Tiếng Việt | English

04/11/2022 - 08:58

Bài học từ vụ án 'Tịnh thất Bồng Lai'

Ngày 02/11/2022, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” đối với bị cáo Lê Tùng Vân (90 tuổi) và nhóm người từng ở nơi tự xưng “Tịnh thất Bồng Lai” hay “Thiền am bên bờ vũ trụ”. Nơi tự xưng “tịnh thất”, “thiền am” này có địa chỉ tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, do bà Cao Thị Cúc làm chủ hộ.

Theo cáo trạng, từ năm 2019-2021, các bị cáo đã sử dụng máy tính, điện thoại di động đăng lên Facebook và YouTube những thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc nhằm tuyên truyền, kích động, xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa; xúc phạm Phật giáo, danh dự và nhân phẩm người khác, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Tại phiên xét xử sơ thẩm vào tháng 7/2022, TAND huyện Đức Hòa đã tuyên phạt các bị cáo trong vụ án này từ 3-5 năm tù. TAND tỉnh mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án này, sau khi những người bị tòa tuyên án đều thực hiện thủ tục kháng cáo, không đồng ý với những điều tòa sơ thẩm đã tuyên.

Vụ án này thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội trong và ngoài nước vì “Thiền am bên bờ vũ trụ” có nhóm trẻ em đã đoạt giải quán quân trong cuộc thi Thách thức danh hài; được đội ngũ YouTube và người sử dụng mạng xã hội quan tâm, bình luận theo những hướng khác nhau. Tuy nhiên, việc các bị cáo bị tuyên án với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” là điều hiển nhiên bởi đó là sự nghiêm minh của pháp luật. Bên cạnh đó, các bị cáo này sẽ còn phải đối mặt những tội danh khác.

Không chỉ vụ án “Tịnh thất Bồng Lai” hay “Thiền am bên bờ vũ trụ” ở Long An được dư luận xã hội, cộng đồng mạng quan tâm, mà vào tháng 3/2022, vụ việc cơ quan Công an TP.HCM bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, cũng được rất nhiều người quan tâm. Trước đó, thông qua các tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, bà Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream để nói về nhiều chủ đề, nội dung khác nhau và được nhiều người theo dõi, chia sẻ, bình luận. Tại các buổi livestream, bà Nguyễn Phương Hằng đã phát ngôn những thông tin không kiểm chứng liên quan đến đời tư của người khác, trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều người,...

Thỉnh thoảng, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp vụ việc một số người bị cơ quan chức năng xử lý vì vi phạm pháp luật liên quan tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Rõ ràng, các cơ quan thực thi pháp luật đang mạnh tay xử lý, chấn chỉnh tình trạng lợi dụng quyền tự do dân chủ, mạng xã hội để mắng chửi, nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Các vụ việc trên tiếp tục gióng lên hồi chuông nhắc nhở, cảnh tỉnh những người sử dụng mạng xã hội thiếu hiểu biết, không văn minh, vi phạm pháp luật. Tuy vi phạm “ảo” trên không gian mạng nhưng bị xử lý vi phạm, bị phạt tiền, đi tù là chuyện thật. Không hề có chuyện xí xóa, rút kinh nghiệm khi vi phạm pháp luật, cho dù người vi phạm là ai.

Mọi người, nhất là giới trẻ khi sử dụng mạng xã hội phải ứng xử văn hóa, văn minh, đúng quy định pháp luật. Đã qua rồi cái thời xem mạng xã hội là “chợ trời” bát nháo, xô bồ, muốn nói gì, làm gì, xúc phạm ai cũng được. Mọi hành vi vi phạm pháp luật dù trên môi trường nào thì vẫn bị xử lý nghiêm minh.

Vụ án “Tịnh thất Bồng Lai” hay “Thiền am bên bờ vũ trụ” được đưa ra xét xử chính là lời cảnh báo đanh thép./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết