Nhờ dân vận khéo, đường giao thông từ thành thị đến nông thôn ngày càng hoàn thiện
Công tác dân vận - nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930, tại Hương Cảng, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương Chính trị, Điều lệ Đảng và các Án nghị quyết về: Công nhân vận động, Nông dân vận động, Cộng sản Thanh niên vận động, Phụ nữ vận động, Quân đội vận, Vấn đề cứu tế và Hội phản đế đồng minh. Trong Nghị quyết của Trung ương chỉ rõ: “Trong các Đảng bộ, (từ Thành ủy và Tỉnh ủy) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về giới vận động”. Từ tháng 10/1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận đăng trên Báo Sự Thật số ra ngày 15/10/1949. Nội dung bài báo được coi là “Cương lĩnh công tác dân vận” của Đảng. Chính vì vậy, vào tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận và trên cơ sở sự ra đời của hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 làm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm là “Ngày Dân vận của cả nước” để cùng nhau học tập và thực hiện những lời Bác Hồ dạy về công tác dân vận.
Xuất phát từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân đã trở thành một truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh của Đảng ta từ ngày thành lập đến nay. Đảng ta luôn xác định: Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong điều kiện hội nhập quốc tế càng đòi hỏi phải phát huy cao độ khối đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Long An với công tác dân vận
Tại tỉnh ta, những năm qua, công tác dân vận luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Hoạt động của hệ thống dân vận có sự đổi mới theo hướng gần dân, sát cơ sở, đóng vai trò “cầu nối”, củng cố, xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Nhiều phong trào thi đua, trong đó có thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh hưởng ứng thực hiện hiệu quả.
Vận động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp nông dân tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận
Nhiều tấm gương điển hình, các mô hình “Dân vận khéo” phát triển ở khắp các địa phương, góp phần tạo sự đồng thuận, động viên nhân dân tích cực tham gia thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ và tăng cường sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, xây dựng quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân.
Nổi bật, các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới có bước chuyển biến tích cực. 10 năm qua, toàn tỉnh vận động xã hội hóa xây dựng, sửa chữa gần 400 cầu bêtông, trị giá hơn 111,3 tỉ đồng; nâng cấp và sửa chữa, giặm vá, bêtông hóa gần 300km đường giao thông, trị giá hơn 118,6 tỉ đồng. Nhân dân đóng góp tiền, vật dụng trị giá trên 1.848 tỉ đồng và trên 56.400 ngày công lao động để làm các công trình, hiến tặng gần 390.000.000m2 đất làm đường.
Qua 10 năm thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo, bộ mặt nông thôn cũng như thành thị không ngừng đổi mới, đời sống người dân, nhất là người dân ở những vùng sâu, vùng xa của tỉnh có những đổi thay rõ nét. Đến nay, toàn tỉnh có trên 95% hộ gia đình được công nhận gia đình đạt chuẩn văn hóa, 1.019/1.035 khu dân cư đạt chuẩn văn hóa (98,5%), 99/166 xã đạt chuẩn văn hóa và 18/26 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 77 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 46,4%.
Lấy sức dân để chăm lo cho dân
Ông Hồ Văn Nhăm, ngụ ấp Trung, xã Tân Hòa (một xã nghèo vùng sâu của huyện Tân Thạnh), vui mừng bộc bạch: “Ngày trước, chủ yếu là đường đất, sỏi đỏ chứ đâu có đường nhựa, bêtông rộng rãi, khang trang như bây giờ. Trường học, trạm y tế cũng xuống cấp hoặc chưa được đầu tư. Điện, nước sinh hoạt nhiều nơi còn thiếu thốn. Ấy vậy mà nay, tất cả đều được quan tâm đầu tư, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên một bước đáng kể”.
Là một trong những địa phương làm tốt công tác dân vận trong thời gian qua, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, huyện Châu Thành - Bùi Văn Hòn chia sẻ: “Công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không phải là việc của riêng cá nhân hay tổ chức nào. Muốn dân vận thành công, trước hết, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tiên phong thực hiện, “miệng nói, tay làm”, gần dân, sát dân để tuyên truyền cho dân hiểu, có như vậy mới tạo được sự đồng thuận của nhân dân”.
Từ nguồn vốn được vận động hỗ trợ, nhiều hộ dân thoát nghèo hiệu quả
Không chỉ vận động xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, Ban Dân vận các cấp phối hợp tổ chức các hoạt động Về nguồn, thực hiện công tác an sinh xã hội, Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, khám bệnh cho người nghèo, vận động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất,... Thông qua những phong trào này, đã phát huy tinh thần đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và đổi mới quê hương.
Từ một hộ nghèo, chỉ có 500m2 đất sản xuất lúa nhưng nhờ được hỗ trợ bò và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi để chăn nuôi, cuộc sống gia đình anh Huỳnh Văn Ni, ngụ ấp 2, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, ngày càng ổn định hơn. Anh Ni cho biết, anh bị tật ở chân từ nhỏ nên đi lại khó khăn, khả năng lao động cũng không bằng người khác. Tuy nhiên, nhờ chăm chỉ, chịu khó và được sự hỗ trợ của địa phương, gia đình anh mới có cơ hội thoát nghèo.
Qua đây có thể khẳng định, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã thực sự đi vào cuộc sống, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đón nhận, thực hiện hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đề ra, thúc đẩy phát triển KT-XH của các địa phương./.
An Kỳ