Tiếng Việt | English

06/04/2020 - 15:48

Vượt qua stress, trầm cảm mùa COVID-19

Một số bạn trẻ hiện nay đang stress, thậm chí trầm cảm vì những kế hoạch, dự định trong công việc phút chốc dang dở vì "Cô Vy". Làm gì để vượt qua?

Bạn trẻ vào phòng thể thao tại một trường đại học ở TP.HCM, không quá 2 người, không bật máy lạnh, phải đeo khẩu trang, cách nhau an toàn - Ảnh: C.NHẬT

 

 

Việc thực hành lối sống tiết kiệm và hoạch định chi tiêu chính xác là rất cần thiết, tránh được những suy nghĩ tiêu cực, túng quẫn trong tương lai. Đây là hai điều cơ bản để duy trì trạng thái sức khoẻ tinh thần tốt.

Nghiên cứu sinh Quang Thục Hảo

Phải sáng tạo, năng động để tìm giải pháp là những chia sẻ từ các chuyên gia.

Học sống chậm

Theo TS Đỗ Hữu Nguyên Lộc (phó hiệu trưởng kiêm viện trưởng Viện Quốc tế, Đại học Kinh tế - tài chính TP.HCM), nỗi lo về sự lan rộng nhanh chóng của COVID-19 và ảnh hưởng tiêu cực của nó đến nền kinh tế không chỉ tác động riêng đến cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) hay ngành dịch vụ, mà hiện ảnh hưởng đến mọi ngành nghề. Thậm chí cộng đồng chuyên gia cấp cao, người nước ngoài cũng đang có những nỗi lo tương tự.

Trực tiếp quản lý đội ngũ nhân sự cấp cao và nhiều giảng viên nước ngoài, TS Nguyên Lộc cho biết giải pháp của ông là liên tục trấn an, động viên theo hướng "sếp là bạn" và giúp nhân sự xây dựng các kịch bản ứng phó khác nhau nếu thật sự có khủng hoảng xảy ra. 

"Điều này vừa để giữ cho tâm lý của tập thể vững vàng, vừa đảm bảo bộ máy vận hành suôn sẻ dù trong điều kiện dịch bệnh", ông nói.

Còn theo thạc sĩ tâm lý học lâm sàng ĐH de Bretagne Occidentale (Pháp) Trần Thị Hồng Nhi - giám đốc ứng dụng hướng nghiệp Future Catch, có một số giải pháp gợi ý sau dành cho các bạn trẻ: "Các bạn có thể học sống chậm vì giờ sẽ có nhiều thời gian hơn để ngẫm về những cái đẹp đời thường. Bên cạnh đó, mùa dịch này có rất nhiều trường đại học và thư viện lớn trên thế giới 'mở cửa miễn phí. 

Quan trọng nhất là chúng ta nên đưa ra một mục đích sống cho bản thân để mình có động lực hướng tới, có nhịp sống điều độ, từ đó tránh trạng thái 'trôi vô định', chán nản. Thời gian biểu cố định cho các hoạt động trong ngày là rất quan trọng".

Theo ThS Hồng Nhi, những mục đích đó không cần quá cao siêu mà chỉ cần giúp chúng ta thấy có sự tiến bộ, tạo ra giá trị tích cực. Chẳng hạn, bạn trẻ có thể học một ngôn ngữ mới, hoàn thành một cuốn sách, tập thể dục đều đặn, tham gia hoạt động thiện nguyện online...

Tạo đà cho tương lai

Nghiên cứu sinh Quang Thục Hảo (khoa tâm lý học ĐH New South Wales, Úc) gợi ý lao động có thể tận dụng thời gian rảnh trong giai đoạn này để hun đúc tinh thần và tạo đà phát triển trong tương lai. 

"Hãy học các kỹ năng mới mà khi công việc bận rộn, chúng ta không có thời gian để cập nhật. Bên cạnh đó, chúng ta cần tập trung vào việc đảm bảo những nhu cầu cơ bản của bản thân. Đây là nền tảng để có sự an toàn về tâm lý. Các doanh nghiệp trẻ cần làm gì?

Chia sẻ với nỗi lòng của các nhà quản lý, doanh nghiệp trẻ, TS tâm lý Bùi Hồng Quân nhận định: "Trước tiên cần nhận thức được rằng đây là một giai đoạn vô cùng khó khăn của cả nhân loại. Trong đại dịch này ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Nhưng hãy nhìn thoáng hơn, nếu mất đi tiền bạc bạn vẫn còn gia đình và sức khỏe, còn những cơ hội phục hồi khi dịch đi qua. 

Sự thất bại này không phải là lỗi của bạn mà đó là một rủi ro không lường trước được. Hãy dành thời gian cho các mối quan hệ thân thiết, lên kế hoạch kinh doanh lại sau mùa dịch với những cải tiến về sản phẩm và nhân sự sẽ có thể giúp bạn tái xuất thương trường một cách mạnh mẽ".

Nghiên cứu sinh Quang Thục Hảo bổ sung: "Bên cạnh đó, một tư duy tích cực và linh hoạt trong giai đoạn này là rất cần thiết. Các chiến lược kinh doanh có thể thay đổi cho phù hợp với thời cuộc (chuyển sang giao hàng tận nơi, dịch vụ online...). 

Các bạn cũng có thể liên lạc với cộng đồng những người cùng làm trong lĩnh vực qua điện thoại, Internet để tìm sự giúp đỡ, cố vấn. Trong rủi ro luôn có thời cơ, quan trọng là bản lĩnh và tinh thần của người trong cuộc. Và cuối cùng, hãy lên tiếng khi thật sự cần sự giúp đỡ".

Còn với ThS Hồng Nhi thì người trong cuộc cần nhận diện rõ các cảm xúc tiêu cực do gánh nặng, khủng hoảng tâm lý gây ra (sợ hãi, lo lắng, tức giận, buồn bã, thất vọng...) và chấp nhận thì mới có thể vượt qua. 

"Cần chia sẻ cảm xúc với những người tin tưởng. Ngoài ra, các bạn cần phân tích các khó khăn giúp mình học được gì? Điều gì có thể giúp mình trụ lại và đứng dậy? Cần củng cố niềm tin "trong nguy luôn có cơ" và nhất thiết cần kiên nhẫn chuẩn bị cho sự tái khởi động lâu dài" - Hồng Nhi đúc kết.

Người thân, gia đình cần làm gì?

Nghiên cứu sinh ngành tâm lý Quang Thục Hảo nói hơn bao giờ hết, sự kết nối tinh thần rất ý nghĩa, cùng nhau tập thể dục, chăm sóc vườn tược, cả nhà cùng dành thời gian chơi game giải trí, gọi điện thoại hỏi thăm.

Bên cạnh đó, minh chứng lớn nhất cho sự cảm thông và yêu thương của gia đình trong lúc này là cùng thực hành lối sống tiết kiệm để áp lực về tài chính không đổ dồn trên vai một thành viên cụ thể.

Còn theo TS tâm lý Bùi Hồng Quân, tránh thức quá khuya và ngủ nướng quá nhiều vì điều đó không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn nữa.

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết