Tiếng Việt | English

05/10/2017 - 19:31

Xây dựng nông thôn mới: Tiếp tục nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo

Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Sau thời gian triển khai thực hiện, chương trình này trở thành phong trào rộng lớn, lan tỏa đến từng xóm, ấp và người dân trên địa bàn nông thôn tỉnh Long An. Người dân ngày càng nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể và trách nhiệm của mình trong XDNTM; từ đó, tự nguyện đóng góp thời gian, công sức, tiền bạc, đất đai để thực hiện các tiêu chí NTM thông qua các mô hình hay, cách làm sáng tạo ở các địa phương.


Nhiều tuyến đường được xây dựng từ sự đóng góp của người dân

Nhiều mô hình hay

Những cách làm hay, mô hình sáng tạo được các ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện huy động, thu hút đông đảo người dân tham gia; qua đó, góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành các tiêu chí (TC) XDNTM.

Ngã tư Lạc Tấn, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, trước đây được biết đến là địa bàn khá phức tạp về an ninh, trật tự (ANTT). Tình trạng trộm, cướp, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng thường xuyên xảy ra. Người dân không ít lần kiến nghị đến chính quyền địa phương, thậm chí phản ánh rất nhiều trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng tình trạng trên ở khu vực này vẫn diễn biến phức tạp. Hàng loạt vụ trộm, cướp, gây rối trật tự xảy ra khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Điển hình như vụ cướp xảy ra vào tháng 02/2016, trên đường đi học về ngang ngã tư Lạc Tấn, một sinh viên bị 2 đối tượng điều khiển xe máy chạy tốc độ cao giật giỏ xách lấy toàn bộ tài sản. Hay như vụ việc xảy ra đêm 22/12/2015, đối tượng Lương Thái Bảo (SN 1993), ngụ xã Tân Lân, huyện Cần Đước, sau khi uống rượu tại nhà một người quen đi ngang qua khu vực này, vờ mua bánh mì để trấn lột của chị Lê Thị Xuân Trang 200.000 đồng. Táo tợn hơn, hắn còn quay sang người bán hủ tiếu liền kề trấn lột tiếp 900.000 đồng và 1 điện thoại di động rồi mới bỏ đi;... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nơi này trở thành điểm sáng về ANTT.

Theo Đại úy Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng Công an xã Lạc Tấn, xác định việc bảo đảm ANTT là nhiệm vụ thường xuyên của lực lượng Công an và góp phần cùng chính quyền địa phương hoàn thành TC số 19 về ANTT trong XDNTM, thời gian qua, Công an xã tham mưu, đề xuất lãnh đạo địa phương triển khai xây dựng nhiều mô hình bảo đảm ANTT: “Ánh sáng ANTT”, “Cổng rào ANTT”, “Camera giám sát ANTT”,...

“Việc thực hiện mô hình được người dân chủ động tham gia, có hộ tự nguyện lắp đặt thiết bị chiếu sáng trên đường liên ấp, liên xã; nhiều hộ góp tiền làm kinh phí lắp đặt hệ thống camera an ninh. Từ khi triển khai các mô hình, đến nay mang lại hiệu quả tích cực. Tình hình tội phạm, gây rối trật tự công cộng được kiềm chế và giảm đáng kể. Trước đây, khi chưa có hệ thống camera an ninh, việc truy xét hung thủ sau khi gây án gặp nhiều khó khăn do các đối tượng từ nơi khác đến, gây án khi trời tối, nhưng từ khi địa phương lắp đặt camera, việc truy xét hung thủ các vụ án được thuận lợi hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp ngăn ngừa, phòng, chống tội phạm, góp phần bảo đảm ANTT địa phương” - Đại úy Nguyễn Quốc Thịnh cho biết thêm.


Hiệu quả mô hình Ánh sáng an ninh, trật tự được người dân đồng tình cao

Chủ tịch UBND xã Lạc Tấn - Nguyễn Văn Truyền chia sẻ: “Thông qua các mô hình bảo đảm ANTT mà lực lượng Công an xã đang thực hiện, giúp xã hoàn thành TC ANTT trong XDNTM. Theo đánh giá sơ bộ của địa phương, TC số 19 hiện được hoàn thành. Từ đó cho thấy, để xây dựng một TC trong XDNTM đúng thực chất, phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân, kiên quyết không chạy theo thành tích. Có như vậy, việc XDNTM của địa phương mới đạt hiệu quả cao”.

Tương tự, tại xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, tình hình ANTT thời gian qua diễn biến khá phức tạp, nhất là một số đối tượng lợi dụng sơ hở của người dân để trộm cắp tài sản; tai nạn giao thông; thanh, thiếu niên tụ tập đêm khuya gây rối trật tự còn diễn ra thường xuyên, trong khi lực lượng Công an xã còn mỏng. Trước tình hình đó, Công an xã tham mưu lãnh đạo địa phương triển khai xây dựng mô hình “Ánh sáng ANTT”. Mô hình được triển khai từ đầu năm 2016, thực hiện điểm tại ấp Láng Lớn với 432 hộ dân tham gia.

Qua thời gian, việc thực hiện mô hình góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm ANTT trên địa bàn. Thấy được lợi ích, năm 2017, mô hình được tiếp tục nhân rộng toàn xã. Trên tổng số 25km đường liên ấp, liên xã, hàng ngàn trụ đèn đường được thắp sáng từ chính nguồn lực đóng góp của người dân và kinh phí Nhà nước.

Anh Nguyễn Văn Tạo, ngụ ấp Thái Kỳ, cho biết: “Với kinh phí thực hiện 1,2 tỉ đồng, chúng tôi thấy được lợi ích nên tự nguyện vận động nhau đóng góp hơn 650 triệu đồng. Ban đêm, đèn sáng ở tất cả tuyến đường trong ấp, góp phần bảo đảm an toàn cho người dân địa phương. Từ khi mô hình được triển khai, tình trạng trộm cắp rất ít xảy ra, thanh niên tụ tập đêm khuya uống rượu, gây rối trật tự cũng không còn”.

Cán bộ, đảng viên đi trước

Đến thời điểm này, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, đạt 13/19 TC; xã đang tập trung hoàn thiện các TC còn lại để về đích NTM vào cuối năm 2017 theo kế hoạch. Chương trình XDNTM được địa phương triển khai rộng khắp đến cán bộ, đảng viên và người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn do người dân chưa hiểu hết ý nghĩa, mục đích của chương tình XDNTM, nhất là vai trò chủ thể của mình nên một số hộ dân còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, từ đó, huy động nguồn lực từ người dân còn hạn chế.

Trước thực tế trên, xã tiếp tục quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đề cao vai trò tiên phong, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong XDNTM. Điển hình như đảng viên, thầy giáo Nguyễn Ngọc Trọng, ngụ ấp Thanh Phú, đi đầu trong việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn.


Nhiều tuyến đường được xây dựng từ sự đóng góp của người dân

Đến tháng 6/2017, toàn tỉnh có 58/166 xã đạt chuẩn NTM; phấn đấu đến cuối năm 2017, có thêm từ 8-10 xã đạt chuẩn NTM. Đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 89 xã đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 16,5-17 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân 56 triệu đồng/người/năm.

Tuyến đường liên xóm, ấp Thanh Phú trước đây nắng bụi, mưa lầy, hiện được thay thế bằng con đường bêtông sạch sẽ, thông thoáng, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho hơn 40 hộ dân trong khu vực. Được triển khai mở rộng vào cuối năm 2015, tuyến đường đi qua nhiều phần đất của các hộ dân nơi đây, trong đó có gia đình ông Trọng. Vì lợi ích chung nên gia đình ông Trọng không đắn đo hiến gần 200m2 để xây dựng con đường. Từ việc gương mẫu của ông, nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất và góp tiền của trị giá hơn 200 triệu đồng để xây dựng hoàn thành tuyến đường này.

Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối Ban Chỉ đạo NTM tỉnh - Tô Ngọc Xuân: Thời gian qua, nhiều mô hình, cách làm hay trong thực hiện chương trình XDNTM được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả, người dân hiến đất, ngày công lao động, góp tiền của trị giá hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương. Qua thực hiện, nét nổi bật là đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, các công trình về giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, bưu điện, chợ,... cơ bản được hoàn thành, đường giao thông liên xã, liên ấp được cứng hóa, tạo điều kiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân,...

Qua rà soát theo bộ TC xã NTM tỉnh đến năm 2020, đến tháng 6/2017, số TC đạt bình quân toàn tỉnh là 13,25 TC, giảm 2,5 TC so với cuối năm 2016. Mức giảm nhiều nhất là TC môi trường, an toàn thực phẩm, tháng 12/2016 có 112 xã đạt; đến tháng 6/2017 chỉ còn 27 xã đạt, giảm 85 xã, nguyên nhân chủ yếu là do chưa đạt về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch.

“Theo quan điểm chỉ đạo của tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ phúc tra, rút quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM, văn hóa nếu không giữ vững được chất lượng TC. Đồng thời, quyết tâm XDNTM phải đi vào thực chất, bảo đảm chất lượng, hiệu quả các TC, tránh thất thoát, tránh phô trương, chạy theo thành tích, không để xảy ra nợ đọng, không huy động quá sức dân,...” - ông Tô Ngọc Xuân cho biết thêm./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích