Tiếng Việt | English

02/06/2023 - 14:09

Yêu cầu xử nghiêm cán bộ, công chức chậm trễ, gây phiền hà thủ tục  

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Văn bản 493/TTg-KSTT ngày 1.6 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả.

Tính đến tháng 5 năm 2023, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) của cả nước là 6.422, giảm 376 TTHC so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, theo ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội và phản ánh người dân, doanh nghiệp, TTHC trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân (Đào Ngọc Thạch)

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC liên quan hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó nghiên cứu đề xuất cắt giảm ngay các thủ tục, các bước trung gian không cần thiết; các điều kiện kinh doanh chồng chéo, không định lượng được để minh bạch trong kiểm tra, thẩm định, đánh giá, xét duyệt; các hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất giải pháp xã hội hóa các dịch vụ hành chính công đủ điều kiện. Hoàn thành, trình Thủ tướng phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa trước ngày 30/9.

Tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, tránh hình thức, phong trào, không thực chất, không hiệu quả. Khẩn trương thực hiện thống kê, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% TTHC nội bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. Nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng, trong đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà, nhất là làm phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC./.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim và Lê Thanh Vân tranh luận sôi nổi về chuyện “cán bộ sợ sai”

Mai Hà/thanhnien.vn

Chia sẻ bài viết