Tiếng Việt | English

03/02/2024 - 09:20

Cho tôi một vé về với tết xưa!

Những ngày cận tết, rộn ràng khắp phố phường, từ đường lớn đến các hẻm nhỏ, người người, nhà nhà háo hức đón xuân, riêng tôi lại xôn xao nhớ về những ngày tết xưa.

Ảnh: Internet

Quê hương tôi yên bình và giản dị với những mái ngói nâu cam, góc sân lát gạch tàu phủ rêu xanh cổ kính và những ngôi nhà lợp mái lá, vách bồ bồ hay vách đất sét pha rơm. Ký ức tuổi thơ của tôi là chuỗi ngày hồn nhiên, vui tươi.

Tôi lớn lên cùng các trò chơi dân gian và nồi bánh tét của ông bà mỗi dịp tết đến. Vì thế, dù đã lớn khôn nhưng mỗi khi xuân về, tôi lại nôn nao, mong chờ để được về quê đón tết cùng những người thân yêu, cùng quây quần bên nồi bánh tét như những ngày tết thời ấu thơ.

Ở quê tôi, độ chừng nửa tháng trước tết, mọi người sẽ tuốt lá mai. Rồi cuối Chạp, mỗi người một việc để cùng lo tết. Ba phụ trách quét vôi, sửa sang lại căn nhà, anh trai chùi lư đồng. Mẹ và chị trang trí nhà cửa, chưng mâm ngũ quả. Mọi chuyện xong xuôi, cả nhà chuẩn bị gói bánh tét cúng giao thừa.

Người cắt, chẻ dây lạt, phơi lá chuối và lau sạch chuẩn bị cho mẻ bánh đêm giao thừa. Những đòn bánh tét vuông, dài sắp vào nồi, ba nhóm bếp bắc nồi bánh lên rồi giao cho những đứa trẻ trong nhà canh lửa. Chị em chúng tôi cùng ngồi quanh bếp lửa chơi trò hát nối đuôi nhau, chán rồi thì đổi sang chơi ô ăn quan, nhảy dây, cò cò, banh đũa, bắn bi,…

Mấy ngày này, mẹ đi chợ tết, mua ít rau, củ, hành hoa, bánh, mứt. Còn tôi, mỗi lần theo mẹ đi chợ tết chỉ mải miết nhìn vào những đôi dép, những xấp vải mới, rồi kéo áo mẹ: “ Mẹ ơi, mẹ ơi,...”. Thời gian dần trôi nhưng cảm giác nôn nao, háo hức khi được may quần áo mới vẫn vẹn nguyên.

Hồi đó, từ ngày được mẹ dẫn qua cô Tư đo may quần áo mới, trở về nhà, tôi lại mong chờ, hồi hộp không biết mình mặc vào có đẹp không. Áo mới chưa được mặc ngay, chờ đến chiều tối 30 tết, đón giao thừa mới được diện lên người. Cuộc sống khi đó còn khó khăn, hầu như mỗi năm chỉ được may áo mới một lần vào dịp tết.

Tuổi thơ của tôi trôi qua bình yên và đáng nhớ như thế. Giờ đây, cuộc sống đầy đủ hơn, xã hội phát triển từng ngày, bọn trẻ con cũng không đón Tết Cổ truyền trọn vẹn như ngày xưa. Làm sao các em tìm được cảm giác nôn nao đợi chờ một chiếc áo mới hay những gói kẹo, bánh mứt ngày tết. Vì vậy, khi điều kiện sống đã khá hơn xưa, các em hãy trân trọng những cái tết ấm cúng, sum vầy bên gia đình. Đó là khoảnh khắc thiêng liêng, đẹp đẽ nhất!./.

Thảo An

Chia sẻ bài viết