Tiếng Việt | English

18/05/2021 - 09:52

Cần có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ngày hội lớn của đất nước đang đến gần. Trước thềm bầu cử, nhiều cử tri là nông dân có những ý kiến tâm huyết và kỳ vọng gửi tới các ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp.

Ông NGUYỄN VĂN THƠI, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng:

Thời gian qua, việc sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi, được các cấp, các ngành quan tâm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chuyển giao những tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến nông dân. Tuy nhiên, nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thời tiết, dịch bệnh gây hại trong quá trình sản xuất, điệp khúc “được mùa - mất giá, được giá - mất mùa” vẫn thường xuyên tái diễn, việc liên kết “4 nhà” chưa được chặt chẽ.

Với tôi, ngày bầu cử thực sự là ngày hội lớn của toàn dân tộc. Những người trúng cử phải là người có đủ tài, đủ đức, xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Mong muốn thời gian tới, cần có thêm các chính sách đầu tư phát triển về nông nghiệp để giúp người dân ổn định, phát triển sản xuất, tăng cường hơn nữa ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng các mô hình trên diện rộng. Kiểm soát chặt chẽ các loại nguyên vật liệu trồng trọt, chăn nuôi, xử lý nặng cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm kém chất lượng để bảo vệ sức khỏe người dân. Có chính sách đãi ngộ, kêu gọi thêm các doanh nghiệp về đầu tư để nâng cao mức sống cho người dân, tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các khu vực nông thôn của tỉnh.

Ông NGUYỄN CHÍ TRÃI, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng:

Đồng Tháp Mười là vùng sản xuất lương thực trọng điểm của tỉnh, phần lớn kinh tế người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành về hạ tầng giao thông, thủy lợi,… nên liên tục trong nhiều năm, năng suất, sản lượng lương thực của vùng đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Vấn đề cử tri của khu vực Đồng Tháp Mười nói chung, huyện Vĩnh Hưng nói riêng quan tâm hiện nay là giao thông, do tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 62 dẫn về các huyện, thị vùng Đồng Tháp Mười được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng từ lâu hiện đã xuống cấp, mặt đường nhỏ không đáp ứng đủ nhu cầu giao thông, vận tải hàng hóa, ảnh hưởng việc phát triển kinh tế khu vực. Chính vì vậy, tôi mong muốn QH, HĐND các cấp quan tâm giải quyết, sớm đầu tư mở rộng Quốc lộ 62.

Ông LÊ VĂN GIẤY, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai, xã Long Khê, huyện Cần Đước:

Mong muốn ĐBQH, HĐND các cấp khóa tới thực hiện đúng chương trình hành động của mình; là cầu nối với nhân dân, kịp thời chuyển tải các ý kiến của cử tri đến QH, HĐND các cấp. Ngoài ra, từng vị ĐB phải luôn là những người của hành động, xác định rõ mục tiêu cần làm để có những việc làm thiết thực. Tôi kỳ vọng nhiệm kỳ tới, cần có nhiều chính sách hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong sản xuất rau màu, cần có quy hoạch vùng bảo đảm diện tích, tránh tình trạng cung vượt cầu, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhân rộng các mô hình trên diện rộng; cần kêu gọi, liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để giúp nông dân tăng năng suất, thu nhập trên diện tích canh tác, hỗ trợ thêm nguồn vốn vay để hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn. Ưu tiên các nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông nông thôn để tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất và trao đổi hàng hóa khu vực nông thôn.

Ông BÙI VĂN LÀNH, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng:

Mong muốn những ứng cử viên được nhân dân tín nhiệm bầu vào QH và HĐND các cấp sẽ đem hết khả năng và tâm huyết, thể hiện trách nhiệm của mình đối với người dân. Thời gian qua, việc nuôi trồng thủy sản tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh nói chung và của huyện Tân Hưng nói riêng, mang lại hiệu quả kinh tế chưa cao, người dân chủ yếu nuôi theo hướng tự phát, không phát triển đồng bộ nên chưa phát huy được tiềm năng cũng như thế mạnh của vùng. Thời gian tới, để việc nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng ổn định, bền vững, để nuôi trồng thủy sản trở thành thế mạnh của vùng cần phát triển theo hướng tập trung, đa dạng hóa với các loại thủy sản có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao. Trước mắt cần tăng cường công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăn nuôi; thực hiện tốt công tác quy hoạch; hỗ trợ xây dựng các mô hình hợp tác sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ cá tra giống giữa người dân với các doanh nghiệp nuôi cá tra thương phẩm để tạo đầu ra ổn định cho con giống,… tạo việc làm cho lao động nông thôn, cải thiện thu nhập cho người dân.

Ông PHẠM VĂN THẬT, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ:

Nếu như những năm trước đây, đường sá đi lại rất khó khăn, chủ yếu đi bộ thì giờ đây, những con đường nhựa, đal được xây dựng tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản được dễ dàng hơn; hệ thống trường lớp, trạm y tế,... đều được xây dựng khang trang; nhiều mô hình kinh tế mới xuất hiện. Không chỉ xây dựng kết cấu hạ tầng, địa phương còn tiếp nhận nguồn hỗ trợ, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, hỗ trợ trồng trọt, chăn nuôi. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng lên đáng kể. Mong muốn các ĐB nhiệm kỳ tới là những người có đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám thẳng thắn đấu tranh những sai trái, những biểu hiện quan liêu. Có những quyết sách sát với thực tế và đi vào cuộc sống, đáp ứng được mong mỏi, kỳ vọng của người dân. Cụ thể, đẩy mạnh cải cách hành chính và phải có quan điểm chỉ đạo dứt khoát và nỗ lực xây dựng một nền hành chính phục vụ hiệu quả cho người dân. Có những quyết định mang tính chất đột phá giúp nâng cao thu nhập người dân, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm ổn định đầu ra sản phẩm, nhất là sản phẩm thanh long.

Văn Đát (ghi)

Chia sẻ bài viết