Tiếng Việt | English

08/08/2023 - 08:46

Âm mưu thâm độc kích động kỳ thị sắc tộc

Việt Nam có 54 dân tộc anh em "như cây một cội, như con một nhà”, luôn "tương thân, tương ái" giúp nhau cùng phát triển, xây dựng đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tuyên truyền, kích động hướng đến tư tưởng dân tộc cực đoan trong đồng bào các dân tộc thiểu số hòng làm rạn nứt, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Sau khi vụ việc tại Đắk Lắk xảy ra, dư luận trong và ngoài nước hết sức căm phẫn và kịch liệt lên án hành động khủng bố có tổ chức nhắm vào trụ sở cơ quan nhà nước, cán bộ và dân thường tại xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin. Thế nhưng, trên mạng xã hội và trang web của các tổ chức phản động ở nước ngoài như Thăng Tiến, Việt Tân, Ý kiến, Vietcatholic,... liên tục phát tán nhiều tài liệu, hình ảnh xuyên tạc với những nhận định hết sức hồ đồ, cho rằng nguyên nhân xảy ra vụ việc tại Đắk Lắk là do nạn "kỳ thị sắc tộc". Đáng lên án là xuất hiện nhiều bài viết nhân danh tôn giáo, nhân quyền, trắng trợn xuyên tạc tình hình chính trị, KT-XH ở Tây Nguyên là “bị ngăn cách với thế giới”, “bị cô lập”, bị “chính quyền áp đặt văn hóa và mị dân”.

Trả lời câu hỏi của đài Phượng Hoàng (Trung Quốc) về một số ý kiến cho rằng nguyên nhân vụ việc ở Đắk Lắk có “yếu tố sắc tộc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao - Phạm Thu Hằng khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những ý kiến sai trái này, đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự có tổ chức và sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật". Trước đó, tại phiên họp về chống khủng bố, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn thường trực

Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, phát biểu: “Đây là hành vi khủng bố có tổ chức nhằm vào trụ sở cơ quan nhà nước, cán bộ và dân thường”; khẳng định các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện hoặc đứng sau sẽ bị xử lý tương xứng với mức độ vi phạm về vụ việc khủng bố tại Đắk Lắk, đề nghị các nước và tổ chức quốc tế liên quan hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong công tác điều tra cũng như ngăn chặn những hành động tương tự xảy ra trong tương lai.

Tây Nguyên suốt chiều dài lịch sử luôn đồng cam cộng khổ và kiên cường đấu tranh chống lại sự thống trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khi Pháp bị đánh đổ, Mỹ - ngụy bị lật nhào thì tàn dư của tư tưởng kỳ thị, phân biệt đối xử dân tộc, chủng tộc đã không còn hiện hữu nữa. Tuy nhiên, sự kỳ thị dân tộc vẫn bị các thế lực thù địch tuyên truyền, kích động làm rạn nứt, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà trọng tâm là địa bàn Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ với cái gọi là “Nhà nước Đề ga” ở Tây Nguyên, “Vương quốc Mông” ở Tây Bắc, “Nhà nước Khơme Krôm” ở Tây Nam bộ.

Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ là quan điểm mang tính nguyên tắc của Đảng ta về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc. Nguyên tắc này được thể hiện rõ ở Điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013. Trước đó, ngày 09/6/1981, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD). Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện Công ước CERD, đặc biệt là việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số như xóa đói - giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội,... Trong đó, nhấn mạnh đến những thành tựu trong việc bảo đảm quyền cho đồng bào dân tộc thiểu số như hệ thống pháp luật, các quy định bảo đảm quyền con người, các chính sách cụ thể về phát triển KT-XH.

Chủ động nhận diện và bác bỏ các luận điệu phản động; nhân danh dân chủ, nhân quyền, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, tôn giáo,... để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân các vùng, miền với nhau, giữa đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân./.

Cựu chiến binh Long An

Chia sẻ bài viết