai nước vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo hai nước, các Bộ Ngoại giao, Bộ Tư Pháp và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi của Nhật Bản và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế của Việt Nam đã phối hợp rất nhịp nhàng. Cho đến nay, việc xử lý vấn đề hồi hương công dân Nhật Bản ở Việt Nam đã được xử lý rất tốt. Chúng ta đã hỗ trợ tối đa cho các chuyến bay đưa người Nhật về nước và hỗ trợ tối đa để cho các công dân Nhật Bản bị kẹt ở Việt Nam được gia hạn thị thực.

Và ngược lại, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, các hãng hàng không thương mại đã dừng bay, nhiều người Việt Nam đã bị kẹt lại ở Nhật Bản. Tôi đánh giá rất cao các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đối với người nước ngoài nói chung, và cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản đã được hưởng lợi rất lớn từ các chính sách này của nước sở tại.

Cụ thể, trước hết, về mặt pháp lý, Nhật Bản đã cho phép tự động gia hạn thị thực đối với toàn bộ những người có thị thực hết hạn. Điều này giúp cho người Việt đỡ phải đi lại, hạn chế nguy cơ lây nhiễm khi đi trên các phương tiện công cộng, đồng thời giảm thiểu chi phí khi phải di chuyển để làm thủ tục gia hạn thị thực. Về phần mình, người Việt Nam cũng yên tâm hơn khi không phải lo lắng về vấn đề thị thực hết hạn và yên tâm chờ tới khi có các chuyến bay thương mại.

Thứ hai, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới rất nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các lao động Việt Nam làm việc tại nhiều doanh nghiệp này không có công ăn việc làm, không có lương, đời sống bị đe dọa. Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện rất nhiều các biện pháp như hỗ trợ cho các doanh nghiệp chi phí để tuyển dụng những người lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Điều này giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất và tuyển dụng lại lao động, trong đó có lao động Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cho phép linh hoạt nối dài hợp đồng. Trước đây, thực tập sinh hết hạn hợp đồng 3 năm thì không được kéo dài. Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra, Chính phủ Nhật Bản đã xử lý rất linh hoạt và nhanh chóng cho phép kéo dài thời hạn hợp đồng.

Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Tôi đánh giá rất cao việc Chính phủ Nhật Bản đối xử rất công bằng giữa người dân Nhật Bản và người nước ngoài khi đưa ra chính sách trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt. Mỗi người nước ngoài được Chính phủ Nhật Bản trợ cấp 100.000 Yen trong thời gian dịch bệnh.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng có nhiều chính sách hỗ trợ khác như cho vay từ 100.000 đến 200.000 yen đối với những trường hợp có khả năng chi trả; hỗ trợ trực tiếp cho các sinh viên có thành tích học tập tốt; lùi thời hạn thanh toán các hóa đơn điện, nước, ga; vận động các doanh nghiệp để duy trì các cơ sở để người lao động để tiếp tục cư trú; cho phép thực tập sinh chuyển việc; cho phép các thực tập sinh bị mất việc được phép chuyển sang chế độ thị thực đặc định.

Về việc hỗ trợ y tế, đây là một vấn đề mà chúng tôi rất là lo lắng bởi vì, nhiều lao động và sinh viên Việt Nam có mức bảo hiểm y tế rất thấp, trong khi chi phí chữa bệnh ở Nhật Bản rất cao. Tôi biết ơn Chính phủ Nhật Bản đã cho phép những người nước ngoài mà không may mắc Covid-19 được chữa trị hoàn toàn miễn phí. Hiện nay, một số người Việt không may mắc Covid-19 đã được chữa trị khỏi.

Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhận được rất nhiều điện thoại và email của người Việt Nam bày tỏ sự lo lắng về việc tình hình dịch bệnh và chế độ bảo hiểm y tế. Chúng tôi đã giải thích cho các bạn, đồng thời kết nối với các bạn với các trung tâm hỗ trợ của Nhật Bản. Chính phủ đã khuyến khích các địa phương và các địa phương đã mở các trung tâm tư vấn, hỗ trợ về y tế cho tất cả người nước ngoài, trong đó có những kênh riêng để hỗ trợ cho người Việt.

Đây là những biện pháp hỗ trợ rất đa dạng, toàn diện và đầy đủ của Chính phủ Nhật Bản để hỗ trợ cho người nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước này.


Công dân Việt Nam gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, tạo điều kiện đưa về nước.

PV: Theo ông sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 có những điểm gì đặc biệt?

Đại sứ Vũ Hồng Nam: Để phòng chống dịch bệnh, chúng ta đã có các biện pháp rất cụ thể giữa hai nước, giữa các bộ ngành và địa phương.

Thứ nhất, chúng ta hợp tác với Nhật Bản trong việc cung cấp các thiết bị y tế, đặc biệt là khẩu trang, đồ bảo hộ lao động và các bộ kit thử virus.Thứ hai, chúng ta nhập rất nhiều các kháng nguyên từ Nhật Bản và đây chính là nền tảng để Việt Nam bào chế ra thuốc thử Covid-19.

Thứ ba, doanh nghiệp Metran của Nhật Bản đã phối hợp với các đối tác, nhất là Trường Đại học Tai Mũi Họng Y Tokyo để sản xuất các loại máy trợ thở đơn giản, tiện lợi, chi phí thấp và có tính phổ cập cao.

Thứ tư, hai nước cũng đẩy mạnh chia sẻ thông tin.

Khi có một công dân trong quá trình di chuyển giữa hai nước mà bị nhiễm virus, hai nước đã chia sẻ thông tin để truy tìm được những người đã từng tiếp xúc và có nguy cơ lây nhiễm để chúng ta có các biện pháp phòng ngừa kịp thời và tránh trường hợp lây lan trong cộng đồng.

Mặt khác, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã giữ mối liên hệ chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Trong bất cứ tình huống nào như công dân Việt Nam bị kẹt ở sân bay hoặc bị nhiễm virus, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã hỗ trợ rất kịp thời và giải quyết tất cả các khó khăn như vậy.

Cùng với việc phòng chống dịch Covid-19, hai nước vẫn tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế giữa hai nước. Hiện nay, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã hỗ trợ để dần dần đưa các chuyên gia và các nhà quản lý của các doanh nghiệp Nhật Bản quay trở lại Việt Nam để tiếp tục điều hành và tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

PV: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã những có biện pháp hỗ trợ kịp thời, liên tục đối công dân Việt Nam gặp khó khăn trong thời gian này. Cụ thể đó là gì, thưa ông?

Đại sứ Vũ Hồng Nam: Như tôi đã nói ở trên, hàng tháng, có hàng ngàn người Việt Nam rời Nhật Bản. Sau ba tháng, những người chưa về nước được dồn lại rất đông. Đại sứ quán đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ liên quan của Nhật Bản để duy trì chế độ gia hạn visa cho người Việt.

Chúng tôi cũng khuyên các bạn không nên lo lắng và không nên đi đến nơi gia hạn visa vì Chính phủ Nhật Bản đã cho phép tự động gia hạn visa.

Bên cạnh đó, trong lúc chờ đợi các chuyến bay thương mại được nối lại, chúng ta vẫn tiếp tục duy trì các chuyến bay khẩn cấp. Đây là những chuyến bay hỗ trợ những người có tình trạng khó khăn như người già, trẻ em, phụ nữ mang bầu, trẻ em và đặc biệt là những người bị bệnh tật.

Cho đến nay, chúng tôi đã tổ chức được ba chuyến bay. Số lượng người được hồi hương là khoảng 1.000 người. Tổng số người đăng ký với Đại sứ quán cho đến thời điểm này là hơn 10.000. Việc giải quyết cho các đối tượng này hồi hương là rất khó khăn. Tôi đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đang có rất nhiều các biện pháp. 

Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, việc vận động cộng đồng người Việt cần phải bình tĩnh và kiên nhẫn xuất phát từ hai phía cạnh. Thứ nhất, khi chúng ta di chuyển, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm rất cao với dịch bệnh. Trong khi dịch bệnh ở Nhật Bản vẫn chưa giảm, các bạn nên bình tĩnh chờ đợi.

Và tôi tin rằng hiện nay, Chính phủ đã có các nỗ lực và biện pháp rất hiệu quả và tình hình dịch bệnh đã giảm. Khi tình hình dịch bệnh giảm, chúng ta sẽ tổ chức được thêm nhiều chuyến bay hồi hương công dân hơn nữa.

Thứ hai, các cơ sở cách ly cũng hạn chế, trong khi chúng ta phải đón các công dân ở rất nhiều quốc gia. Chúng ta có công dân ở trên 100 quốc gia. Vì vậy, tất cả chúng ta cần phải chia sẻ, chia sẻ với những người gặp khó khăn trước.

 PV: Xin cám ơn Đại sứ!./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết