Tiếng Việt | English

20/10/2020 - 13:52

Chuyện về người phụ nữ gần 60 năm chưa một lần được tặng hoa

“Gần 60 năm cuộc đời, tôi có bao giờ được tặng hoa đâu. Có lần, bán bánh ở chợ đêm thấy người ta bán hoa rần rần hỏi ra mới biết ngày lễ này, lễ kia”, là trải lòng của bà Lê Thị Liêng (SN 1962, ngụ khu phố Nhơn Hòa 2, phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An) khi được hỏi về ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Theo bà Liêng từ những dòng chữ này mà nhiều mạnh thường quân đã chung tay cùng bà “góp” bún mỗi tháng, đa phần họ là khách hàng thường xuyên của bà

Hơn 18h, tan làm, trời se lạnh, tôi cố chạy thật nhanh để về nhà nhưng mùi thơm phức của bánh nướng tỏa ra từ góc đường Nguyễn Đình Chiểu và Trương Định (phường 1, TP.Tân An) đã níu chân tôi. Như một quán tính, tôi quay xe tấp vào góc đường, điều đầu tiên đập vào mắt tôi không phải là những chiếc bánh tàn ong vàng óng, thơm nức mũi mà đó là hình ảnh của dòng chữ đặc biệt được dán trên chiếc tủ với nội dung “Ngày 15 ÂL hàng tháng có bún xào chay miễn phí”, kèm theo đó là số điện thoại và tên người liên hệ.

Quả thật, tôi bị thu hút bởi dòng chữ đặc biệt ấy mà quên mất mục đích ban đầu của mình. Thấy tôi “mắt chữ O, mồm chữ A”, bà hỏi: “Mua mấy cái vậy con?" Tôi vội trả lời: “Dạ, cho con 4 cái nha cô”. Trong lúc đợi đến lượt mình, tôi dò hỏi thì được biết bà là Lê Thị Liêng (ngụ khu phố Nhơn Hòa 2, phường 5, TP.Tân An) hoạt động phát bún xào chay miễn phí vào ngày 15 âm lịch hàng tháng được bà thực hiện từ tháng 8/2020.

Tiền mạnh thường quân đóng góp được bà ghi lại cẩn thận trong sổ

“Tôi phát bún xào chay miễn phí từ 15/7 âm lịch. Tôi vui lắm vì cuối cùng, những dự định mà mình mong ước cũng được thực hiện. Tôi muốn làm lâu rồi nhưng mà chưa có khả năng, giờ cuộc sống của mình cũng ổn, mỗi ngày, bán bánh tôi tranh thủ lấy thêm 100 tờ vé số để bán thêm, tiền lời mỗi ngày trích ra 30.000 đồng vào quỹ.

Tháng đầu tiên do kinh phí ít nên tôi chỉ làm được 75 phần. Thấy hoạt động này thiết thực nên sau đợt thứ nhất, nhiều người dân xung quanh đã chung tay cùng tôi, ai có công góp công, ai có của góp của. Đến đợt thứ 2, số lượng được nâng lên 150 phần, tháng này, tôi định làm 300 - 400 phần”, bà Liêng cho biết.

Gia đình bà đã nhiều đời làm bánh tàn ong nướng, bà Liêng gắn bó với nghề đã hơn 40 năm

Trong thời gian đợi những chiếc bánh ra lò, chúng tôi lại nói với nhau những câu chuyện không đầu, không cuối. “Hôm nay, người ta đã bắt đầu bán hoa 20/10 nhiều rồi phải không cô”, tôi nói. Rồi cô nhìn tôi ngạc nhiên, tôi tiếp lời: “20/10 là ngày Phụ nữ Việt Nam, trước giờ, vào ngày này có ai tặng hoa cho cô không?”

“Gần 60 năm cuộc đời, tôi có bao giờ được tặng hoa đâu. Có lần, bán bánh ở chợ đêm thấy người ta bán hoa rần rần hỏi ra mới biết ngày lễ này, lễ kia”, bà Liêng cười nói.

Danh sách của những hộ có hoàn cảnh khó khăn cũng được bà ghi lại, hộ già neo đơn không đến nhận trực tiếp sẽ được mang đến tận nhà

Bà vừa dứt lời cũng là lúc những chiếc bánh tàn ong nóng nổi, thơm nức mũi ra lò. Tôi mê ăn bánh này từ hồi nhỏ xíu, dẫu theo thời gian trên thị trường có rất nhiều loại bánh ngon nhưng tôi vẫn bị “ghiền” cái vị ngọt nhưng không quá gắt pha lẫn chút vị béo của bánh tàn ong nướng. Có lẽ, chiếc bánh hôm ấy là chiếc bánh ngon nhất mà tôi từng ăn, chiếc bánh tuổi thơ được làm ra từ bàn tay của một “người phụ nữ đặc biệt”.

Trước khi ra về, tôi không quên chúc bà 20/10 vui vẻ, luôn có thật nhiều sức khỏe để thực hiện tiếp những mong ước của mình. Ngày Phụ nữ Việt Nam, không cần hoa hồng hay hoa lan, với mọi người, bản thân bà đã là một bông hoa thật đẹp trong vườn hoa người tốt việc tốt./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết