Tại nơi ông Nguyễn Trung Trực thọ hình có trải một tấm chiếu bông hoa văn rực rỡ, chính giữa là chữ thọ rất lớn
Nguyễn Trung Trực và làng chiếu Tà Niên
Nguyễn Trung Trực là thủ lĩnh nghĩa quân trong phong trào vũ trang kháng chiến chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX. Ông quê ở thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Thượng, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Trong sự nghiệp kháng chiến chống ngoại xâm của mình, ông đã lập nên hai chiến công hiển hách mà nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt đã tóm tắt bằng 2 câu thơ:
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.
Sau khi hạ thành Kiên Giang, Nguyễn Trung Trực ra đảo Phú Quốc lập căn cứ để tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Kẻ thù đã tập trung lực lượng bao vây căn cứ và bắt được ông vào cuối tháng 9/1868. Ông đã khước từ “miếng mồi” danh lợi mà thực dân Pháp đã đưa ra và bình thản nhận án tử hình vào ngày 27/10/1868. Ngày ông ra pháp trường, đồng bào Tà Niên, nơi có nghề dệt chiếu cổ truyền đã dệt gấp hàng trăm đôi chiếu bông có hoa văn chữ thọ để trải trên đường đi của ông.
Theo tục lệ ngày xưa, trên đường vua đi mới trải chiếu. Ở đây, lòng kính trọng của nhân dân đã vượt khỏi thường tình của tục lệ. Nhân dân muốn tiễn đưa người anh hùng, muốn thân thể và những bước đi cuối cùng của ông được ghi dấu trên chiếc chiếu lác quê nhà. Tại nơi ông thọ hình cũng trải một đôi chiếu bông có hoa văn rực rỡ, chính giữa là một chữ thọ rất lớn. Tấm chiếu này cũng được liệm theo xác của ông. Chữ thọ trên tấm chiếu cũng chứa đựng quan điểm nhân sinh độc đáo của nhân dân ta. Tuy ông sắp ra đi nhưng nhân dân vẫn tặng ông chữ thọ, bởi lẽ, danh thơm của ông sẽ ngàn năm trường thọ với non sông. Nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt cũng đã khẳng định ý nghĩa nhân sinh nói trên qua hai câu kết trong bài Điếu Nguyễn Trung Trực:
Anh hùng cương cảnh phương danh thọ
Tu sát đê đầu vị tử nhân.
Trên tấm chiếu quê hương, Nguyễn Trung Trực đã đi vào thiên cổ và để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng nhân dân
Đình Tân Xuân - nơi thờ linh vị ông Đỗ Tường Tự
Đôi chiếu Thuận Lễ và gương hy sinh oanh liệt của ông Đỗ Tường Tự
Ông Đỗ Tường Tự là người con thứ 3 trong một gia đình giàu có ở làng Dương Xuân (nay thuộc xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Song thân của ông là ông Đỗ Tường Kiên và bà Huỳnh Thị Đức, một trong những người đầu tiên có công khai phá vùng đất Tầm Vu, Dương Xuân Hội thuộc huyện Châu Thành ngày nay. Ngôi nhà 36 cửa của ông Đỗ Tường Kiên (tọa lạc tại xã Long Trì, huyện Châu Thành) từng là trung tâm liên lạc phong trào vũ trang kháng Pháp do Thủ khoa Huân lãnh đạo. Khi 2 ông trưởng thành thì thực dân Pháp đã đem quân xâm chiếm khắp lục tỉnh Nam kỳ.
Năm 1874, ông Đỗ Tường Tự đang làm Hương thân làng Dương Xuân đã gia nhập vào hàng ngũ kháng chiến dưới quyền chỉ huy của Thủ khoa Huân. Tháng 9/1874, Pháp huy động lực lượng mạnh do Trần Bá Lộc chỉ huy tấn công vào căn cứ Bình Cách. Đến tháng 4/1875, Pháp bắt được Thủ khoa Huân và đem xử chém tại làng Tịnh Hà, Chợ Gạo. Trước tình thế ấy, ông Đỗ Tường Tự cùng anh là Đỗ Tường Phong đã quyết tâm tiếp nối ngọn cờ khởi nghĩa của Thủ khoa Huân. Hai ông đã tập hợp những nghĩa quân đang phiêu tán trong vùng và chiêu mộ những người yêu nước khắp nơi tới ứng nghĩa. Nghĩa quân tụ họp ngày càng đông, 2 ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự quyết định chọn vùng Long Trì, Bình Cách làm căn cứ khởi nghĩa.
Giặc Pháp biết việc này nên đã bắt giam và tra tấn ông Đỗ Tường Kiên đến nỗi ông phải mang bệnh mà chết. Chúng còn cho đốt nhà 36 cửa, cắt gân ông Đỗ Tường Soạn để ép buộc 2 ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự phải ra đầu thú. Nhưng cả gia đình họ Đỗ đã kiên quyết ủng hộ 2 ông đứng lên khởi nghĩa. Sang năm Mậu Dần 1878, sau khi chuẩn bị mọi điều kiện về vũ khí, lương thực, đạn dược, 2 ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự làm lễ xuất quân ở ruộng Cây Keo (nay thuộc ấp Vĩnh Xuân, xã Dương Xuân Hội) rồi tiến đánh đồn Bình Cách.
Sau đó nghĩa quân về căn cứ Long Trì - Bình Cách và tập kích các đồn Pháp trong vùng. Giặc Pháp bèn đem lực lượng đến đàn áp nghĩa quân. Do lực lượng có hạn, chiến đấu đơn độc không có lực lượng tiếp ứng, lại bị bọn gian thương bán súng giả,... nên nghĩa quân thất bại. Nhiều nghĩa quân bị Pháp bắt, chém đầu, chôn chung trên một gò đất ở Vĩnh Xuân mà hiện nay nhân dân vẫn gọi là Gò Trăm Đầu. Thất trận, ông Đỗ Tường Tự lánh về Phú Hòa (nay là xã Trung Hòa, tỉnhTiền Giang), đến ngày 23/4 năm Mậu Dần (1878), ông bị Pháp bắt giải về làng Dương Xuân. Bọn giặc ra sức dụ hàng ông, chúng hứa sẽ cho ông lãnh chức Tổng trấn Tân An - Mỹ Tho nhưng ông đã khảng khái chối từ.
Ba hôm sau, ngày 26/4, Pháp đem ông đến đình làng Dương Xuân xử tử. Hương chức và dân làng đều cảm phục Đỗ Tường Tự. Họ kéo nhau đến chợ Tầm Vu thật đông đảo để tiễn ông. Mẹ ông và vợ con ông đã bày sẵn một mâm cơm để tế sống ông. Bà Châu Thị Đạt - vợ ông Đỗ Tường Tự, người làng Thuận Lễ, nơi có nghề dệt chiếu từ lâu đời ở phủ Tân An, đã mang theo một đôi chiếu đến tận pháp trường. Ông Đỗ Tường Tự đầu bịt khăn tang, quỳ trên đôi chiếu lạy mẹ mình là bà Huỳnh Thị Đức, rồi hướng về Thuận Lễ lạy mẹ vợ. Vợ và 3 người con của ông cũng quỳ lạy ông mỗi người 4 lạy. Sau đó, ông bồng 2 người con trai là Đỗ Tường Hiệu và Đỗ Tường Tị lên đùi và dặn rằng:
“Ta còn sống thì đánh Pháp đến cùng, đến chết mới thôi. Ta cấm con cháu không đứa nào được ăn cơm của Tây. Phần ta thì chết đâu chôn đó, khỏi xây mồ mả gì cả”.
Sau cùng, ông rót rượu cảm ơn bà con và hương chức đã đến tiễn đưa, rồi ung dung để cho giặc đưa ra pháp trường ở phía sau đình Dương Xuân. Khi bọn Pháp bịt mắt ông chuẩn bị bắn, ông nói:
“Đừng bịt mắt, hãy để ta thấy súng Tây trước khi chết”.
Sau khi ông mất, bà con chợ Tầm Vu góp tiền tặng ông một cỗ quan tài tốt. Đôi chiếu Thuận Lễ mà vợ ông mang đến được dùng để tẩn liệm ông. Theo di huấn, mọi người mai táng ông bên con đường mòn cạnh pháp trường phía sau đình Dương Xuân. Người cận vệ của ông vốn là dân tộc thiểu số, mọi người thường gọi là ông Mọi, vì quá tiếc thương chủ tướng nên xin được chết theo cho trọn nghĩa. Giặc Pháp bèn bắn luôn người nghĩa sĩ vô danh này và chôn bên cạnh mộ ông Đỗ Tường Tự.
Tương truyền, sau khi qua đời, Đỗ Tường Tự vẫn thường hiển linh cho người dân quanh chợ Tầm Vu thấy nên mọi người đã xây một ngôi miếu nhỏ để thờ ông. Qua sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, ngôi miếu này hiện nay không còn nữa. Người dân đã đem linh vị của ông Đỗ Tường Tự vào thờ trong đình Tân Xuân. Mộ phần của ông Đỗ Tường Phong và người cận vệ chỉ là ngôi mộ đất nằm cạnh con đường nhỏ phía sau đình. Năm 1994, UBND tỉnh Long An đã xây lại mộ ông Đỗ Tường Tự bằng xi măng. Hiện nay, đình Dương Xuân và mộ ông Đỗ Tường Tự đã được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa./.
Nguyễn Văn Thiện