Tiếng Việt | English

22/07/2015 - 16:05

Xây dựng đường biên giới hòa bình với các nước láng giềng

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Ban Chỉ đạo củng cố xây dựng hệ thống chính trị vững chắc, gắn với việc xây dựng đường biên giới hòa bình.

Sáng nay, ( 22/7), tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả sau một năm thực hiện nhiệm vụ của ba Ban Chỉ đạo. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo tại hội nghị giao ban cho thấy, các tỉnh vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đường biên giới trên bộ tiếp giáp với nước Trung Quốc, Lào và Campuchia có chiều dài hơn 3.490 km. Với đặc điểm là địa bàn vùng núi cao, địa hình hiểm trở, vùng biên giới có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng của cả nước, đời sống của nhân dân 3 vùng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, trình độ dân trí còn thấp.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ và của các Ban Chỉ đạo trong việc tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách về biên giới, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng , qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các vùng từng bước được phát triển, quốc phòng, an ninh được duy trì ổn định.

Điểm nổi bật của các Ban Chỉ đạo trong thời gian qua là: đối với Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tham mưu, đề xuất triển khai Chương trình khoa học, công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc năm 2015; đề xuất các giải pháp ổn định đời sống sản xuất cho đồng bào tái định cư các dự án thủy điện trong vùng; triển khai nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giảm nghèo bền vững đối với những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Phối hợp với các địa phương, bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện Chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh phía Bắc; Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; phối hợp với các bộ ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Bắc năm 2015 tại Sơn La, thu hút được 26.540 tỷ đồng.

Đối với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù hỗ trợ các tỉnh vùng Tây Nguyên phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đề nghị ban hành cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Triển khai nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù huy động nguồn lực phục vụ kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và phụ cận. Phối hợp tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3 -2015 và Hội thảo Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên. Tiếp tục đề xuất chủ trương về hoạt động liên kết vùng và xây dựng mô hình thử nghiệm chính sách, cơ chế liên kết đối với một số lĩnh vực, ngành hàng. ….

Riêng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách liên kết vùng; cơ chế chính sách đặc thù phát triển đảo phú Phú Quốc; giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam Bộ; cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực vùng Tây Nam Bộ; Tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2014 với chủ đề "Tái cơ cấu nông nghiệp - Xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL" và Chương trình an sinh xã hội “Nghĩa tình biên giới, biển đảo quê hương”, qua đó đã vận động ngành ngân hàng, các doanh nghiệp hỗ trợ hơn 771 tỷ đồng cho an sinh xã hội; tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo, sự kiện trong “Tuần lễ du lịch xanh đồng bằng sông Cửu Long năm 2015”; tham mưu đề án liên kết vùng ĐBSCL phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trái cây, thủy sản và nâng cao năng lực nông dân, giai đoạn 2016 - 2020…

Tại hội nghị các Ban chỉ đạo đã đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình tại các địa phương, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội các địa phương biên giới; đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhân dân vùng biên giới.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Ban Chỉ đạo phối hợp địa phương tập trung thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo 1 cách bền vững cho đồng bào vùng biên giới; ổn định đất ở, đất sản xuất cho người dân. Củng cố xây dựng hệ thống chính trị vững chắc, gắn với việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng có chung đường biên giới.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động của 3 Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ trong việc phối hợp với các bộ ngành Trung ương và địa phương trong việc triển khai, giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của vùng; cần tăng cường gắn kết với địa bàn để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh tại địa phương; Thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình phát triển kinh tế, gắn với an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị: "Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng-an ninh trên từng địa bàn, địa phương với mục tiêu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu nghị quyết ĐH của tỉnh, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc… Thực hiện tốt quy chế phối hợp, nắm chắc tình hình an ninh biên giới, an ninh đối ngoại, từ đó có phương án xử lý tại chỗ báo cáo kịp thời Trung ương, có giải pháp tăng cường sản xuất, đảm bảo đời sống cho người dân nói chung đặc biệt là dân biên giới nói riêng”./.

Hữu Trãi/VOV-ĐBSCL 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích