Tiếng Việt | English

22/02/2025 - 09:06

Cảnh giác với chiêu trò mạo danh nhân viên giao hàng để lừa đảo

Tổ chức Nhà nước của Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia ghi nhận trong tháng 1/2025, có 30 trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử, công ty cung ứng dịch vụ chuyển phát điện tử.

Thời gian gần đây, thủ đoạn giả danh shipper để lừa chuyển khoản chiếm đoạt tiền lại tiếp tục diễn ra. Nhiều nạn nhân đã "sập bẫy" của các đối tượng giả danh nhân viên giao hàng, mất đi số tiền lớn.

Các doanh nghiệp bưu chính đã đưa ra nhiều cảnh báo cho khách hàng để tránh bị lừa đảo.

Giả danh shipper lừa đảo vẫn tiếp diễn

Làm công việc bận rộn nên chị Hạnh (sống tại một chung cư tại Long Biên, Hà Nội) hay mua sắm online. Mới đây, chị nhận được điện thoại của shipper báo có hàng giao đến chung cư nơi chị sống.

Theo thói quen, chị nói shipper gửi lại gói hàng tại sảnh, tiếp đó chị chuyển khoản tiền cho shipper theo yêu cầu thanh toán. Tiếp đó, shipper lại nhắn nhờ chị truy cập đường link để khai báo nhận lại số tiền do số tài khoản trước bị gửi nhầm, chị Hiền mới "giật mình" vì đã dính bẫy lừa đảo.

Không chỉ lừa đảo báo có hàng giao, nhiều đối tượng còn đánh vào tâm lý người dân bằng cách thông báo có giấy tờ cần gấp giao về cho họ nhưng cần xác minh thông tin bằng cách chuyển khoản.

Chị Quyên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhận được một cuộc gọi thông báo có giấy tờ quan trọng của Bảo hiểm xã hội gửi đến nhưng vẫn ở Bưu cục Hà Nội, giờ cần chị chuyển khoản một số tiền (50.000 đồng) để xác minh thông tin.

Chị Quyên có hỏi lại vì sao cần chuyển khoản trước thì đối tượng trả lời do số lượng đơn hàng quá nhiều nên cần chuyển khoản trước để kiểm tra thông tin. Tiếp đó chị nhận được 1 đường link thanh toán.

Do cảnh giác, chị Quyên không làm theo yêu cầu và gửi số điện thoại lừa đảo đến cơ quan chức năng. Theo ghi nhận của các doanh nghiệp chuyển phát, một chiêu trò phổ biến là đối tượng giả danh shipper đến trực tiếp tại nhà nạn nhân, yêu cầu thanh toán trước qua chuyển khoản vì lý do "công ty yêu cầu" hoặc "do đơn hàng chưa được xác nhận thanh toán."

Nhiều người đã vô tình chuyển khoản cho kẻ lừa đảo vì tin tưởng vào sự uy tín của các dịch vụ giao hàng chính thống. Các đối tượng lừa đảo cũng thường gọi điện hoặc nhắn tin yêu cầu khách hàng chuyển khoản tiền hàng hoặc phí vận chuyển trước khi nhận hàng.

Nếu người nhận không có mặt tại địa chỉ và nhờ người nhận thay, đối tượng sẽ thông báo giao hàng thành công và yêu cầu người nhận chuyển khoản thanh toán.

Hầu hết các nạn nhân sau khi chuyển khoản đều không nhận được hàng, khi quay lại để liên hệ với shipper giả mạo thì thông tin liên lạc đã bị chặn hoặc không còn khả dụng.

Số tiền bị chiếm đoạt có thể từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Một hình thức lừa đảo nữa là các đối tượng gửi email giả mạo các doanh nghiệp, hãng chuyển phát để yêu cầu thanh toán phí dịch vụ, phí hải quan thông qua đường link, trang web giả mạo gửi kèm...

Khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác

Thống kê từ danh sách 72 website mới được phát hiện giả mạo sàn thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử, các thương hiệu lớn và giả mạo website cơ quan, tổ chức Nhà nước của Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia ghi nhận trong tháng 1/2025, có 30 trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử, công ty cung ứng dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử như: Amazon, eBay, Taobao, Shopee, Vietnam Post, Giao Hàng Tiết Kiệm, Giao hàng nhanh...

Các doanh nghiệp bưu chính hiện đã áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ dữ liệu, củng cố bảo mật, an toàn thông tin của toàn bộ hệ thống, đặc biệt là các hệ thống chứa dữ liệu đơn hàng; đồng thời đưa ra các khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác.

Theo cảnh báo của Viettel Post, dấu hiệu để khách hàng nhận biết lừa đảo là: Không có thông tin đơn hàng (nhận bưu kiện mà trước đó không có thông tin đặt hàng hoặc xác nhận từ người gửi); nhân viên giao hàng không có đồng phục hoặc giấy tờ xác minh (Shipper không mặc đồng phục, không có thẻ nhân viên hoặc thông tin liên lạc rõ ràng); yêu cầu thanh toán tiền mặt bất thường (Đối tượng yêu cầu thanh toán gấp mà không cho kiểm tra hàng).

Viettel Post khuyến cáo khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin đơn hàng (Đối chiếu thông tin trên bưu kiện với các giao dịch đã thực hiện); xác minh nhân viên giao hàng (Yêu cầu nhân viên giao hàng xuất trình thẻ nhân viên và đồng phục Viettel Post.

Nếu nghi ngờ, gọi ngay tổng đài 1900 8095 để xác minh); không thanh toán nếu nghi ngờ (Nếu không chắc chắn về nguồn gốc bưu kiện, không nhận hoặc thanh toán tiền).

Mọi cuộc gọi từ giao hàng từ bưu tá của Viettel Post luôn có tên VIETTELPOST; QR code thanh toán luôn là số tài khoản của Viettel Post; chỉ nên nhận các thông tin từ website và app chính thống của Viettel Post.

Nếu phát hiện hành vi đáng ngờ, khách hàng liên hệ với ViettelPost qua tổng đài hoặc điểm giao dịch Viettel Post gần nhất.

Một đơn vị chuyển phát khác - Vietnam Post cũng lưu ý khách hàng không chuyển tiền, thanh toán bất cứ khoản tiền, cước phí nào khi chưa nhận hàng và xác minh; chỉ thanh toán khi đã nhận đúng, đủ mặt hàng đặt mua.

Với các đơn hàng nhận qua Bưu điện, khi giao hàng, bưu tá sẽ luôn mặc đồng phục chuẩn nhận diện thương hiệu, đeo thẻ nhân viên, gọi điện thoại thông tin trước với khách về bưu gửi và không yêu cầu chuyển khoản hoặc thanh toán trực tuyến.

Để tránh bị lộ lọt thông tin, khách hàng không cung cấp, để lại thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, các trang mua bán trực tuyến và kiểm soát chặt chẽ thông tin liên quan đến đơn hàng của mình.

Đồng thời, khi phát hiện số điện thoại lừa đảo, tin nhắn rác, người dân có thể gọi hoặc soạn tin nhắn gửi về đầu số 156 (hoặc 5656). Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động.

Người dân thực hiện phản ánh tới đầu số 156/hoặc 5656 qua hai cách:Cách 1: Gửi tin nhắn tới đầu số 156: Đối với tin nhắn rác, soạn tin theo cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Đối với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác, khách hàng soạn tin theo cú pháp: V (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).Đối với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng soạn tin theo cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Cách 2 - Gọi tới đầu số 156 để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...). Nội dung phản ánh theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng./.

Theo vietnamplus.vn

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/canh-giac-voi-chieu-tro-mao-danh-nhan-vien-giao-hang-de-lua-dao-post1013713.vnp

Chia sẻ bài viết