Tiếng Việt | English

13/05/2020 - 20:43

Bổ sung kinh phí cho 55 địa phương bị ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi

Tổng số tiền ngân sách Trung ương đã cấp về cho các địa phương bị ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi đến nay là hơn 5.100 tỷ đồng, tương đương 70% số kinh phí dự kiến ngân sách Trung ương phải hỗ trợ.

Chuồng nuôi lợn giống của một hộ nông dân ở huyện Tân Hiệp, Kiên Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Chuồng nuôi lợn giống của một hộ nông dân ở huyện Tân Hiệp, Kiên Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Xoay quanh việc một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc người dân tại một số tỉnh, thành phố vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi, chiều 13/5, trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) khẳng định, tất cả các địa phương chịu tác động lớn từ dịch tả lợn châu Phi đều đã được Bộ cấp bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương, việc triển khai chi trả cho người dân là trách nhiệm của từng địa phương.

Theo ông Võ Thành Hưng, Bộ Tài chính đã đề nghị Sở Tài chính một số địa phương có liên quan kiểm tra vấn đề này.

Tuy nhiên, do địa phương có 3 cấp ngân sách từ tỉnh đến huyện, xã và mỗi cấp ngân sách lại có các đơn vị khác nhau nên có thể việc chi trả đang có những vướng mắc ở khâu nào đó.

Về cơ chế hỗ trợ chi trả cho người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi năm 2019 được chia làm nhiều giai đoạn.

Giai đoạn đầu triển khai theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ, từ ngày 27/6/2019 thực hiện theo Quyết định số 793/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí tiêu hủy lợn bị thiệt hại của từng địa phương, Bộ Tài chính đã thực hiện cấp kinh phí cho các địa phương để triển khai thực hiện.

Đến hết năm 2019, Bộ Tài chính đã bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho 55/63 tỉnh, thành phố để hỗ trợ chi trả cho người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi.

Những địa phương còn lại cơ bản là những địa phương có nguồn lực tài chính khá và theo quy định phải tự đảm bảo từ nguồn kinh phí của địa phương, ngân sách Trung ương không hỗ trợ.

Tổng số tiền ngân sách Trung ương đã cấp về cho các địa phương đến nay là hơn 5.100 tỷ đồng, tương đương khoảng 70% số kinh phí dự kiến ngân sách Trung ương phải hỗ trợ.

Sau khi địa phương báo cáo kết quả thực chi, có xác nhận của Kho bạc nhà nước thì Bộ Tài chính sẽ cấp đủ 100% kinh phí phần ngân sách Trung ương phải hỗ trợ theo đúng chế độ quy định, ông Võ Thành Hưng nói.

Đến nay, mới có 20 địa phương có báo cáo kết quả thực hiện chi năm 2019, Bộ Tài chính đã xem xét bổ sung kinh phí còn thiếu theo chế độ quy định.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã đề nghị các địa phương rà soát lại việc chi trả hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi năm 2019, những nơi nào chưa hoàn thành việc hỗ trợ thì thực hiện ngay.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định gói hỗ trợ hơn 7.000 tỷ đồng và hiện nay Bộ Tài chính đã chuyển về địa phương hơn 5.000 tỷ đồng, số còn lại các địa phương hoàn thiện thủ tục để Bộ Tài chính chuyển nốt kinh phí.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, chính quyền địa phương phải quyết định trong việc thực thi các chính sách. Kể cả trong tái đàn lợn, nếu địa phương nào quyết liệt việc tái đàn cũng phát triển mạnh.

Do đó, những địa phương nào đã qua 30 ngày không có dịch tả lợn châu Phi phát sinh cần sớm công bố để người dân yên tâm, đủ điều kiện tái đàn. Các cơ quan chuyên ngành hướng dẫn để các cơ sở tái đàn lợn một cách an toàn.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương có chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng với khả năng nguồn lực của mình để người dân có thể tái đàn lợn, phát triển kinh tế.

Đối với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Nghị quyết 42/NQ-CP, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ bố trí nguồn ngân sách Trung ương để hỗ trợ một số địa phương khó khăn thực hiện chính sách theo quy định.

Hiện nay, cơ chế xử lý theo Nghị quyết số 42 đã được quy định cụ thể nên khi địa phương có báo cáo về quyết định phê duyệt danh sách đối tượng hỗ trợ và mức kinh phí hỗ trợ, thực tế chi trả có xác nhận của Kho bạc nhà nước, Bộ Tài chính sẽ xem xét, cấp 100% kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo đúng nguyên tắc hỗ trợ đã được quy định tại khoản 4 mục I Nghị quyết số 42.

Theo ông Võ Thành Hưng, hiện một số địa phương đã có văn bản báo cáo nhu cầu chi của địa phương và đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên, do hồ sơ mới thể hiện số dự kiến chi, chưa phải số đã thực chi theo đúng quy định của Nghị quyết số 42 nên Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời địa phương đề nghị hoàn thiện hồ sơ, báo cáo, trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ xem xét, xử lý theo đúng quy định./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết