Tiếng Việt | English

11/03/2024 - 07:37

Chuyển biến tích cực trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tỉnh xây dựng kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) phù hợp, sát thực tế, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác này, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.

Huyện Đức Hòa đang thực hiện giải phóng mặt bằng 110 dự án (Trong ảnh: Khu công nghiệp Hựu Thạnh đã bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 510ha)

Chuyển biến tích cực

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Nguyễn Văn Thông, thực hiện Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh xác định công tác bồi thường, GPMB là công tác quan trọng đầu tiên để phát triển KT-XH. Nhiều công trình, dự án (DA) thu hồi đất được thực hiện, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bộc lộ những hạn chế nhất định. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành NQ số 25-NQ/TU, ngày 04/11/2021 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là NQ25).

Để triển khai hiệu quả NQ25, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch để thực hiện, trong đó, UBND tỉnh phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, địa phương và thời gian hoàn thành để làm cơ sở kiểm tra, theo dõi việc tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT ban hành NQ chuyên đề về lãnh đạo công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ và TĐC nhằm nâng cao nhận thức của đảng viên, quần chúng trong đơn vị. Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy đã đưa nội dung NQ25 vào NQ của Đảng bộ để có sự tập trung quán triệt, lãnh đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ trong hệ thống chính trị; xây dựng kế hoạch thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách theo từng DA, từng địa bàn.

Đồng thời, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tham gia, phối hợp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân có đất bị thu hồi, bảo đảm tính chặt chẽ, đồng bộ và xem công tác bồi thường, GPMB là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, công tác bồi thường, GPMB đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua, trong năm 2023 đạt được kết quả quan trọng.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên làm việc, kiểm tra thực tế về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đôn đốc về tiến độ, sớm đưa dự án vào hoạt động (Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm (thứ 3, trái qua) cùng lãnh đạo sở, ngành kiểm tra thực tế dự án tại huyện Bến Lức)

Huyện Đức Hòa đang thực hiện GPMB 110 DA, tổng diện tích thu hồi hơn 7.000ha, số hộ bị ảnh hưởng 23.134 hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, có 5 DA triển khai mới với tổng số 1.473 hộ, diện tích 562,71ha; 7 DA chưa triển khai, thực hiện với diện tích 332,99ha, số hộ bị ảnh hưởng gần 900 hộ; 98 DA chuyển tiếp, số hộ bị ảnh hưởng là 20.790 hộ, diện tích 6.120,31ha (đã hoàn thành 4 DA, diện tích 16,98ha, 25 hộ; 12 DA đã có thông báo chấm dứt hoạt động, diện tích 136,03ha, số hộ 1.026 hộ; 82 DA đang tiếp tục thực hiện với tổng diện tích 5.967,3ha, tổng số hộ bị ảnh hưởng 19.739 hộ gia đình, cá nhân).

Theo Tổng Giám đốc Công ty (Cty) IDICO (chủ đầu tư Khu công nghiệp Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa) - Đặng Chính Trung, về đầu tư tại địa bàn, Cty được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi. Huyện kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để Cty triển khai, thực hiện bồi thường, GPMB. Đến nay, khu đã GPMB với diện tích khoảng 510ha; đầu tư hoàn thiện hạ tầng và tiếp nhận các nhà đầu tư thứ cấp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trương Minh Hoàng cho biết: “Huyện nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo kịp thời cùng với sự phối kết hợp tốt từ các ban, ngành huyện và chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác bồi thường, GPMB, tháo gỡ khó khăn các DA. Năm 2023, huyện tập trung bồi thường, GPMB các công trình, DA trọng điểm để tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển như Đường tỉnh (ĐT) 823D, ĐT822B,... Tuy nhiên, hiện nay, công tác bồi thường, GPMB vẫn còn những tồn tại, vướng mắc nhất định. Huyện sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người dân trong vùng DA; phối hợp chặt chẽ các sở, ngành tỉnh để tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh, góp phần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB”.

Thực hiện NQ25, huyện Bến Lức chi trả bồi thường 19 DA với tổng diện tích 647,11ha, số tiền 6.882,676 tỉ đồng cho gần 2.500 hộ dân; trong đó có 10 DA vốn ngân sách nhà nước và 9 dự án vốn ngoài ngân sách nhà nước. Năm 2023, huyện đã chi trả bồi thường, hỗ trợ cho 15 DA, tổng diện tích 548,38ha với số tiền 4.891,4 tỉ đồng cho 1.429 hộ dân.

Công tác GPMB tại các DA trên địa bàn huyện được thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách, người dân đồng thuận cao, bảo đảm đúng tiến độ. Ông Đoàn Văn Tre (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 3.800m2 đất trong DA GPMB tạo quỹ đất sạch để bố trí TĐC ĐT830E và phát triển đô thị. Qua sự tuyên truyền, vận động của địa phương, gia đình tôi hiểu được tầm quan trọng của DA nên đồng thuận, bàn giao mặt bằng. Các chính sách hỗ trợ, bồi thường được các cấp triển khai nhanh chóng, tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Tôi mong rằng, địa phương nhanh chóng triển khai, thực hiện DA, tránh lãng phí tài nguyên đất đai.

Từ khi Tỉnh ủy ban hành NQ25, ngày 04/11/2021, đến ngày 08/3/2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã chi trả bồi thường được gần 1.900ha đất.

Tập trung các dự án, công trình trọng điểm

Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út, năm 2023, huyện GPMB trên 548/400ha, đạt 137% kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, công tác này vẫn còn những vướng mắc liên quan đến việc kê biên, kiểm đếm đất và tài sản trên đất; xây dựng đơn giá bồi thường thiệt hại về đất, tài sản trên đất; bố trí TĐC;... Huyện cũng đã báo cáo đề xuất cấp trên có hướng tháo gỡ phù hợp. Năm 2024, huyện tập trung một số nhiệm vụ để hoàn thành chỉ tiêu đất sạch của các DA. Trong đó, huyện tập trung toàn lực cho công tác vận động người dân nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng để thi công các DA: Đường Vành đai 3 TP.HCM (đoạn qua địa bàn tỉnh), GPMB ĐT830E và tạo quỹ đất sạch 100ha ở xã Thanh Phú. Đặc biệt, huyện ưu tiên hoàn thành công tác GPMB và đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu TĐC 18ha trong DA tạo quỹ đất sạch 100ha ở xã Thanh Phú để có nền bố trí TĐC cho người dân.

Huyện Bến Lức tập trung toàn lực cho công tác vận động người dân nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng để thi công các dự án, công trình trọng điểm (Trong ảnh: Người dân làm thủ tục nhận tiền bồi thường, hỗ trợ thuộc dự án giải phóng mặt bằng Đường tỉnh 830E và dự án tạo quỹ đất sạch 100ha ở xã Thanh Phú, huyện Bến Lức)

Huyện Bến Lức yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết nguồn vốn để kịp thời chi trả cho người dân khi người dân đăng ký nhận tiền bồi thường và đầu tư hoàn chỉnh các khu TĐC để bố trí cho người dân theo quy định. Chính quyền địa phương và các ngành huyện tập trung công tác tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền bàn giao mặt bằng tại các DA đang triển khai và các DA còn dở dang; củng cố hồ sơ để cưỡng chế thu hồi đất bắt buộc đối với các trường hợp đã vận động nhiều lần nhưng vẫn không đồng ý nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng, nhất là đối với các DA trọng điểm và các DA tồn đọng kéo dài.

Đối với các DA mới triển khai trong năm 2024, huyện Bến Lức hoàn thành các công tác thông báo thu hồi đất, lập hồ sơ kê biên kiểm đếm và xây dựng đơn giá bồi thường từ quí I-2024, để sớm phê duyệt phương án và tổ chức chi trả bồi thường hoàn thành theo kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Thông thông tin: Để thực hiện hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, Sở phối hợp các sở, ngành, UBND cấp huyện tập trung tham mưu đề xuất xây dựng kế hoạch bồi thường GPMB, TĐC trên địa bàn tỉnh năm 2024 phù hợp, sát với thực tế, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, Sở đề xuất tập trung công tác bồi thường, GPMB các DA trọng tâm, trọng điểm như các DA đầu tư công (đường Vành đai 3 TP.HCM, ĐT823D, ĐT830E, ĐT822B và các DA công trình trọng điểm của đại hội đảng bộ cấp huyện), chuẩn bị các thủ tục để tiến hành bồi thường DA đường Vành đai 4, ĐT827E; tập trung chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống khi thực hiện phân giới, cắm mốc; tháo gỡ vướng mắc đối với những DA tồn đọng kéo dài; hoàn thành các thủ tục để bồi thường các DA đã lựa chọn được nhà đầu tư;...

Mặt khác, Sở tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB 2 DA tạo quỹ đất sạch (GPMB tạo quỹ đất sạch để bố trí TĐC ĐT830E và phát triển khu đô thị; GPMB tạo quỹ đất sạch cặp ĐT826D (đoạn từ Vành đai 4 đến Rạch Dừa) để phát triển đô thị trên địa bàn xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc), phấn đấu trong năm 2024 hoàn thành, đấu giá quyền sử dụng đất đối với 2 DA trên.

“Sở tham mưu chấn chỉnh lại công tác định giá đất theo hướng: Có quy trình thống nhất và rút ngắn thời gian xác định giá đất; định giá đất bảo đảm theo giá thị trường của loại đất được công nhận, không theo quy hoạch, không để xảy ra tình trạng thu thập thông tin giá đất theo giá “ảo” của các đối tượng đầu cơ đất đai; công tác thẩm định giá phải tính trên mặt bằng chung của điều kiện phát triển KT-XH và tiếp nhận đầu tư của tỉnh” - ông Nguyễn Văn Thông thông tin thêm./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết