Tiếng Việt | English

25/11/2022 - 08:34

Xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ mới

Đội ngũ trí thức (ĐNTT) đóng vai trò là trung tâm, hạt nhân của sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là phải tập hợp, phát huy vai trò ĐNTT đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế thời đại.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được nêu những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW với Đoàn khảo sát của Trung ương

Đóng góp quan trọng

Nhận thức rõ vai trò của ĐNTT đối với sự phát triển KT-XH, tỉnh có nhiều chính sách, tạo điều kiện khuyến khích phát triển ĐNTT, trong đó phải kể đến việc thực hiện khá tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về “Xây dựng ĐNTT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (NQ số 27).

Anh Nguyễn Hoài Thân cảm thấy rất may mắn khi nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh và cơ quan để có thể tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn ở nước ngoài. Năm 2018, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Trường Chính sách Park Chung Hee, Hàn Quốc, anh trở về nước và tiếp tục công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho đến tháng 9/2020.

Với anh Nguyễn Hoài Thân, quá trình học tập, đào tạo tại nước ngoài giúp ích rất nhiều cho công việc

Anh Hoài Thân chia sẻ, thời gian này, anh được xét duyệt trong danh sách đào tạo cán bộ trẻ của tỉnh và xin được học bổng toàn phần 4 năm cho chương trình Tiến sĩ Giáo dục và Phát triển con người tại Trường Đại học Quốc gia Tôn Trung Sơn (Đài Loan). Hiện tại, anh hoàn thành toàn bộ chương trình học cũng như các yêu cầu đầu ra của chương trình và đang chờ để nhận bằng tốt nghiệp. Có thể nói, suốt 2 năm qua, anh học được nhiều điều mới, kiến thức từ chương trình, có thể giúp ích cho bản thân và công việc sau này.

Ngành học của anh Hoài Thân không đơn thuần về giáo dục mà còn tập trung vào lĩnh vực tâm lý, hành vi và quản trị nguồn lực con người. Hướng nghiên cứu chính là mảng ý định, hành vi con người (Human behavioral intention), hành vi sáng tạo trong công việc (Creative behavior), việc chấp nhận các hệ thống thông minh (e-systems adoption), chính sách và lãnh đạo trong giáo dục (Educational policy and leadership). Anh Hoài Thân nghĩ ngành học này rất phù hợp với công việc hiện tại và sẽ hỗ trợ cho bản thân sau này, nhất là khi tỉnh đang tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.

“Mặc dù có học bổng nhưng tôi được tỉnh phê duyệt, cử đi học và hiện tại vẫn thuộc biên chế Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Trong suốt quá trình học, tôi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, động viên từ lãnh đạo tỉnh, đơn vị. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ trở về tỉnh công tác. Tôi sinh ra và lớn lên ở Long An nên mong muốn có thể áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào công việc, góp một phần nhỏ xây dựng và phát triển tỉnh nhà” - anh Hoài Thân nói.

Tạo môi trường thuận lợi

Tốt nghiệp Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM vào năm 2000, sau thời gian công tác ở địa phương khác, năm 2007, anh Lữ Văn Khởi về làm việc tại TP.Tân An. Từ đó đến nay, anh trải qua nhiều cương vị khác nhau, từ cán bộ đến Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường,... Hiện anh Khởi giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Hướng Thọ Phú. Trên cương vị nào, anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng thành phố trong tiến trình phát triển lên đô thị loại I.

Anh Khởi cho hay, quá trình công tác tại TP.Tân An, anh được lãnh đạo xem xét, hỗ trợ đào tạo chương trình học thạc sĩ vào năm 2018 và đang học lên tiến sĩ. Đặc biệt, năm 2017, anh được Hội đồng thẩm định, xét duyệt hỗ trợ kinh phí trên 1,2 tỉ đồng cho đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh với thời gian thực hiện trong 2 năm.

Anh Khởi chia sẻ: “Những kiến thức được học giúp ích rất nhiều cho công việc hiện tại. Đó là việc sắp xếp khoa học, hợp lý, giải quyết tốt các vấn đề trong quá trình công tác. Hơn nữa, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tôi nghĩ rằng ĐNTT, đặc biệt là người trẻ cần phải học tập, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại công nghệ số. Tôi mong rằng, tỉnh sẽ có nhiều chính sách đào tạo, chế độ đãi ngộ để thu hút và giữ chân ĐNTT có trình độ cao”.

Anh Lữ Văn Khởi đi thực nghiệm nghiên cứu thực hiện luận án tiến sĩ

Còn anh Nguyễn Hoài Thân thông tin, hiện tỉnh có những cơ chế cụ thể, đủ tốt để khuyến khích đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, NQ số 15/2022/NQ-HĐND vừa được HĐND tỉnh ban hành ngày 13/7/2022 “Về hỗ trợ chế độ đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức và chính sách thu hút nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh”. Đây là một trong những minh chứng điển hình cho quyết tâm xây dựng, phát triển ĐNTT cho tỉnh trong thời gian tới.

Anh Hoài Thân cho rằng, xây dựng và phát triển ĐNTT, nguồn nhân lực chất lượng cao là việc làm thường xuyên và mang tính kế thừa. Do đó, về hoạt động đào tạo, bên cạnh các chế độ hỗ trợ đào tạo từ nguồn ngân sách địa phương, cũng cần khuyến khích cán bộ, công chức tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là ngoại ngữ. Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích, động viên cán bộ, công chức tìm nguồn học bổng (trong và ngoài nước) hỗ trợ việc học. Ngoài ra, tỉnh cần tạo môi trường, điều kiện phát triển để những người được thu hút tiếp tục gắn bó và cống hiến lâu dài hơn cho địa phương. Song song đó, thay vì đào tạo, tỉnh cũng có thể áp dụng chính sách thu hút (hỗ trợ trước và sau) đối với những sinh viên vừa tốt nghiệp và đã xin được học bổng chương trình thạc sĩ, tiến sĩ (các ngành mà tỉnh có nhu cầu) tại các trường đại học uy tín của nước ngoài, nếu họ cam kết sẽ trở về tỉnh công tác sau khi hoàn thành chương trình học,...

Còn nhiều thách thức

Thực hiện NQ số 27, Tỉnh ủy có Chương trình số 20-Ctr/TU ngày 11/11/2008. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả khả quan, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ĐNTT. Đây là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm xây dựng và thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ ĐNTT; đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, bảo đảm dân chủ, tôn trọng và phát huy sự sáng tạo của ĐNTT; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để ĐNTT phát huy tài năng, trí tuệ, cống hiến cho sự phát triển của tỉnh.

Tỉnh cần có những cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài (Trong ảnh: Đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Long An ứng dụng công nghệ mới vào phẫu thuật)

Tuy nhiên, việc thực hiện NQ số 27 hiện còn gặp một số khó khăn, thách thức. Tại cuộc khảo của Trung ương về thực hiện NQ số 27 tại TP.Tân An và cuộc làm việc với Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được vào tháng 10/2022, nhiều đại biểu nêu lên những khó khăn, vướng mắc để khơi thông nguồn lực, thực hiện tốt hơn NQ số 27. Các đại biểu cho rằng, ĐNTT, nhất là người làm khoa học chủ yếu hưởng lương hành chính nhưng thường rất thấp, chưa có thu nhập từ kết quả hoạt động khoa học và công nghệ. Điều kiện, môi trường làm khoa học chưa khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Với nhiều lý do, nhà khoa học chưa được tôn trọng, phai nhạt dần đam mê nghiên cứu và hoài bão cống hiến.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được đánh giá cao sự đóng góp của ĐNTT đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian qua và khẳng định tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện NQ số 27. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, hiện tại, năng lực ĐNTT vừa thiếu vừa yếu, nhất là thiếu đội ngũ chuyên gia. Chế độ, chính sách, cơ chế, sự đãi ngộ dành cho ĐNTT thật sự chưa xứng đáng. Điều đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” ở lĩnh vực y tế, giáo dục trong thời gian qua, nhất là sau đợt dịch Covid-19. Bí thư Tỉnh ủy đề xuất Trung ương nên có khung chính sách, chiến lược về đào tạo, nhất là đội ngũ chuyên gia để các tỉnh có thể áp dụng và làm tốt hơn nữa NQ số 27./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết