Tiếng Việt | English

17/11/2021 - 08:02

Có không ít đảng viên "thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh"

Có không ít đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, không dám đấu tranh với những cái sai, ủng hộ cái đúng, thậm chí còn tiếp tay, cổ súy cho một số việc làm sai trái của đồng chí mình.

Đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh đã diễn ra từ lâu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và được xác định là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị. Để khắc phục kịp thời thực trạng này, mới đây, Ban Chấp hành Trung ương đã bổ sung nội dung này vào Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm.

GS.TSKH Phan Xuân Sơn (Học viện CHính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích, cái đúng, cái tốt vốn là chất liệu làm nên giá trị tốt đẹp của cuộc sống mà con người luôn hướng tới. Trong cuộc sống hàng ngày, cái đúng được bảo vệ, phát huy; cái sai được đấu tranh, ngăn chặn loại bỏ thì cuộc sống bình yên hạnh phúc, cơ quan, xã hội phát triển phồn vinh. Một công dân bình thường cũng nhận thức được điều này và cố gắng để hướng tới giá trị tốt đẹp đó, chứ không chỉ là đảng viên.


GS.TSKH Phan Xuân Sơn 

Tuy nhiên trong thực tế xây dựng Đảng vừa qua, có không ít đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, không dám đấu tranh với những cái sai, ủng hộ cái đúng, thậm chí còn tiếp tay, cổ súy cho một số việc làm sai trái của đồng chí mình. Những hiện tượng, hành vi ấy, dù bất kỳ lý do gì thì cũng không thể chấp nhận được ở một người đảng viên.

Vì vậy, lần này Đảng ta quy định rõ việc đảng viên không thực hiện trách nhiệm nêu gương, chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, tư duy nhiệm kỳ, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu xa rời quần chúng trong những điều đảng viên không được làm là cần thiết.

“Đối với một đảng viên quy định như vậy là cần thiết, bởi vì đảng viên là phải gương mẫu. Cái này liên quan đến các chế định về văn hóa và đạo đức của Đảng” – GS.TSKH Phan Xuân Sơn nhấn mạnh.

GS.TS Vũ Trọng Hồng- nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, hiện nay trong một số đơn vị, cơ quan có hiện tượng đáng lo ngại và phân tách thành 2 nhóm gồm: nhóm quan chức lợi ích bảo vệ nhau và nhóm chỉ biết làm việc theo bổn phận, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, tạo nên tình trạng đoàn kết xuôi chiều.

Vì vậy, lần này Đảng bổ sung quy định mới về vấn đề này nhằm cảnh tỉnh các cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa hiệu quả hơn trước khi bị tổ chức phát hiện, xử lý.

“Có những điều cán bộ thấy “chướng tai gai mắt” nhưng không thấy cấp trên xử lý nên buộc họ phải thờ ơ. Vì vậy phải nhận diện ra họ, không kỷ luật nhưng làm thay đổi họ, làm sao cán bộ cấp trên đem lại lòng tin thì từ đó mới bắt họ không thờ ơ” –ông Vũ Trọng Hồng cho biết.

Còn ông Lê Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, quy định tại điểm thứ 5 Đảng ta chỉ rõ tình trạng “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là một trong các biểu hiện của suy thoái. Bộ phận cán bộ, đảng viên thấy sai, biết có sự vi phạm mà không lên tiếng đấu tranh đã làm thui chột sức mạnh tập thể. Đây là cách ứng xử tiêu cực làm giảm sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.

Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm bổ sung thêm nội dung “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là cần thiết và là sự cụ thể, phát triển thêm một bước nội dung Nghị quyết Đại hội XII và XIII của Đảng. Vấn đề là làm sao nhận diện đúng và tập trung khắc phục trên cơ sở xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có các hành vi sai phạm, tiêu cực để tạo ra niềm tin, khí thế đấu tranh từ đó đẩy lùi sự thờ ơ, vô cảm.


Ông Lê Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Ông Lê Văn Cường lấy ví dụ về tình huống nếu cán bộ A đấu tranh với cán bộ B thì cán bộ đó sẽ bị gạt ra khỏi ekip, thậm chí phải làm việc nặng, thu nhập thấp. Còn người “ngậm miệng ăn tiền” thì không những được làm việc nhẹ mà còn có cơ hội thăng tiến, có bổng lộc.

“Có người lựa chọn con đường khó khăn, gian khổ để rèn luyện, giữ mình; còn có người không chịu được hoàn cảnh như vậy nên “tặc lưỡi cho qua”- ông Lê Văn Cường chia sẻ.

Thấy đúng không bảo vệ dẫn tới phủ định cái đúng, việc làm đúng trong thực tiễn; thấy sai không đấu tranh là dung dưỡng cho cái sai, việc làm sai trong cuộc sống, công tác chiến đấu, làm cho chuẩn mực bị sai lệch, hiệu quả công việc không cao, thậm chí còn hỏng việc, thất bại. Vì vậy, mỗi đảng viên và tổ chức Đảng thực hiện tốt Quy định 37, đấu tranh mạnh mẽ với cái sai, tích cực bảo vệ, nuôi dưỡng cái đúng thì chắc chắn sẽ đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới./.

Sỹ Lý/VOV.VN

Chia sẻ bài viết