Tiếng Việt | English

13/12/2022 - 11:30

Xem xét quyết định lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở tờ trình của Chính phủ.

Đây là một trong những nội dung quan trọng của phiên họp thứ 18 Ủy ban thường vụ Quốc hội, khai mạc sáng nay 13/12.

Cụ thể, hôm nay, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thừa ủy quyền trình bày tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).


Phiên họp thứ 17 Ủy ban thường vụ Quốc hội

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 3/1 đến ngày hết ngày 28/2/2023.

Mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật; tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Luật Đất đai.

Việc tổ chức lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý, hoàn thiện đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua và dự kiến được thông qua vào cuối năm 2023 theo quy trình 3 kỳ họp.

Cũng tại phiên họp 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND; cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia cũng được xem xét tại phiên họp này.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.

Về công tác nhân sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội...

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự phòng 1 ngày để cho ý kiến về chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV; giải pháp xử lý, bất cập tại một số trạm thu phí, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; một số nội dung khác cần trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 2./.

Hiếu Minh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


tư vấn luật doanh nghiệp qua điện thoại