Để có thể cải thiện được tình hình trên, việc làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mang tính quyết định.
“Thủ trưởng nào, phong trào đó”
Trên thực tế, trách nhiệm của người đứng đầu đã được thực hiện trong lịch sử và có ảnh hưởng rất sâu sắc cả trong Đảng và nhân dân. Trong quá trình phát triển, chúng ta đều thấy rằng luôn luôn phải có những bước đột phá, những cái chúng ta tạm gọi là “xé rào”. Tức là thực tiễn luôn vận động, phát triển và đi trước các quy định. Cho nên, đến một lúc nào đó, những quy định hiện hành sẽ trở nên lạc hậu, cản trở cho sự phát triển. Đây chính là lúc người đứng đầu cần quyết liệt, dứt khoát, dám nghĩ, dám làm để có thể vượt qua những khó khăn do cơ chế gây nên, mang lại hiệu quả cao trong công việc.
Chẳng hạn như thời kỳ tiền đổi mới, câu chuyện đột phá, dám nghĩ, dám làm của đồng chí Kim Ngọc với mô hình khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Hay trong thời kỳ đổi mới, Thủ tướng Chính phủ - Võ Văn Kiệt với công trình truyền tải điện 500KV Bắc Nam đã thực sự mang lại những bước tiến lớn cho quốc gia. Tinh thần dám nghĩ, dám làm của những người đứng đầu như vậy đã vượt qua tất cả khó khăn về cơ chế để mang lại bước phát triển đột phá.
Mọi người thường nói: “Thủ trưởng nào thì phong trào đó”, trong một cơ quan, đơn vị thì người đứng đầu là “linh hồn” của tập thể, khuyến khích cấp dưới đổi mới, sáng tạo trong công việc, từ việc lớn đến việc nhỏ, đó có thể là lắng nghe những sáng kiến mới để cải tiến công việc, là triển khai cách làm mới vượt ra khỏi quy định hiện hành,... Để khuyến khích cấp dưới mạnh dạn thực hiện đổi mới, sáng tạo, người đứng đầu phải đứng ra chịu trách nhiệm về việc đó, đây là yếu tố vô cùng quan trọng.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể, cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Vừa qua, ở địa phương đã có cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt cấp Trung ương có một số đồng chí lãnh đạo qua tự phê bình, thấy rõ trách nhiệm của mình đã xin thôi các chức vụ đang đảm trách. Đó là biểu hiện tích cực trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ thực tiễn lãnh đạo và yêu cầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cho thấy cần thiết phải cụ thể hóa, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu với những nội dung căn bản.
Trước hết, người đứng đầu phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam, nghiêm túc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao theo chức vụ, quyền hạn tương ứng. Người đứng đầu phải có trách nhiệm nêu gương về mọi mặt.
Nêu gương trong thực hiện công việc, đặt việc công lên trên hết, trước hết, “Dĩ công vi thượng”, toàn tâm, toàn ý cho nhiệm vụ; tỏ rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, dám hành động vì lợi ích chung.
Nêu gương về đạo đức, lối sống, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, không lợi dụng chức quyền để mưu lợi riêng, nói không với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nêu gương về lòng trung thành, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân.
Nêu gương về phong cách lãnh đạo dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả, tránh bệnh hình thức, bệnh thành tích. Nêu gương về ý thức tổ chức, kỷ luật, chấp hành nghiêm Điều lệ, những nguyên tắc tổ chức của Đảng, công tác cán bộ, những điều đảng viên không được làm, quy định về từ chức, miễn nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm.
Nêu gương về tự phê bình và phê bình, bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, dũng cảm nhận lỗi, không tranh công, đổ lỗi, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận.
Ngoài ra, người đứng đầu phải có "tầm", tư duy sắc sảo, kiến thức, am hiểu vấn đề mới nhận diện đúng, đủ được những đề xuất, tham mưu của cấp dưới có đúng là sáng tạo hay không, có thể thành công hay không, có thật sự vì lợi ích chung hay không?
"Cởi trói" cho người đứng đầu
Hiện nay, việc xác định trách nhiệm trong thực thi công vụ đúng là chưa rõ ràng. Một việc có thể là ở vị trí đó nhưng còn rất nhiều sự tác động khác mới có thể thực hiện được. Nó có thể qua nhiều tầng, nấc, quy trình, thủ tục. Đôi khi chúng ta tưởng như vậy là chặt chẽ nhưng không phải.
Chúng ta đang nhấn mạnh vấn đề phân cấp, phân quyền. Đặc biệt ở vị trí lãnh đạo phải xác định rất rõ việc gì, ai làm và làm đến đâu? Khi đánh giá công việc, điều quan trọng là chúng ta phải đánh giá được hiệu quả công việc, nhất là hiệu quả về mặt KT-XH.
Về mặt quản lý, đó chính là thước đo để đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu có tốt hay không? Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chúng ta vẫn nặng về quy trình, đánh giá các vấn đề mang tính hình thức. Đây chính là sự cản trở trong quá trình đổi mới, sáng tạo của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu. Chúng ta cần cơ chế ràng buộc nhưng không bó buộc, kiểm soát nhưng không "trói chân, trói tay” người đứng đầu khi thực hiện việc dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, phải xuất phát từ hai phía.
Một là, bản thân các quy định hiện nay phải đề cao hiệu quả công việc khi đánh giá cán bộ; thứ hai, phải đẩy mạnh việc phân công, phân cấp, phân quyền, xác định vị trí việc làm, khi đó sẽ rõ vị trí, quyền hạn của cán bộ lãnh đạo, quản lý đến đâu, được làm gì. Đâu là giải pháp cơ bản để tránh tình trạng vừa làm, vừa nghe ngóng, vừa e dè, phân vân. Chúng ta phải có cơ chế kiểm soát, tránh nguy cơ lợi dụng xu thế dám nghĩ, dám làm, thực hiện công việc có tính vụ lợi.
Tất nhiên, cũng không quá đặt nặng một quy trình nào đó khiến công việc trở nên nặng nề, nhưng phải có cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu. Ví dụ như người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, thực hiện những công việc vượt lên trên quy định của pháp luật. Yêu cầu đặt ra là phải có báo cáo đầy đủ, thường xuyên đối với cơ quan có thẩm quyền, vừa làm, vừa báo cáo để cơ quan có thẩm quyền theo dõi, giám sát. Như vậy sẽ đạt được 2 mặt của vấn đề: Vừa thúc đẩy sự năng động, sáng tạo; đồng thời, tránh nguy cơ lợi dụng việc dám nghĩ, dám làm để làm những điều không đúng đắn. Đặc biệt, khi đó sẽ kiểm soát được những vụ lợi cá nhân hoặc vun vén lợi ích cho một nhóm.
Bài học không chỉ từ lịch sử, mà từ chính thực tiễn sôi động trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay là phải thực hiện thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình để từ đó nhận thức đúng đắn trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Trách nhiệm đó được thực hiện tốt sẽ làm cho Đảng mạnh lên; tham nhũng, tiêu cực, suy thoái bị đẩy lùi; uy tín của Đảng, Nhà nước được vững chắc trong nhân dân, góp phần tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị đề ra trong giai đoạn cách mạng mới./.
Huyền Linh