Tiếng Việt | English

30/06/2015 - 11:35

Bát nháo thuốc, thực phẩm chức năng giảm cân

Ngay sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM bắt khẩn cấp Nguyễn Duy Bảo (Giám đốc Công ty TNHH ĐT-TM-XNK Bảo Khang, quận Gò Vấp, TP.HCM) vì sản xuất, buôn bán các thực phẩm chức năng (TPCN) giả với số lượng lớn, nhất là TPCN giả giúp giảm béo, dư luận không khỏi lo lắng trước thực trạng thị trường thực phẩm chức năng (TPCN), thuốc giảm cân hiện nay. Đó là một ma trận thật - giả lẫn lộn mà nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe rất lớn, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

 

Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh TPCN giả, nhái tại TP.HCM.

Loại nào cũng có

Ghé nhà thuốc P.T trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), chúng tôi hỏi mua TPCN giúp giảm cân, cô nhân viên hớn hở: “Anh thích hàng nội hay ngoại, giảm cấp tốc hay từ từ”. Nói rồi, cô ta lôi dưới gầm kệ lên một lô một lốc các nhãn hiệu: SlimU…, SlimE…, Perfect slim.., Caniro… Cảm thấy chúng tôi “hoa mắt”, cô bán thuốc trấn an: “Tất cả đều là hoạt chất thiên nhiên. Muốn giảm cân nhanh thì dùng hàng ngoại, còn giảm ít hơn thì hàng nội. An toàn hết!”. Khi tham khảo giá, chúng tôi giật mình vì hầu hết từ 500.000 đồng trở lên, thậm chí có loại tới 2-3 triệu đồng/hộp. Lấy cớ không mang tiền, chúng tôi xin phép… lần sau quay lại.

Không chỉ tại các nhà thuốc, chợ sỉ mà ngay trên các trang mạng xã hội, các trang web hiện nay cũng đầy rẫy những lời rao bán TPCN giúp giảm cân. Chỉ cần gõ từ khóa “thực phẩm chức năng giảm cân”, trong 0,39 giây đã cho gần 800.000 kết quả. Các loại thuốc giảm cân cũng không thiếu trên các trang mạng. Hầu hết được quảng cáo chiết xuất từ dược liệu quý, từ các hợp chất hiếm và có khả năng giảm cân nhanh chóng, an toàn. Nhưng thực tế có hiệu quả, an toàn hay không thì chưa có một điều tra xác đáng nào từ các cơ quan có thẩm quyền!

Tiền mất tật mang

Ghi nhận cho thấy hầu hết TPCN, thuốc trên thị trường đều có tờ rơi, thông tin quảng cáo như được chứng nhận bào chế 100% từ thảo dược thiên nhiên, không gây tác dụng phụ có hại cho cơ thể về sau. Hay như “chỉ trong 3 tháng có thể giảm được 10kg” hay “6 tháng có thân hình như ý”; “giúp đốt cháy mỡ thừa, đào thải độc tố và cung cấp thêm các khoáng chất cho một cơ thể chuẩn như người mẫu”…

Theo chuyên gia dược học Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, việc các doanh nghiệp tự sản xuất, nhập khẩu rồi tự công bố sản phẩm vô hình trung “muốn nổ gì thì nổ”. Do đó, không ít TPCN, thuốc thổi phồng là giảm cân nhưng thực tế hoạt chất, nguyên liệu thì chẳng có tí tác dụng gì là giảm cân.

Và hệ quả nhãn tiền mặc dù chưa gây chết người trong nước nhưng thế giới đã ghi nhận không ít trường hợp tử vong do uống thuốc, TPCN giảm cân. Đơn cử như mới đây là trường hợp nữ sinh Eloise Aimee Parry, 21 tuổi ở Shrewsbury thuộc hạt Shropshire (Anh) đã tử vong tại bệnh viện sau khi uống 8 viên thuốc giảm cân. Cô mua hộp thuốc giảm cân trên một trang mạng bán hàng trực tuyến. Trong thuốc chứa chất độc tính dinitrophenol hay còn gọi là DNP được cảnh báo có hại nếu dùng quá liều. Tính từ năm 2008, 5 người Anh đã thiệt mạng sau khi dùng thuốc giảm cân có DNP…

Siết chặt quản lý

Tại buổi tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho hay, hiện thị trường đã có trên 10.000 loại TPCN, trong đó TPCN giảm cân khá đa dạng. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp đáng tiếc tai biến do TPCN giảm cân nhưng ông Long cho biết nguy cơ luôn tiềm ẩn và cơ quan chức năng đang siết chặt quản lý.

“Trong 6 tháng đầu năm 2015, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt hàng chục doanh nghiệp với số tiền gần 1,5 tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo TPCN”, ông Long nói. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho rằng, nhiều người áp dụng các biện pháp giảm cân từ tự nhiên nhưng không thành công nên tìm đến giải pháp nhanh chóng là thuốc, TPCN.

Nhưng theo Bác sĩ Diệp, “dục tốc thì bất đạt”, không có loại thuốc, TPCN giúp giảm cân nhanh chóng nào mà không có tác dụng phụ, dù ít hay nhiều! Theo các chuyên gia dược học, thị trường có rất nhiều nhãn hiệu thuốc giảm cân được lưu hành.

Thuốc giảm cân thường được chia làm 3 loại chính: Thuốc làm no ống tiêu hóa; thuốc tăng cường chuyển hóa các chất gây béo trong cơ thể và thuốc gây không muốn ăn. Với những đặc điểm trên, mỗi loại thuốc có một nguyên tắc hoạt động khác nhau, tuy nhiên, tất cả các loại thuốc này đều gây ra những tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe người dùng.

Từ thực trạng nói trên, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết Cục đang phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra và thậm chí xử lý hình sự những trường hợp sản xuất, buôn bán TPCN giả, nhái, kém chất lượng…

“Người dân cần ý thức lựa chọn TPCN. Không thể phủ nhận có những sản phẩm tốt thực sự nên cần lựa chọn những sản phẩm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Thậm chí nếu phát hiện sản phẩm nghi ngờ cần thông báo cơ quan chức năng tiến hành xử lý”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo.

Tường Lâm/sggp.org.vn

Chia sẻ bài viết