Tiếng Việt | English

15/09/2016 - 05:01

Chủ tịch Quốc hội: Tại sao Luật Đấu giá tài sản có đặc ân với VAMC?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Luật Đấu giá tài sản có điều khoản quy định một doanh nghiệp mới được thành lập hưởng “đặc ân” là vô lý.

Báo cáo giải trình về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu giá tài sản tại phiên họp thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 14/9, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định 1 chương về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó quy định đầy đủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý nợ xấu nhằm bảo đảm tính minh bạch.

Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định về đấu giá nợ xấu vì cho rằng việc quy định cụ thể ngay trong Luật là không phù hợp, không đảm bảo sự linh hoạt.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhằm tạo điều kiện cho việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sử dụng nguồn tiền có nguồn gốc ngân sách để mua được thực hiện theo trình tự, thủ tục thuận lợi, phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật đấu giá tài sản, nội dung về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được quy định mang tính nguyên tắc tại một số điều, khoản trong Luật và giao Chính phủ hướng dẫn về trình tự, thủ tục đấu giá đối với loại tài sản này.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn với quy định này: “VAMC mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nói mua nhưng hạch toán hết, chứ không có tiền để mua. Nợ “treo” ở chỗ này. Tức là giảm nợ xấu của ngân hàng A, ngân hàng B, ngân hàng C, nhưng cuối cùng phần giảm đó đem về để ở VAMC. Ông này còn chưa bán được. Bây giờ giao cho ông này từ đi đấu giá, tôi thấy không bảo đảm tính minh bạch, không rõ ràng. Cân nhắc điều này”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng băn khoăn về quy định cho phép Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam tự đấu giá hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty đã mua, bởi là tài sản nhà nước nhưng lại cho công ty này lựa chọn là không ổn.

“Giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua cũng không yên tâm, mà quy định vào luật cũng chưa yên tâm. Vì VAMC là mô hình mới, kể cả trên thế giới, tính hiệu quả cũng chưa được đánh giá, tổng kết nên giờ đưa vào luật cần cân nhắc” – ông Chiến nêu ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội cũng phân tích thêm, Luật về đấu giá tài sản nhưng lại có điều quy định một doanh nghiệp mới được thành lập được hưởng quy định này thì vô lý. Đến khi hết nợ xấu rồi thì nó còn tồn tại không mà lại đưa vào một điều luật? Các khoản tài sản đấu giá, trong đó có nợ xấu của các tổ chức tài sản chứ không đưa tên tổ chức đó vào.

“Tại sao lại có một đặc ân giao cho một doanh nghiệp mới thành lập gần đây, mà như anh Chiến nói là chưa đánh giá được có hiệu quả hay không. Mà nợ xấu còn “treo” ở đó. Đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu thêm điều này, để khi ở tầm luật rồi thì tất cả các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng thì áp dụng chứ không phải có một đặc ân ở đây”.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị cân nhắc việc luật hoá mô hình VAMC. Ngoài ra, tại Quốc hội khoá XIV cũng cần báo cáo việc giải quyết nợ xấu đến đâu.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, vừa qua nợ xấu nổi lên như tình trạng tức thời của nền kinh tế. Chính phủ có Nghị định về tổ chức thành lập VAMC, còn Bộ Tư pháp có Thông tư hướng dẫn về bán đấu giá tài sản. Theo đó, VAMC được trao một số đặc thù.

“Nếu quy định đầy đủ việc bán đấu giá nợ xấu vào luật thì khá khó về mặt kỹ thuật. Sau khi bàn với Uỷ ban Kinh tế thì có quy định ở điều 54 đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua.

Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến và sẽ nghiên cứu, nhất là ý kiến cho rằng cần tổng kết mô hình, chưa chắc chắn thì chưa nên quy định, đặc biệt trong bối cảnh coi nợ xấu là bất thường” – Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Chia sẻ bài viết