Căng thẳng, stress đã trở thành một phần của đời sống hiện đại, và nhiều người thắc mắc là liệu stress có gây ra bệnh tim mạch hay không?
Bệnh cơ tim do căng thẳng, stress là một hội chứng hiếm gặp nhưng hiện nay được ghi nhận nhiều hơn. Bệnh đặc trưng bởi rối loạn chức năng tâm thu thoáng qua của vùng mỏm và/hoặc vùng giữa của tâm thất trái, với hoạt động bù trừ của vùng đáy tim tạo ra phình tại vùng mỏm trong thì tâm thu.
Bệnh phổ biến hơn ở phụ nữ mãn kinh và thường được kích hoạt bởi căng thẳng (stress) về cảm xúc hoặc thể chất dữ dội (ví dụ như mất người thân, bạo hành trong gia đình, thiên tai).
Những yếu tố và biến cố này làm tiết quá mức nội tiết tố như adrenalin làm ảnh hưởng đến tim. Khoảng 30% trường hợp không tìm thấy được yếu tố khởi kích rõ ràng.
1. Biểu hiện cơ tim do căng thẳng
Bệnh lý này lần đầu tiên được mô tả ở Nhật vào năm 1990. Takotsubo là tên một loại bẫy bạch tuộc ở Nhật có hình dạng tương tự hình dạng tim trong bệnh lý này.
Biểu hiện của bệnh nhân mắc bệnh cơ tim do căng thẳng giống với hội chứng vành cấp. Triệu chứng xuất hiện phổ biến nhất là đau ngực cấp tính vị trí dưới xương ức, nhưng một số bệnh nhân có thể xuất hiện khó thở hoặc ngất.
Đau ngực cấp tính vị trí dưới xương ức... cảnh giác với bệnh lý cơ tim do căng thẳng
Tình trạng bệnh lý cơ tim do căng thẳng được chẩn đoán khi: Cơ tim co bóp yếu; Động mạch vành không hẹp; Tim có hình dạng Takotsubo điển hình (hẹp ở giữa và đáy tim, mỏm tim dãn dạng hình cầu) và đã loại trừ những bệnh lý khác có triệu chứng tương tự.
Để chẩn đoán các bác sĩ chỉ định người bệnh làm điện tâm đồ để ghi lại hoạt động điện của tim. Bệnh lý này thường có biểu hiện điện tâm đồ tương tự nhồi máu cơ tim cấp. Tiếp đến là xét nghiệm máu – kiểm tra men tim; Siêu âm tim – quan sát hình dạng tim và vận động bất thường của buồng tim. Chụp động mạch vành – kiểm tra dòng máu chảy trong động mạch vành. Bệnh nhân bị Takotsubo không hẹp động mạch vành. Ngược lại, trong nhồi máu cơ tim, bệnh nhân có nghẽn động mạch vành.
2. Biến chứng nào xảy ra?
Bệnh nhân bệnh cơ tim do căng thẳng có tiên lượng tốt. Thông thường, bệnh nhân sống sót sau đợt bệnh cơ tim do căng thẳng cấp phục hồi chức năng tâm thu của thất trái trong vòng 1-4 tuần.
Một số ít bệnh nhân có biến chứng như: Tụt huyết áp, sốc tim; Đột quỵ; Rối loạn nhịp quan trọng, có thể đưa đến ngưng tim; Đây là những biến chứng hiếm gặp. Chúng sẽ giảm đi với điều trị hiệu quả.
3. Bệnh cơ tim do căng thẳng được điều trị ra sao?
Mặc dù bệnh thường hồi phục, nhưng những triệu chứng và bất thường của tim cần được điều trị để tránh biến chứng và giúp tim hồi phục.
Dùng thuốc là biện pháp thường dùng nhất. Thuốc sẽ giúp giảm stress lên tim và giúp cơ tim hồi phục. Hầu hết người bệnh cần dùng thuốc trong một thời gian ngắn. Điều quan trọng là bệnh cần được bác sĩ tim mạch theo dõi và lên kế hoạch điều trị.
Điều trị duy trì và giải quyết vấn đề căng thẳng về cảm xúc hoặc thể chất thường giải quyết nhanh chóng các triệu chứng trên. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể phát triển các biến chứng cấp tính như shock và suy tim cấp, yêu cầu phải điều trị chuyên sâu.
Do thiếu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, chưa có chế độ dùng thuốc tối ưu rõ ràng hoặc thời gian điều trị cho bệnh nhân cơ tim do căng thẳng. Khi ổn định huyết động, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc thường quy cho suy tim đến khi chức năng tâm thu được hồi phục.
Bệnh cơ tim do căng thẳng, stress là một hội chứng hiếm gặp nhưng hiện nay được ghi nhận nhiều hơn
4. Lời khuyên thầy thuốc
Để giảm nguy cơ bệnh cơ tim do căng thẳng chúng ta cần kiểm soát stress bằng cách làm việc khoa học, giảm lao động quá sức, nghỉ ngơi hợp lý.
Chúng ta cần nghĩ cho bản thân, không nhất thiết phải lo lắng để đáp ứng kỳ vọng và mong muốn của mọi người. Cần bỏ qua những việc gây stress sẽ giúp bạn thoát khỏi sự mất cân bằng trong cuộc sống.
Tập thể dục thường xuyên và chọn một môn thể dục nhẹ nhàng không đối kháng và đặt mục tiêu tập thường xuyên đều đặn. Các bài tập aerobic như tập gym, tập trên máy hay xe đạp đều có tác dụng giải phóng chất endorphins có lợi cho tim mạch và giúp bạn thấy thoải mái dễ chịu.
Bên cạnh đó, cần phải thư giãn giúp xoa dịu thể chất và tinh thần, có thể tập thở, nghe nhạc êm dịu, tập yoga,…và hãy thu xếp thời điểm phù hợp trong ngày cho hoạt động thư giãn này. Duy trì đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Khi có biểu hiện căng thẳng, stress… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể./.
BS Trần Vũ Minh (Sức khỏe và Đời sống)