Tiếng Việt | English

24/07/2018 - 10:44

Vĩnh biệt danh cầm Ba Tu

Nghe tin Nghệ nhân dân gian (NNDG), NSƯT Ba Tu - danh cầm cổ nhạc ra đi ở tuổi 83, đông đảo nghệ sĩ và người mộ điệu không khỏi bàng hoàng xúc động.

Danh cầm Ba Tu (thứ 2, từ phải qua)

Danh cầm Ba Tu (thứ 2, từ phải qua)

Người ra đi, tinh hoa còn đó!

Năm 2015, NSƯT Ba Tu phát hiện bị ung thư gan. Sau khi được gia đình và đội ngũ y, bác sĩ tích cực chăm sóc, điều trị, sức khỏe có phần tiến triển tốt nên ông tiếp tục hoạt động nghệ thuật cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng (số 791/26 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TP. HCM) vào lúc 12 giờ trưa 21/7/2018. Khi hay tin ông qua đời, không chỉ người thân, nhiều bạn bè, đồng nghiệp vô cùng tiếc thương.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo xúc động chia sẻ: “Năm 1970-2016, đáp lời mời của tôi, NSƯT Ba Tu mang tiếng đờn đến nhiều buổi thuyết trình về âm nhạc Việt Nam do tôi chủ xướng. Ngoài ra, danh cầm Ba Tu cùng vài nhạc sĩ khác đã cùng tôi thu âm nhạc tài tử làm đĩa nhựa cho Đài Phát thanh Pháp. Sự ra đi của danh cầm Ba Tu là một mất mát lớn đối với giới đờn ca tài tử và nhạc lễ Nam bộ”.

NNDG Hồng Cúc (Long An) bồi hồi: “Tôi và nhiều người không khỏi xót xa, tiếc nuối một ngón đờn tài hoa như NSƯT Ba Tu”. Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, ngậm ngùi: “Buồn quá! chú Ba mất, tôi nghe như ngàn sợi tơ đứt đoạn”. Còn Nghệ nhân ưu tú Kim Thanh (Long An) nói rằng: “Chú Ba đi xa nhưng những tinh hoa để lại cho hậu thế vẫn trường tồn. Tôi tin, các thế hệ học trò sẽ không phụ lòng chú, tiếp tục phát huy những tinh hoa đó!”.

Ngón đờn kìm “độc nhất vô nhị”

Sự hình thành và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ từ đầu thế kỷ XX đến nay có sự đóng góp quan trọng của nhiều nghệ nhân, trong đó có NNDG, NSƯT Ba Tu, quê xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Các nghệ nhân giúp di sản văn hóa phi vật thể này được lưu truyền trong đời sống tinh thần của người dân Nam bộ hơn một thế kỷ qua.

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nhạc tài tử và nhạc lễ Nam bộ, thuở nhỏ, cậu bé Trương Văn Tự (tên thật của NNDG, NSƯT Ba Tu) rất thích đờn ca. Sự hiểu biết về các làn điệu, bài bản trong nhạc tài tử, cải lương là do ông học từ các thầy: Chín Phàn, Hai Đạm, Hai Võ và Bảy Quế. Tất cả đều là những nghệ nhân có ngón đờn độc đáo ở Cần Ðước lúc bấy giờ. Hơn 10 năm thọ giáo những nghệ nhân bậc thầy nên chưa tròn tuổi 20, người nhạc sĩ sinh năm 1936 đã được mến mộ bởi ngón đờn kìm điêu luyện. Ngoài ra, ông còn đờn thành thạo các loại nhạc cụ khác như cò, tranh, sến, violon,... được nhạc giới và công chúng hết lời ngợi khen. Với ngón đờn tinh hoa bậc nhất, với những cống hiến cho âm nhạc cổ truyền Nam bộ, NSƯT, danh cầm Ba Tu được nhạc giới và công chúng hết mực yêu thương, trân quý như “báu vật” đờn ca tài tử.

Dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng lúc nào cảm thấy hơi khỏe, người nghệ sĩ vùng Cần Đước - Long An cùng các đồng môn lại hòa đờn, ca. Cảm động nhất là ông vẫn gắng sức truyền dạy học trò với tâm nguyện truyền thụ ngón đờn kìm “độc nhất vô nhị” để nâng bước thế hệ nhạc công trẻ phát triển tài năng. Trong hành trang nghệ thuật của mình, ông để lại cho đời bộ đĩa CD độc tấu đờn kìm 20 bài bản tổ của nhạc tài tử Nam bộ được ngành văn hóa tỉnh Long An phát hành năm 2005. Đầu năm 2018, nhóm sưu khảo đờn ca tài tử Long An phát hành 2 bộ đĩa CD gồm: 1 CD hòa tấu ba bài Nam (Nam xuân - 48 câu, Nam ai - 68 câu, Đảo ngũ cung - 68 câu) và 1 CD ba bài Nam có tên gọi “Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn” có sự đóng góp ngón đờn của danh cầm Ba Tu với 2 nhạc cụ kìm và cò, cùng với sự góp mặt của nghệ nhân Duy Kim (đờn Tranh) và Nghệ nhân ưu tú Kim Thanh (ca). Tất cả những việc ông làm chỉ vì mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của di sản “đặc thù” vùng đất phương Nam mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp.

Dẫu biết đời người không ai thoát khỏi quy luật “sinh - lão - bệnh - tử” nhưng sự ra đi của NNDG, NSƯT Ba Tu là một mất mát không sao bù đắp được cho gia đình và giới tài tử. Ông mất đi nhưng nhiều người sẽ mãi nhớ ông, nhớ một nhạc sĩ dành tâm huyết cả đời cho di sản độc đáo của phương Nam, nhớ ngón đờn kìm trứ danh, mang đậm chất tài tử. Ngày nào giai điệu của bài ca vọng cổ cùng thể điệu của âm nhạc tài tử, cải lương còn ngân vang thì ngày đó, mọi người vẫn nhớ và tri ân người nghệ sĩ đáng kính của làng cổ nhạc Nam bộ - danh cầm Ba Tu./.

Thạc sĩ Phạm Thái Bình

Chia sẻ bài viết