Tiếng Việt | English

18/03/2019 - 15:34

Chủ động phòng, chống cháy rừng

Bước vào mùa khô năm 2019, thời tiết diễn biến bất thường, phức tạp hơn so với năm 2018. Không khí khô hanh là “chất xúc tác” dễ gây ra cháy rừng, vì thế công tác chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đang được tỉnh Long An tập trung thực hiện.

Nguy cơ cháy cao

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm - Đỗ Văn La, năm nay, Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ dự báo mùa khô đến sớm, kéo dài và gay gắt hơn những năm trước. Với đặc thù địa bàn tỉnh có nhiều diện tích rừng và rừng trồng mới vẫn chưa khép tán, do đó, nguy cơ cháy càng cao hơn. Qua thống kê sơ bộ, đến nay, toàn tỉnh có 28.542,9ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng, trong đó, diện tích đất có rừng là 22.562,1ha (rừng sản xuất 18.570,3ha; rừng đặc dụng 1.961,4ha; rừng phòng hộ 2.030,4ha). 

Chi cục Kiểm lâm kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường - Võ Phước Tường cho biết: “Hiện nay, phần lớn diện tích rừng của địa phương là rừng trồng, nhiều khu vực giáp ranh dân cư, đường đi, ruộng của người dân; nhiều khu vực có lớp thực bì dày, chủ yếu là cỏ tranh dễ bắt lửa nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao”. Theo Phó Giám đốc Khu du lịch Cánh đồng bất tận thuộc Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa) - Dương Văn Toản, với những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết năm nay, Ban Quản lý Khu du lịch đang khẩn trương triển khai công tác PCCCR. Hiện khu rừng có diện tích khoảng 1.041ha, trong đó có hơn 800ha rừng nguyên sinh. Hệ sinh thái đặc trưng nơi đây vô cùng đa dạng với nhiều cây dược liệu quý: Cây tràm gió nguyên sinh và một số cây khác như tràm trà, bạch đàn chanh,... Hiện dân cư sống quanh khu bảo tồn nên việc sử dụng lửa vẫn diễn ra, chỉ cần bất cẩn trong việc sử dụng lửa sẽ dẫn đến nguy cơ cháy rừng. Lâm phận của khu bảo tồn rất lớn, địa hình phức tạp, mùa nắng nóng kéo dài trong khi nhân lực, phương tiện PCCCR vẫn còn hạn chế nên sẽ rất chủ động công tác PCCCR trong mùa khô”. Tại Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, ông Lê Minh Trí - Trợ lý Giám đốc, chia sẻ: “Khu du lịch quy hoạch có tổng diện tích 135ha, trong đó có khoảng 90ha rừng. Trước điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn phức tạp dễ gây nguy cơ cháy rừng. Ban Quản lý Khu du lịch chủ động phối hợp các địa phương tuần tra, kiểm soát diện tích rừng, thành lập các tổ trực 24/24 và trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy”.

Trước tình hình trên, ông Võ Phước Tường cho biết: “Ban Chỉ huy PCCCR huyện đã kiểm tra các diện tích rừng có nguy cơ cháy cao nhằm hướng dẫn các chủ rừng về công tác vệ sinh, chăm sóc rừng trồng và mang các vật liệu dễ cháy ra khỏi phạm vi rừng; hướng dẫn UBND các địa phương có rừng phối hợp đơn vị chủ rừng Nhà nước quản lý, chỉ đạo sát sao lực lượng canh coi cửa rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát những người đi lại, sinh hoạt trong rừng nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng; cảnh giới cao việc sử dụng lửa trong mùa khô; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến đông đảo người dân, từ đó tổ chức cho các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn ký cam kết bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư. Từ đầu mùa khô đến nay, do làm tốt công tác rà soát, kiểm tra một cách chặt chẽ nên trên địa bàn huyện chưa xảy ra vụ cháy rừng nào”.

Chủ động phòng cháy

Qua trao đổi với hạt kiểm lâm các địa phương, đơn vị chủ rừng Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh thì tất cả đều có chung nhận định, mùa khô 2019 sẽ gay gắt hơn nhiều so với năm 2018. Vì thế, ngay từ đầu năm, song song với việc tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn nạn phá rừng, các địa phương, đơn vị tiến hành rà soát, nhận định nguy cơ cháy rừng, những khu vực trọng điểm và khẩn trương triển khai công tác PCCCR.

Chi cục Kiểm lâm kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh

Ông Đỗ Văn La cho biết: “Trước tình hình trên, chi cục ban hành văn bản đôn đốc các hạt kiểm lâm địa bàn xây dựng các phương án PCCCR tại cơ sở; đồng thời, kiểm tra các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy để thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ) trong trường hợp có cháy rừng xảy ra. Đến nay, tỉnh củng cố, kiện toàn 71 ban chỉ đạo (BCĐ) có 917 thành viên, trong đó: Cấp tỉnh có 1 BCĐ với 11 thành viên; cấp huyện, thị xã có 8 BCĐ với 114 thành viên; cấp xã có 49 BCĐ với 706 thành viên; tổ chức, doanh nghiệp (chủ rừng) có 13 BCĐ với 86 thành viên và 188 tổ, đội bảo vệ rừng và PCCCR với 2.263 thành viên. Công tác PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm của BCĐ các cấp trong suốt mùa khô. Hiện toàn tỉnh có 66 máy chữa cháy chuyên dụng với 1.659 cuộn vòi chữa cháy, trong đó: Lực lượng kiểm lâm có 17 máy với 401 cuộn vòi chữa cháy; công an có 9 máy với 88 cuộn vòi chữa cháy; quân đội có 11 máy với 286 cuộn vòi chữa cháy; UBND các xã, huyện, thị xã có rừng có 5 máy với 279 cuộn vòi chữa cháy; các chủ rừng có 24 máy với 605 cuộn vòi chữa cháy và một số phương tiện dụng cụ PCCCR khác như máy bơm, máy ủi, thùng tưới nước, bình xịt, xuồng máy,... đáp ứng kịp thời khi có sự cố cháy rừng xảy ra.

Các công trình bảo vệ rừng và PCCCR, hiện toàn tỉnh có 36 tháp canh lửa, 3.656km kênh nội đồng giữ nước, 54 biển báo cấm lửa, 63 bảng tuyên truyền về bảo vệ rừng và PCCCR tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao,... Bên cạnh đó, chi cục tuyên truyền, vận động người dân sinh sống trong khu vực xung quanh rừng thực hiện ký cam kết trách nhiệm bảo vệ rừng và PCCCR; tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng nhằm rút ngắn chu kỳ sản xuất, kinh doanh, hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết