Liên tiếp nhiều ca đột quỵ
Ngày 2/9, một tài xế đang điều khiển xe khách tuyến TP.HCM - Bình Thuận thì xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đột ngột gục xuống, xuất hiện các cơn co cứng, co giật nửa người bên trái, xoay mắt và đầu sang phải. Tài xế vẫn cố gượng dậy, cho xe dừng lại. Lúc này, hành khách trên xe khá bối rối, sau đó họ gọi xe cấp cứu. Tuy nhiên, khi được đưa vào bệnh viện, tài xế này đã tử vong.
Tài xế xe khách bị đột quỵ khi đang lái xe vào ngày 2.9
Trước đó, vào ngày 7/8, xe khách đang chạy từ TP.HCM về Sóc Trăng thì tài xế bỗng lên cơn đột quỵ. Tuy nhiên, anh vẫn cố gắng đánh lái, đưa xe tấp vào lề đường, giữ an toàn cho hành khách.
Hay sáng nay (5/9), trong lúc đọc diễn văn trong lễ khai giảng năm học mới, Hiệu trưởng Trường THPT Tràm Chim (H.Tam Nông, Đồng Tháp) đang đọc diễn văn thì bất ngờ ngã quỵ, cơ thể tím tái, được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Chẩn đoán ban đầu ông tử vong do đột quỵ.
Xử trí thế nào khi thấy một người có dấu hiệu đột quỵ?
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM, Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, cho biết đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.
"Trong trường hợp phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ cần cho bệnh nhân nằm nghiêng, thông thoáng, mở cổ áo. Quan trọng nhất là chuyển bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ gần nhất", PGS Thắng khuyến cáo.
Một số dấu hiệu điển hình để nhận diện đột quỵ như:
Khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó.
Đột ngột cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể.
Đột ngột nhức đầu dữ dội hay chóng mặt, bệnh nhân không yếu liệt chi nhưng không thể ngồi hay đi đứng được như người bình thường.
Đột ngột mất thị lực như mờ mắt, nhìn không rõ.
Giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ...
Bệnh nhân tập vật lý trị liệu sau điều trị đột quỵ
Mỗi phút não bị thiếu máu sẽ mất gần 2 triệu tế bào thần kinh
TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết mỗi phút não bị thiếu máu sẽ mất gần 2 triệu tế bào thần kinh, vì thế người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa những tổn thương về não.
Khi xử trí người bệnh đột quỵ, người thân nên liên hệ hệ thống cấp cứu 115 để được hướng dẫn và chuyển người bệnh đến các bệnh viện trong thời gian sớm nhất để đạt hiệu quả cao nhất.
"Cần hạn chế tự chuyển người bệnh bằng xe hai bánh do có nguy cơ té ngã, phỏng bô, chân liệt bị kẹt vào bánh xe hoặc va chạm xuống mặt đường… Đặc biệt không được cạo gió, trích máu, hoặc cho người bệnh uống thuốc, nhất là các thuốc truyền miệng để tránh mất thời gian vàng, không hiệu quả mà còn có thể gây hại cho người bệnh", bác sĩ Bá Thắng khuyến cáo.
Để giảm nguy cơ đột quỵ, người dân nên tầm soát sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập luyện thể dục hợp lý và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol trong máu, hút thuốc lá, béo phì...
Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ và giống như các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Kết quả bước đầu cho thấy, độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần so với nữ (ở nước ngoài là nữ bị đột quỵ nhiều hơn nam).
Thông tin được báo cáo tại Hội nghị đột quỵ quốc tế năm 2022
|
Theo Thanh niên