Tiếng Việt | English

20/04/2016 - 14:14

ASEM hướng tới cộng đồng lấy con người làm trung tâm phát triển

Mọi sáng kiến và cơ chế hợp tác của ASEM sẽ lấy con người làm trung tâm, tăng cường sự tham gia và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Sáng 20/4 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện trong thế kỷ 21”. Đây là hoạt động thiết thực vào dịp 20 năm Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) hình thành và phát triển; đồng thời triển khai chủ trương chủ động tích cực hội nhập quốc tế, nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam.

Tham dự Hội nghị có gần 150 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có sự tham gia của 13 diễn giả trong nước, 12 diễn giả quốc tế là Đại sứ, Trưởng đại diện các thành viên ASEM, các tổ chức quốc tế liên quan tại Việt Nam, các trưởng SOM ASEM… Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tại Hội nghị này, các đại biểu đã thảo luận về các chủ đề lớn là: Định vị ASEM trong cục diện đang định hình trên cơ sở đánh giá hợp tác ASEM qua 20 năm, những chuyển biến lớn ở hai châu lục Á-Âu, cơ hội và thách thức với ASEM; Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu toàn diện trong thế kỷ 21 trên cơ sở đánh giá tầm nhìn hợp tác ASEM trong thập kỷ tới, trao đổi các đề xuất tăng cường hợp tác trên 3 trụ cột kinh tế, chính trị, văn hóa và giao lưu nhân dân, nâng cao hiệu quả đóng góp của Việt Nam cho ASEM.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
ASEM đang đứng trước nhu cầu phải đổi mới

Được thành lập cách đây 20 năm, ASEM đã phát triển vượt lên kỳ vọng ban đầu, khẳng định là cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, có quy mô lớn nhất giữa hai châu lục, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển.

ASEM đã và đang là nhân tố quan trọng góp phần định hình cục diện thế giới trong thế kỷ 21. Thời gian qua, Diễn đàn đang chuyển mình với những nội hàm hợp tác và liên kết sâu rộng, từng bước mang lại lợi ích thiết thân cho các thành viên trong nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, phục hồi kinh tế, ứng phó các thách thức toàn cầu. Vượt qua nhiều rào cản và khác biệt, ASEM ngày nay trở thành đại gia đình với 53 thành viên.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: Tình hình thế giới tiếp tục có nhiều đổi thay sâu sắc, đặt ra những vấn đề mới đối với các cơ chế, diễn đàn đa phương, trong đó có ASEM. Theo đó, hơn bao giờ hết, ASEM đang đứng trước nhu cầu phải đổi mới, nâng tầm hợp tác, nhằm khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc đa cực đang định hình, đóng góp xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng và dân chủ hơn. Đó là yêu cầu khách quan trước những biến động không ngừng của thế giới và khu vực. Đó cũng là nhu cầu nội tại của một ASEM ngày càng mở rộng với các quan tâm và lợi ích đa dạng hơn.

Phó Thủ tướng đề nghị tại Hội nghị lần này, các đại biểu cần tập trung thảo luận, làm rõ hơn một số vấn đề như: Cần xác định các ưu tiên trong nội hàm hợp tác để nâng cao tính thiết thực, hiệu quả và có chiều sâu của ASEM; Hai là, cần phát triển tư duy mới và cách tiếp cận tổng thể, hài hòa giữa tính chất không chính thức của ASEM với việc nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới các kết quả cụ thể; Ba là, mọi sáng kiến và cơ chế hợp tác cần lấy con người làm trung tâm, tăng cường sự tham gia và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân…

Hợp tác ASEM luôn có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam

ASEM là nơi hội tụ 19 trong số 26 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam, đem lại 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài và tổng giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch đến Việt Nam. 14 trong 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán là với các đối tác ASEM, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu và mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 60 đối tác, trong đó có 47 thành viên ASEM.

Với ý nghĩa đó, Việt Nam đã và đang có những đóng góp đáng kể vào sự lớn mạnh của Diễn đàn được các thành viên ghi nhận. Việt Nam là một trong những thành viên đề xuất và triển khai nhiều sáng kiến nhất trên hầu hết các lĩnh vực hợp tác ASEM; tham gia 3 Nhóm hợp tác chuyên ngành về quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai, quản lý nước bền vững và hiệu quả và đào tạo nghề.

Từ năm nay, Việt Nam sẽ tham gia Nhóm giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, công nghệ và sáng tạo. Chúng tôi cùng các thành viên ASEAN thúc đẩy các Hiệp định đối tác và hợp tác với Liên minh châu Âu, hướng tới quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - EU, hoàn tất cam kết của các Hiệp định thương mại tự do của ASEAN với các đối tác, thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN - EU… Đây vừa là thành tựu, vừa là nền tảng căn bản để Việt Nam nâng tầm đóng góp hơn nữa vào liên kết Á - Âu.

“Thời gian 5 - 10 năm tới có ý nghĩa then chốt đối với quá trình phát triển và vị thế quốc tế của Việt Nam. Chúng tôi sẽ đăng cai năm APEC 2017, nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào 2018 và các cam kết FTA thế hệ mới, đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Điều đó khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đối ngoại đa phương toàn diện - một trong những trụ cột lớn của đối ngoại Việt Nam”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ban, ngành tiếp tục chủ động đề xuất sáng kiến, ý tưởng, chủ động đóng góp vào quan tâm chung; đổi mới cơ chế thông tin, phối hợp liên ngành với các địa phương, đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, chú trọng đào tạo chất lượng đội ngũ cán bộ… để nâng cao hiệu quả đóng góp của Việt Nam trong ASEM./.

Thành lập tháng 3/1996, Diễn đàn ASEM đã trải qua 5 lần mở rộng thành viên và ngày nay hội tụ 53 thành viên ở hai châu châu lục Á - Âu, trong đó có 4 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 12 nước G20. ASEM hiện đại diện cho khoảng 62% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 68% thương mại toàn cầu. Với tư cách thành viên sáng lập của Diễn đàn, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực, nổi bật là đăng cai thành công Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 năm 2004, 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ - thông tin, ngoại giao, giáo dục, lao động, đề xuất 21 sáng kiến và đồng bảo trợ 24 sáng kiến trên nhiều lĩnh vực hợp tác.

 Nguyễn Hùng/VOV.VN

Chia sẻ bài viết