Cuộc sống bận rộn dễ khiến bạn kiệt sức
Kiệt sức là 1 phản ứng của cơ thể trước những gì đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra, đó là 1 giai đoạn vô cùng khó khăn, mà đôi khi chỉ có bản thân bạn mới nhận ra điều đó.
Kiệt sức có phải là mệt mỏi?
Kiệt sức không giống như mệt mỏi thông thường, đó là trạng thái cơ thể bạn đang cạn kiệt nguồn năng lượng thể chất lẫn tinh thần theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng, đồng thời có sự tăng lên của các hormon đáp ứng stress.
Chúng khiến bạn suy nghĩ tiêu cực, suy giảm miễn dịch và dễ mắc bệnh hơn. Khi tình trạng kiệt sức kéo dài trên 4 tháng, chúng trở thành bệnh, y khoa gọi là Hội chứng mệt mỏi mạn tính. Nghĩa là não đang hiểu rằng nó không còn đủ năng lượng để giải quyết vấn đề.
10 dấu hiệu cơ thể bạn đang kiệt sức
1. Bạn không thể tập trung suy nghĩ bất cứ điều gì một cách rõ ràng.
2. Bạn luôn trong tình trạng căng thẳng vì mọi thứ không kịp, mọi thứ đang trễ.
3. Những món ăn tốt cho sức khỏe, những thứ bạn thích ăn, giờ đây chúng đang được thay thế bằng cà phê, sô cô la, khoai tây chiên và nước ngọt hoặc bất cứ thứ gì chỉ để no, nhanh, gọn.
4. Bạn thức khuya liên tục và cực kỳ khó vào giấc, hoặc bạn đã đếm được mấy triệu con cừu trong tuần vừa qua.
5. Môi của bạn thường xuyên nứt nẻ, thô ráp.
6. Bạn đang cố lê mình đến phòng tập thể dục, nhưng mọi thứ đã thay đổi, bạn chỉ tập được 50% so với trước đây bạn đã từng.
7. Tâm trạng bạn hỗn loạn, bạn không thể sắp xếp ngăn nắp tầng suy nghĩ, công việc, hay đơn giản chỉ là căn phòng bạn sống.
8. Bạn cảm thấy khó thở, ngay cả khi bạn không làm gì cả.
9. Bạn thường xuyên bị cảm lạnh, bạn rất dễ bị lây bệnh bởi bất kỳ ai.
10. Bạn thường xuyên ngủ gục trên bàn làm việc, trên ghế xô pha, hoặc bất cứ đâu nhưng không phải trên… giường.
Bạn cần làm gì khi có dấu hiệu của kiệt sức?
- Bước đầu tiên cần làm là hãy tìm nguyên nhân thực thể, là các bệnh lý có thể gây nên tình trạng kiệt sức mà chúng ta điều trị được: nhiễm siêu vi, nhiễm khuẩn, mất cân bằng hormon (thời kỳ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh), rối loạn tâm thần (trầm cảm, rối loạn lo âu), huyết áp cao, suy tim, tác dụng phụ của thuốc.
- Ăn nhiều bữa nhỏ và đều đặn hơn: ăn mỗi 3-4 giờ 1 lần giúp ngăn ngừa sự sụt giảm lượng đường trong máu, giảm cảm giác thèm đường.
- Ngủ 7-8 tiếng chất lượng mỗi đêm: tránh các chất kích thích như caffeine và rượu bia vào buổi tối, giảm lướt mạng xã hội và điều chỉnh nhiệt độ phòng mát hơn một chút.
- Kiểm soát hormone gây căng thẳng: cortisol là hormone gây căng thẳng chính trong cơ thể. Khi căng thẳng, đừng suy nghĩ quá mơ hồ mông lung, mà hãy dùng phương pháp tư duy bằng mắt: đặt bút viết cụ thể điều gì đang khiến bạn căng thẳng, bạn sẽ nhận ra không có quá nhiều gạch đầu dòng và giật mình rằng "mình có đang nghĩ quá lên không".
Bạn nên ăn gì khi "quá mệt mỏi với cuộc sống này"?
Trứng: chất béo lành mạnh kết hợp với protein là cách tốt nhất để cung cấp nguồn năng lượng cho cơ thể. Mặc dù thịt gà, cá vẫn đáp ứng được. Nhưng lúc mệt mỏi thì 1 món ăn dễ nấu, nhanh chín như trứng là một lựa chọn phù hợp cho bạn lúc này. Trứng giàu protein, collagen, và cả lecithin giúp hạ mỡ máu.
Rau chân vịt: Thiếu máu thiếu sắt có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và khó thở. Rau xanh và thịt là nguồn cung cấp sắt tốt cho cơ thể. Trong đó rau chân vịt giàu dinh dưỡng và đặc biệt là giàu sắt
Bí đao: bí đao có rất nhiều ưu điểm do có chứa nhiều chất xơ, giàu vitamin B9, vitamin C, vitamin E, vitamin A và các khoáng chất như: kali, photpho, magie. Bí đao có tác dụng trong phòng, chữa một số bệnh như: táo bón, giảm viêm tấy, chống ho, hen suyễn,...
Các loại hạt: Các loại hạt rất giàu vitamin B6, B12 giúp hỗ trợ chuyển hóa năng lượng bình thường và có thể giúp giảm các triệu chứng kiệt sức.
Bạn nên tránh ăn gì khi mệt mỏi kiệt sức?
Caffeine từ cà phê: có thể chúng khiến bạn cảm thấy tuyệt vời, nhưng sau đó, chúng khiến bạn cảm giác mệt mỏi hơn gấp nhiều lần, vì bản chất chúng có tác dụng kích thích, chứ không mang lại năng lượng thật sự cho bạn.
Nếu bắt buộc phải dùng caffeine, hãy chọn trà xanh. Vì nó giải phóng caffeine từ từ do một loại axit amin gọi là L-Theanine.
Bánh ngọt: chúng khiến đường trong máu bạn tăng lên đột ngột nên bạn có cảm giác "khỏe hơn" sau khi ăn chúng, nhưng sau đó bạn sẽ mệt mỏi hơn do mức năng lượng cơ thể không ổn định và chịu hậu quả của tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết phản ứng.
Hãy nhận biết sớm những dấu hiệu kiệt sức để sẵn sàng vượt qua nó. Cuối năm là thời điểm công việc có vẻ dồn dập hơn hoặc là thời gian bạn cảm thấy áp lực nhất vì một lý do nào đó. Nhưng suy cho cùng thì sức khỏe thể chất lẫn tinh thần đều quan trọng như nhau./.
Theo TTO
Nguồn: https://tuoitre.vn/10-dau-hieu-the-hien-ban-dang-kiet-suc-va-met-moi-20231222083726316.htm