Minh họa: Hữu Phương
1. Heo kêu chiều, báo hiệu ngày sắp hết!
- Có đứa nào ở nhà sau hôn? Nói chị Hai bây cho heo ăn no, ngày mốt mần thịt chia bà con lối xóm! Má Tư nhắc.
Tháng Chạp, tháng kết thúc năm, mọi người tất bật, hối hả việc nhà, việc đồng áng. Hai Lan mần không kịp thở, mần bở hơi tai mà công việc cứ bề bề...
- Thằng Năm đâu rồi, giúp chị cho heo ăn đi em!
Chẳng nghe tăm hơi thằng Năm, Hai Lan bực mình đổ quạu:
- Có chết, cũng cho heo chết no!
Năm Hà mải mê chơi trốn tìm với đám bạn nên không để ý tới việc chị Hai nhờ vả.
Heo kêu một hồi chẳng thấy cái ăn, nó liền chuyển qua giũ cột, gặm banh chành tấm ván vách.
Tối đó, Hai Lan bị má rầy một trận. Chị rấm rức khóc, thằng Năm nằm im thin thít. Thấy vậy, tía nhỏ nhẹ nói với má:
- Chuyện qua rồi, thôi bỏ đi mình!
Không nghe má trả lời, biết má chưa hả giận, tía nói tiếp: “Để mai, tui đóng lại tấm vách!”.
Đêm mênh mông. Năm Hà trăn trở, dỗ giấc ngủ mãi nhưng không được. Chẳng biết do cái lạnh của những ngày cuối năm hay bởi cớ sự xảy ra lúc chiều, heo ủi vách, má rầy! Rồi đột nhiên, nó bắt quàng nghĩ qua chuyện khác: “Xóm nó ở, vì sao người ta gọi là xóm Rạch Heo?”. Đêm càng khuya, nó càng mất ngủ và lại càng nghĩ mãi không ra, chỉ biết rằng, Rạch Heo, chi lưu sông Vàm Cỏ Tây; vàm Rạch Heo làng Thanh Vĩnh Đông chảy qua địa phận cầu Rạch
Heo thuộc làng Thuận Mỹ, rồi tạo thành xóm Rạch Heo (nay là ấp Bình Trị 1). Xóm tuy nghèo nhưng vẫn giữ được nếp nhà, chuộng cái đẹp và thuận lòng sống đẹp!
Sáng ra, má biểu chị em lo rọc lá chuối để chuẩn bị gói bánh tét dù trong bụng thắc mắc, nhưng cả hai không dám hé môi hỏi má: “Sao kỳ vậy?”. Bởi hàng năm, gói bánh tét sau khi trong xóm mần heo chia thịt. Nay, chưa mần heo chia thịt thì sao vội gói bánh tét, thịt heo ba rọi có đâu làm nhưn bánh! Thắc mắc là thắc mắc vậy, hai chị em vẫn mải mê lo công việc má giao.
Căn nhà lá của tía má Tư nằm cạnh cầu Rạch Heo có từ thời Pháp thuộc và cũng là nơi thể hiện tình thân lối xóm thường tụ họp nhau “trà dư tửu hậu” lúc nông nhàn, hoặc khi trong xóm có việc cần bàn bạc.
Qua kẽ lá, nắng trưa đẻ trứng lốm đốm trên mặt sân.
- Anh Tư ơi! Có ở nhà không, anh Tư?
Chú Ba Thôn vừa hỏi vọng lên bến, vừa bơi xuồng cập vô bến nước.
- Ổng đang ở trong nhà, uống trà với Giáo Bảy! Lên chơi đi chú!
Má Tư vồn vã mời.
Chú Ba rửa chân, miệng phì phà điếu thuốc rê vấn lá cóc kèn, bước lên nhà.
- Mèn ơi, hôm nay là 27 tết rồi...
Chú Ba chưa kịp dứt câu nói, Giáo Bảy cắt ngang:
- Rồi sao?
- Trăng sao gì anh Giáo, theo lệ như hàng năm mà!
- Nãy giờ, tụi này cũng ngóng đợi anh sang.
Tía biểu thằng Năm đi mua rượu, má sai con Hai ra sau vườn nhổ bụi gừng làm nước mắm gừng chấm thịt vịt luộc.
Mùi vị hương quê theo khói bếp phát tán và kích hoạt khứu giác mọi người hưng phấn.
- Tết năm Hợi, tui tính vầy, Giáo Bảy và chú Ba nó, nghe thử coi có đặng hôn?
Tía nói chậm rãi, chừng như có ý “rào trước đón sau”.
Chú Ba vọt miệng:
- Anh Tư thuộc hàng trưởng lão, anh cứ nói, khỏi cần phải dè dặt.
- Tết năm nay, xóm mình bỏ lệ mần heo chia thịt, mà...
- Mà sao anh Tư?
Nôn nóng, chú Ba hỏi chặn.
- Gấp gáp gì, thủng thẳng để anh Tư nói thử nghe, coi sao!
Nhấp trà sen, Giáo Bảy chen lời khuyên chú Ba. Cùng lúc, thằng Năm đi mua rượu về tới, tía rót ba ly rượu đầy, rồi mời Giáo Bảy và chú Ba Thôn nâng ly khai vị nồng cay cuối năm.
Hình như, mưa lâm thâm ngoài trời.
2. Tía Tư kể: “Hôm rằm tháng Chạp, tui lên chùa thắp nhang lạy Phật và qua đình phụ bà con vệ sinh để ngày 25 làng tổ chức Lễ Niêm Ắn nghỉ việc ăn tết.
Trong lúc lui cui dọn dẹp, tình cờ tui lượm được tập sách viết bằng “chữ thánh hiền”; phủi bụi và vội lận lưng, tui đem về nhờ Giáo Bảy đọc giúp, cắt nghĩa”.
Thằng Năm hóng chuyện, nghe tía kể chuyện hấp dẫn và lạ nên nó nhón gót bước ra sau bếp, nói nhỏ với má và chị Hai.
Má Tư và chị Hai rón rén đi lên nhà trên nghe ba ông bạn già trong xóm bàn việc chuẩn bị tết con heo.
Giáo Bảy nối lời tía kể:
- Tập sách viết lẫn lộn hai thứ chữ Hán và Nôm. Giáo tui chỉ tỏ phần chữ Hán, còn phần chữ Nôm thì chẳng tường.
- Trong tập sách viết cái gì vậy, anh giáo?
Chú Ba hỏi.
Tía xoay lưng, trở bộ ngồi. Bất chợt thấy ba má con vểnh tai nghe lén chuyện, bèn giục:
- Mèn đét! Mình với hai đứa nhỏ lo dọn mồi nhậu đi chớ!
Rồi sẵn trớn, tía nói luôn: “Không khéo, thịt vịt xiêm nguội ngắt bây giờ!”.
Hương chiều quyện nắng níu ngày, không biết ba ông lão buồn hay vui? Có điều, cả ba cùng tâm trạng khi Giáo Bảy học lại những ghi chép trong tập sách của người xưa về vùng đất Rạch Heo mà họ đang sinh sống.
Sách chép rằng, thời đàng cựu khẩn hoang lập điền, mỗi vùng đất chiếm hữu cặp song sinh sông nước, như vùng đất Trấn Biên, Gia Định có sông Đồng Nai
- Gia Định (sông Sài Gòn); vùng đất phía Tây Nam thành Phiên An có sông Vàm Cỏ Đông - Vàm Cỏ Tây; vùng đất đại phố Mỹ Tho, Tây sông Hậu có sông Tiền - sông Hậu”.
- Chắc là, chẳng ngẫu nhiên phải không anh giáo?
Chú Ba Thôn hỏi cái điều mà tới bây giờ chú mới nghe lần đầu.
Má Tư sai chị Hai bưng tiếp mồi. Nắng lay lắt thềm cửa!
Giáo Bảy nói trong men rượu chếnh choáng:
- Vùng Rạch Heo, mõm doi đất tợ mõm heo gác mé sông Vàm Cỏ Tây. Nơi đây, trước kia là rừng ngập mặn dày đặc, bạt ngàn và cũng là miền đất hứa của muông thú rừng mà loài heo là chúa đất. Heo không có tập tính sống đơn độc, nó sống bầy đàn và một khi lẻ loi, cũng đồng nghĩa là chết. Vì sống bầy đàn nên nó cần sự đoàn kết, dẫu rằng có đôi lúc hục hặc, nhưng rồi cũng dễ bỏ qua. Đặc biệt, heo không xâm lấn lãnh địa của các loài thú khác, nó tự kiếm ăn bằng cái mũi rất cứng, bằng đôi hàm răng rất chắc và sắc bén. Heo tự lực đào hang trú ẩn, chỉ khi tình thế bí thật bí thì nó mới ở hang bỏ hoang của các loài thú khác.
Nghe Giáo Bảy nói, thằng Năm hiểu ra: “Mũi cứng, răng chắc và sắc, là vì heo phải thích nghi cuộc sống”. Liên hệ tới việc con heo nhà “dùng mũi giũ cột, lấy răng gặm tấm vách ván”, thằng Năm suy nghĩ: “Có lẽ, heo dù bị người thuần hóa, song trong tiềm thức của nó vẫn chưa thể bỏ thói quen giũ, ủi xưa và cũng chưa hề quên nơi chốn cũ. Giây phút thoáng chạnh lòng, heo giũ, ủi để đỡ nhớ thời hoang dã!”.
- Năm! Nghĩ gì, ngồi thần thừ ra đó!
Thằng Năm giựt mình khi nghe tía kêu hỏi.
- Mua thêm rượu cho tía!
- Mấy ông uống gì mà uống dữ vậy? Mai còn mần heo, xẻ thịt chia bà con lối xóm!
Má Tư cản và nhắc nhở. Tía cười, nụ cười bí ẩn.
- Năm! Chạy rút lên quán mua rượu đi con!
Tưởng chuyện Rạch Heo và con heo hết chuyện, nào dè nó rôm rả và lôi cuốn mọi người vào cuộc. Má Tư biểu cảm qua lời nói:
- Con heo nhà tui nó chịu đựng kham khổ, dễ thích nghi, lạc quan và nghe điều phải... Chân cẳng nó chắc, chạy mau lẹ, bơi rất tốt. Hôm nào thiếu ăn, nó bơi qua rạch tự kiếm thức ăn và trầm mình ở bãi lầy sau vườn.
Má Tư nói tiếp:
- Heo không quên nơi ăn chốn ở, đi đâu thì đi nó vẫn nhớ đường về!
Đột nhiên, má Tư trở giọng buồn buồn:
- Nó chỉ còn sống bên tui vỏn vẹn đêm nay, sớm mai, nó chết mà không biết chết. Tội nghiệp!
Hớt hơ hớt hải mang rượu về, thằng Năm hổn hển nói:
- Dì Sáu quán rượu nhắn tía xẻ thịt heo, nhớ dành riêng cho dì bốn móng giò. Ra Giêng, tía uống rượu trừ!
Má Tư dợm đứng dậy, chú Ba Thôn nói:
- Thì, chị nán lại với tụi này cho vui.
Giáo Bảy lên tiếng giữ má Tư.
- Chị Tư! Dù gì thì cũng là chiều cuối năm rồi!
- Anh em có lòng, mình ở lại chơi!
Rồi, tía Tư nói tiếp, giọng cà rỡn:
- Chuyện sớm mai thì cứ để sớm mai và có chắc gì, sớm mai con heo của mình phải chết!?”.
3. - Hai! Con ra sau vườn lựa củi gốc, mai chụm lửa nấu bánh tét.
Má Tư không muốn con gái nghe chuyện cốt heo là lão Trư nên giả lả đuổi khéo chị Hai.
Chị Hai dùng dằng nửa đi nửa ở. Mê nhân vật Trư Bát Giới, hồi nhỏ, mỗi lần đình làng cúng Kỳ yên rước gánh hát bội, hát trích đoạn tuồng Tây du ký là chị không bỏ sót một cữ hát nào.
Biết ý con, má dịu dàng nhắc:
- Thôi, đi đi con!
Chị Hai miễn cưỡng bỏ đi.
Hồi sau, thằng Năm xuống bếp châm trà, tình cờ nó bắt gặp chị Hai đứng lấp ló hóng lén chuyện lão Trư.
Má Tư thuộc lòng, nói vanh vách:
- Cái tên Trư Bát Giới là do Đường Tăng đặt cho, bởi dung mạo chẳng khác heo. Nhưng mà,...
- Nhưng mà, sao hả chị Tư?
Chú Ba Thôn gắp cánh vịt chưa kịp nhai, đã hỏi.
- Nhưng mà, xung quanh nhân vật này ít người biết tích dịch tuồng rất bất ngờ, nghe và coi thiệt đã!
Thấy má Tư đang cao trào hứng khởi, tía mồi chuyện:
- Thiệt đã là đã sao? Mình nói nghe chơi!
- Thiệt đã ở chỗ tui khoái Bát Giới xuất thân nông dân nòi, có tên cúng cơm hàm nghĩa “Con heo đi săn trên gò” là Trư Cương Liệp, chớ không thích xuất thân theo huyền thoại Thiên Bồng Nguyên Soái được Thượng đế “tha chết đánh cho hai nghìn chùy... phóng sinh đuổi khỏi chốn thiên cung...” chỉ vì say rượu, trêu cợt Hằng Nga tại hội Bàn đào. Cô thôn nữ Thúy Lan - một trong ba người con gái của vợ chồng Cao Lão Thái - là vợ chàng Trư và nàng được chồng cưng - cưng tới mức “thân nàng mình mặc áo gấm, tay đeo xuyến vàng, bốn mùa có hoa quả hưởng dụng, tám tiết thừa rau dưa nấu nướng...”. Đó chính là bản chất chàng Trư, và cũng là bản chất đích thực loài heo. Như ông nhà tui, chắc chi đã mần được!
- Mình mượn chuyện heo xỏ xiên chồng!
Tía vỗ vỗ vai má, rồi cười xòa.
- Mời hai đệ cạn ly mừng vợ tui nhớ chuyện tài tình!
Giáo Bảy giục:
- Nói tiếp nữa đi chị Tư!
- Dù theo Đường Tăng trên đường thiên lý đi Tây Thiên thỉnh kinh, lòng Trư vẫn trĩu nặng gia đình. Trư đã căn dặn cha vợ “trông nom nhà con cẩn thận, hễ lấy không được kinh, con lại hoàn tục về nhà làm ăn như trước...”; Trư luôn mang bên mình cái bồ cào chín răng (đinh ba), nông cụ nhà nông mà cả đời Trư coi đó là báu vật.
Mắt tía thoáng buồn xa xăm: “Ở xóm Rạch Heo hơn năm mươi năm, mình còn kém xa tấm lòng chàng Trư đối với cái bồ cào!”.
Ngà ngà say, Giáo Bảy và chú Ba Thôn chẳng biết mình say vì rượu hay vì câu chuyện Trư Bát Giới.
Tía nói:
- Tốt xấu, Trư đều có đủ và lắm khi, người đời cố tô đậm thêm sự thêu dệt. Trư biểu tượng đậm đặc bản năng và đậm đặc chất Người, mà người chưa chắc đã bì kịp!
Có lẽ, lời tán thán đã đủ liều khiến Giáo Bảy, chú Ba Thôn tỉnh giấc mơ hồ say. Chú Ba Thôn sực nhớ từ đầu trước lúc uống rượu, anh Tư nói: “Tết năm nay, xóm mình bỏ lệ mần heo chia thịt, mà...”. Giờ thì, chú Ba hiểu lờ mờ chuyện sắp xảy ra, tuy nhỏ nhưng nó vượt quá sức tưởng tượng: Phá bỏ lệ mần heo chia thịt ăn tết đã có từ bao đời tại xóm Rạch Heo!
Nghiêm túc, chú Ba Thôn hỏi:
- Anh Tư! Có phải anh định bàn và đi đến đồng thuận xóa bỏ thông lệ mần heo chia thịt ăn tết?
Tía Tư chậm rãi phân bua:
- Tui vẫn biết: “Con gà cục tác lá chanh/ Con heo ủn ỉn mua hành cho tôi”, nó thể hiện thịt heo là loại thực phẩm thông dụng và còn là biểu tượng sự khá giả của người dùng. Thông lệ, xóm Rạch Heo mần heo chia thịt ăn tết có từ khi nào thì tui không biết, nhưng chắc là cũng đã có cả trăm năm. Giờ đột ngột ngưng lệ cũ, không phải một sớm một chiều mà bà con trong xóm dễ dàng thuận lòng!
- Tui thuận lòng!
Hai tiếng “thuận lòng” của má Tư âm vang dội chiều, con heo nhà đang nằm vũng vọc lầy vụt đứng dậy - không rõ nó giật mình, hay vì mừng quá trớn mừng!?
- Chồng tung vợ hứng, thiệt là đồng điệu!
Giáo Bảy vừa nói, vừa cười trộ, chú Ba Thôn ôm bụng cười lăn.
- Biết một mình không gánh xuể chuyện lớn này, nên tui cậy nhờ tới hai đệ cùng gánh.
- Không ngẫu nhiên đất mang tên loài động vật - loài động vật đó lại là heo. Heo ra sao thì chị Tư, người trực tiếp nuôi dưỡng đã nói rõ ràng rồi; chẳng lẽ giết heo, xẻ thịt chia nhau ăn tết trên mảnh đất mang tên Heo mà mình đang sống an lành!
Bâng khuâng, chú Ba bày tỏ nỗi lòng.
Không gian trầm lắng, căn nhà trở nên rộng thênh thang.
Heo cất tiếng kêu...
Đứng dậy, Giáo Bảy nói dứt khoát:
- Không riêng tết năm nay, từ đây trở về sau, xóm Rạch Heo không mần heo chia thịt ăn tết!
- Tui thuận lòng và lòng thuận theo ý Giáo Bảy!
Tía Tư bước tới, siết chặt tay chú Ba Thôn và Giáo Bảy.
Rượu tàn. Xóm Rạch Heo chiều cuối năm rộn ràng tiếng heo kêu!
Lê Kim Phượng