Sau 38 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước ta đạt những thành tựu to lớn, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện, diện mạo đất nước có sự khởi sắc vượt bậc, uy tín và vị thế trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.
Tuy nhiên, còn không ít thách thức mới xuất hiện, trong số đó là việc các thế lực thù địch, phản động liên tục chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với các luận điệu phản khoa học.
Chính vì lẽ đó, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng (BVNTTT) của Đảng là cốt lõi để bảo vệ những thành tựu vĩ đại mà Đảng và Nhân dân ta đã gầy dựng, hướng tới phát triển đất nước hơn nữa trong tương lai, như trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn.
Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện”.
Muốn đứng vững trước “mưa gió bão bùng” thì người cũng như cây, phải vững chắc từ gốc rễ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội, là tương lai của đất nước”.
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết, đó không chỉ là sự quan tâm chăm lo cho sự nghiệp cách mạng, vun trồng cái gốc, để sự nghiệp của cha anh luôn được phát triển mà còn thể hiện tầm nhìn của Đảng vì một tương lai phát triển bền vững của nước nhà.
Ngày nay, thực hiện lời dạy của Người trong công tác bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, dựng xây vững chắc nền móng tư tưởng của Đảng luôn là một phần trách nhiệm không thể thiếu trong công tác giáo dục nước nhà, ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.
NTTT là linh hồn, mạch sống của Đảng, trong đó bồi dưỡng thế hệ trẻ được ví như việc xây dựng nền móng cốt lõi. Trước hết là từ cấp địa phương, công tác giáo dục lý luận chính trị trong nhà trường là một phần hết sức quan trọng trong việc định hướng các em đi đúng con đường, là những nét mực đầu tiên trên trang giấy trắng mang tên lý tưởng của các em sau này.
Thầy cô - những đảng viên (ĐV) trong ngành Giáo dục và Đào tạo cần hiểu và nhận thức rõ trách nhiệm tiên quyết của bản thân, lấy ngọn cờ của Đảng làm mục tiêu, là ngọn đuốc dẫn đường, lấy tư cách đảng viên, vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ để phấn đấu, nỗ lực đưa tư tưởng đúng với mục tiêu lý tưởng của Đảng đến với học sinh (HS) - những mầm non sẵn sàng đón nhận tinh hoa để đâm chồi nảy lộc.
Sự nghiệp trồng người được xác định rõ là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội nhưng người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ không ai khác chính là nhà giáo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ nhà giáo và cán bộ (CB) quản lý giáo dục. CBĐV nói chung và các nhà giáo nói riêng phải nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, xem đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của bản thân, từ đó chủ động và tích cực trau dồi bản thân trong lĩnh vực mà mình đang công tác.
Bởi vì các thầy, cô giáo mang trên mình nhiệm vụ nặng nề là đào tạo CB cho nước nhà, là “người chiến sĩ trên mặt trên tư tưởng văn hóa”, thầy, cô giáo có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, truyền thống văn hóa của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực phù hợp với bản thân cũng như xã hội.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho CBĐV, tăng cường BVNTTT của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”.
Thực tế, việc bồi dưỡng nhận thức về chính trị trong môi trường học đường còn cần được cải tiến sao cho phù hợp xu thế phát triển của ngành, rút ngắn khoảng cách về thế hệ và tư tưởng trong công tác tuyên truyền, đưa cốt lõi NTTT của Đảng đến gần với HS hơn. Để góp phần nâng cao hiệu quả, bản thân mỗi nhà giáo cần đặt sự tâm huyết lên hàng đầu, không ngừng hoàn thiện bản thân cả về mặt lý luận chuyên môn lẫn đạo đức, nâng cao trình độ giảng dạy, đơn giản và cụ thể hóa nhưng vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi sâu sắc khi truyền tải đến HS.
Cần phải nhấn mạnh rằng, trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng công nghệ thông tin trong nước và ngoài nước, nơi một tin tức dù là trọng đại hay nhỏ nhặt, một quan điểm dù khoa học hay xuyên tạc đều có thể trở thành tâm điểm với các hình ảnh, cách viết, cách suy nghĩ hoàn toàn theo lối cá nhân mà không cần nằm trong bất kỳ một khuôn khổ nào.
Đặc biệt là trong giới trí thức, HS, sinh viên, với khả năng tiếp cận những nguồn kiến thức mới một cách nhanh chóng và hiện đại, tuy nhiên đôi khi lại không có đủ năng lực kiểm chứng, chưa có đủ sự nhận thức về nguồn thông tin lan truyền trên những nền tảng nói trên. Do đó, giáo dục lý luận chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho bản thân các em không lung lay trong tư tưởng chính là công tác dự báo, phòng ngừa, như một liều “vắc-xin” mạnh cho thế hệ trẻ đề kháng và tiến tới triệt tiêu những thông tin không chính thống.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu trong công tác y tế và ta nên dần xem việc lung lay tư tưởng, nhận thức sai lệch chính là một căn bệnh nguy hiểm về tinh thần, cần có những liều vắc-xin sinh kháng thể từ sớm.
Bên cạnh đó, công cuộc bồi dưỡng tư tưởng chính trị, nâng cao phẩm chất đạo đức cũng chính là đang góp phần bảo vệ nền tảng cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần phải đẩy mạnh vai trò của sự nêu gương ngay tại nhà trường, ngay từ các CBĐV, công nhân, viên chức, sẽ chính là hình mẫu lý tưởng để các em HS hướng tới, noi theo, từ đó học tập và tiếp thu một cách trọn vẹn những phẩm tốt.
Một khi phẩm chất tốt kết hợp với tư tưởng đã thấm nhuần một cách vững chãi, thế hệ trẻ sẽ có đủ năng lực tự mình chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch nhằm nâng cao “sức đề kháng” cho CBĐV. Những thế lực chống phá, xuyên tạc lúc này không những không đạt được mục đích của chúng đề ra mà còn như một bài tập, một liều thuốc thử để càng củng cố vững chắc tư tưởng và tư duy của HS, sinh viên và trí thức trẻ, từ đó phản bác để củng cố nền tảng lý luận của bản thân, trau dồi lý luận, thực tiễn.
Hiện nay, phương thức để hiện thực hóa những yêu cầu trên, tức là tuyên truyền NTTT của Đảng đến rộng rãi thế hệ trẻ đang được thực hiện rất tốt và đã có sự đổi mới thích nghi kịp thời đại theo Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường BVNTTT của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Chúng ta đã tận dụng chính thành tựu của nhân loại, sự phát triển của khoa học - công nghệ, thời đại số để đưa công tác tuyên truyền đến gần với thực tiễn, mang tính hiện đại và hiệu quả hơn thông qua các trang thông tin điện tử, báo điện tử chính thống và vô số tác phẩm báo chí văn học tuyên truyền khác.
Hướng đi đã đúng thì cần phải đẩy mạnh hơn nữa để có thể đi nhanh và xa hơn nữa, tiến về đích chung của toàn bộ Nhân dân Việt Nam.
Ở thực tiễn cấp độ nhà trường cũng chứng kiến những sự thay đổi thích ứng không ngừng trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục lý luận chính trị cho HS bằng việc đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền. Điển hình là Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ trong công tác bồi dưỡng đạo đức và tư tưởng cho HS trong giai đoạn 2017-2022.
Cổng thông tin của trường liên tục cập nhật những bài viết tuyên truyền những dịp kỷ niệm trọng đại của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bên cạnh việc phát động những cuộc thi tìm hiểu về Đảng cũng như NTTT của Đảng, góp phần đưa HS đến với các nguồn thông tin chính thống, đúng đắn và xuyên suốt.
Các thầy, cô giáo tại trường luôn đặt việc trau dồi phẩm chất đạo đức bản thân lên hàng đầu, là tấm gương sáng cho các em HS, giúp đỡ các em hoàn thiện giá trị bản thân, là công dân tốt, đúng với quy chuẩn của xã hội, Nhà nước, nhà trường và gia đình.
BVNTTT của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, không thể bằng một vài chiến dịch thần tốc mà có thể thành công. Để giành thắng lợi bền vững đòi hỏi cần có phương thức đấu tranh phù hợp, xây dựng lực lượng từ gốc rễ, điều quan trọng nhất là phải có quyết tâm chính trị và niềm tin vào chiến thắng, không nôn nóng nhưng cũng không chủ quan trong xuyên suốt quá trình thực hiện./.
Trần Thùy Vân