Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa: Làm gì để nâng chất?

Toàn tỉnh hiện có 159 xã, phường, thị trấn phát động xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa và có 56 địa phương đã được công nhận danh hiệu xã, phường, thị trấn văn hóa. Không những mang đến diện mạo mới ở nhiều địa phương, việc xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa còn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và giữ vững danh hiệu, vẫn còn một số tiêu chí đạt thấp ở xã, phường, thị trấn. Phóng viên (PV) Báo Long an có cuộc trao đổi với giám đốc Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh - Phạm văn Trấn xung quanh vấn đề này.

Thời gian tới, xã văn hóacần được tiếp tục nâng chất

PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật từ việc xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa mang lại trong năm 2014?

Ông Phạm Văn Trấn: Trong năm 2014, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh đã tiến hành 2 đợt phúc tra thực hiện xây dựng xã, phường văn hóa đối với 23 xã, phường thuộc 13 huyện, thị xã và TP.Tân An (trừ huyện Đức Huệ và Mộc Hóa). Nhìn chung, kết quả phúc tra cho thấy, 23 đơn vị đều đạt yêu cầu và đang đề nghị UBND tỉnh ra quyết định công nhận.

Như vậy, tính đến đầu năm 2015 sẽ có 79 xã, phường, thị trấn văn hóa, đạt 41%.Điểm nổi bật là số lượng xã, phường đạt chuẩn văn hóa cao hơn những năm trước, nguyên nhân do các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã không ngừng nâng cao nhận thức về xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, đề ra trong Nghị quyết của Đảng cũng như chương trình kế hoạch của UBND cấp huyện, xã.

Qua đó, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và người dân về ý thức xây dựng xã, phường văn hóa gắn với phát triển kinh tế bền vững ở địa phương. Cũng qua việc xây dựng xã, phường văn hóa, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng nâng cao.

PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt, theo ông, còn những tiêu chí nào đạt thấp ở xã, phường, thị trấn văn hóa, nguyên nhân do đâu?

Ông Phạm Văn Trấn: Mặc dù đạt những kết quả phấn khởi nhưng một số tiêu chí đạt chưa bền vững. Một số nơi vẫn còn tiêu chí đạt thấp như số người nghiện ma túy chưa giảm, hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt thấp, nhất là đối với các xã vùng Đồng Tháp Mười và vùng hạ huyện Cần Đước, Cần Giuộc.

Ngoài ra, tình trạng vứt rác bừa bãi trên đường phố và sông rạch vẫn còn xảy ra làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Nguyên nhân của những hạn chế này là do công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các phong trào quần chúng ở cơ sở còn nhiều hạn chế.

PV: Qua thực tế, có những tiêu chí chưa đạt từ lúc phát động cho đến khi được công nhận xã, phường, thị trấn văn hóa như tỷ lệ hộ sử dụng nước và hố xí hợp vệ sinh, đường về trung tâm xã được nhựa hóa,… Theo ông, những tiêu chí còn “nợ” này có ảnh hưởng đến danh hiệu xã văn hóa không?

Ông Phạm Văn Trấn: Thực tế cho thấy, những tiêu chí còn “nợ” như tỷ lệ hộ sử dụng nước và hố xí hợp vệ sinh, đường về trung tâm xã được nhựa hóa,… không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng xã, phường, thị trấn văn hóa. Bởi, phần còn nợ trong các tiêu chí không nhiều và tỷ lệ không cao nên trong vòng 1-2 năm, các địa phương có thể khắc phục tốt.

PV: Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng ở nhiều địa phương, tuy nhiên hoạt động thật sự chưa hiệu quả. Xin ông đánh giá thêm về hoạt động của các trung tâm này. Để các trung tâm phát huy công năng, theo ông cần phải làm gì?

Ông Phạm Văn Trấn: Tính đến nay, toàn tỉnh có 86 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng được xây dựng khang trang, từng bước đáp ứng các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng ở cơ sở.

Tuy nhiên, nhiều nơi chưa phát huy hết công năng của thiết chế này, chủ yếu là tổ chức hội họp và mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn phục vụ hoạt động xã hội học tập chứ chưa thường xuyên tổ chức các loại hình văn hóa, thể thao thu hút đông đảo người dân đến xem.

Để phát huy hết công năng của trung tâm, Ban Giám đốc cần được củng cố kiện toàn và năng động trong công tác tổ chức. Trung tâm cũng cần một phần kinh phí Nhà nước,… đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội đầu tư các chương trình hoạt động tại trung tâm nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương.

PV: Trước thực trạng vẫn còn tồn tại những tiêu chí đạt thấp và tiêu chí “nợ” ở xã, phường, thị trấn văn hóa, ông có thể cho biết những giải pháp của ngành để nâng chất trong năm 2015?

Ông Phạm Văn Trấn: Trước thực trạng vẫn còn tồn tại những tiêu chí đạt thấp hoặc thiếu bền vững, công tác đặt lên hàng đầu là tiếp tục tuyên truyền, vận động có chiều sâu đối với các tầng lớp nhân dân trong việc triển khai thực hiện các tiêu chí của xã, phường, thị trấn văn hóa. Trong đó, tập trung tuyên truyền tiêu chí cụ thể về xây dựng gia đình văn hóa gắn với ấp, khu phố văn hóa. Đồng thời, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói chung và xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa nói riêng.

PV: Xin cảm ơn ông!

THÙY HƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết