Tiếng Việt | English

06/01/2025 - 17:14

Đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội. Qua nhiều năm triển khai, phong trào đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân. Tuy nhiên, để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả hơn nữa, việc nâng cao chất lượng là vô cùng cần thiết.

Những năm qua, phong trào TDĐKXDĐSVH trong tỉnh Long An đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh, tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi những giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy mạnh mẽ.

Điểm sáng từ cơ sở

Vừa đi công việc về nhà, thấy trên sân có túi ve chai lớn, bà Trần Thị Nguyện (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) biết ngay là của các hội viên mang đến. Bà nhanh chóng gom tất cả vào bao lớn, cất ra sau nhà, đợi đến khi số lượng đủ nhiều thì bán. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán ve chai bà nộp về Hội Liên hiệp Phụ nữ xã để thực hiện mô hình Biến rác thành tiền.

Bà Nguyện chia sẻ: “Từ khi mô hình được phát động, chị em hội viên ủng hộ rất nhiệt tình. Toàn bộ kinh phí thu được dùng để hỗ trợ cho các cháu bé có hoàn cảnh khó khăn mà Hội đang nhận đỡ đầu. Vừa giúp được người khác, vừa thúc đẩy việc phân loại rác tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường nên ai cũng vui”.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ -  Trần Thị Nguyện thu gom ve chai để thực hiện mô hình Biến rác thành tiền

Ngoài mô hình Biến rác thành tiền, Chi hội Phụ nữ ấp 1 còn đóng góp kinh phí hàng tháng để ủng hộ chương trình Vượt qua hiểm nghèo của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An. “Hàng tháng, mỗi hội viên đóng góp vài trăm ngàn đồng, đó là tấm lòng của chị em, là truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Những người làm công tác Hội như chúng tôi chỉ làm “cầu nối”, động viên và lan tỏa những việc làm tốt đẹp đó thôi” - bà Trần Thị Nguyện nói thêm.

Mô hình Biến rác thành tiền hay hoạt động ủng hộ chương trình Vượt qua hiểm nghèo là những mô hình sáng tạo, hiệu quả được các hội, đoàn thể ở nhiều địa phương xây dựng, nhằm góp phần thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH cũng như xây dựng nông thôn mới.

Thông qua những mô hình thiết thực, gần gũi, các hội, đoàn thể, địa phương từng bước làm chuyển biến nhận thức của người dân, nêu cao truyền thống văn hóa tốt đẹp như đoàn kết cộng đồng, tình làng, nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế, môi trường văn hóa và lành mạnh,...

Có thể thấy, phong trào TDĐKXDĐSVH cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang mang lại “hiệu quả kép”, vừa cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao thu nhập, vừa góp phần xây dựng nếp sống văn minh tại các địa phương.

Năm 2024, gia đình văn hóa trong toàn tỉnh đạt 97,52%; ấp, khu phố văn hóa đạt 96,4%. Toàn tỉnh có 16/27 phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, chiếm 59,2%.

TP.Tân An và thị xã Kiến Tường phấn đấu xây dựng đô thị văn minh giai đoạn 2022-2024. Điều đó khẳng định những nỗ lực không ngừng của chính quyền và người dân trong tỉnh.

Chính sự chuyển biến về nhận thức giúp người dân tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào tại địa phương, chung tay xây dựng và hoàn thiện diện mạo nông thôn (điện, đường, trường, trạm,...), tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới.

Từ sự đồng thuận đó, việc huy động sức dân được thực hiện hiệu quả với cách làm minh bạch, công khai, tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng.

Hơn 165 tỉ đồng tiền mặt, hơn 17.000m2 đất và hơn 3.000 ngày công lao động đã được người dân tự nguyện đóng góp, đầu tư vào các công trình giao thông, thủy lợi, môi trường (Trong ảnh: Đường giao thông nông thôn tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành)

Hơn 165 tỉ đồng tiền mặt, trên 17.000m2 đất và hơn 3.000 ngày công lao động đã được người dân tự nguyện đóng góp, đầu tư vào các công trình giao thông, thủy lợi, môi trường, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.

Hệ thống thiết chế văn hóa từ cấp xã đến ấp, khu phố cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng.

Vấn đề đặt ra và giải pháp

Bên cạnh những thành tựu, phong trào TDĐKXDĐSVH còn một số tồn tại cần khắc phục. Hiện nay, toàn tỉnh có 146 trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng cấp xã được ngân sách tỉnh và huyện đầu tư xây dựng.

Toàn tỉnh có 99,5% ấp, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khu phố và đa số bảo đảm chức năng hội họp. Một số ít nhà văn hóa có diện tích, cơ sở vật chất bảo đảm cho tổ chức văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao và các hoạt động khác.

Với sự nỗ lực của các địa phương, một số xã từng bước nâng cấp, sửa chữa, cải tạo các thiết chế văn hóa từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Năm 2023-2024, tổng kinh phí này lên đến hơn 55 tỉ đồng.

Nhờ vậy, nhiều nhà văn hóa - khu thể thao ấp tương đối khang trang và tổ chức hoạt động hiệu quả như các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Châu Thành, Cần Đước,...

Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành - Nguyễn Thanh Xuân cho biết: Những năm qua, địa phương chú trọng xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao ấp nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, học tập, vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của người dân.

Các nhà văn hóa ấp trên địa bàn xã đều được lắp đặt đầy đủ trang thiết bị, bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên và được lắp đặt từ 2-4 dụng cụ tập luyện thể dục - thể thao ngoài trời.

Tuy nhiên, việc xã hội hóa kinh phí xây dựng thiết chế văn hóa cũng là một thách thức cho các địa phương. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bến Lức - Trần Ngọc Ẩn cho biết, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc vận động kinh phí xây dựng thiết chế văn hóa gặp nhiều khó khăn. Các nhà hảo tâm thường chú trọng đến công tác an sinh xã hội và những hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

Ngoài ra, chất lượng của một số thiết chế văn hóa chưa đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân. Nhiều nhà văn hóa ấp, khu phố còn thiếu cơ sở vật chất, chủ yếu chỉ phục vụ các cuộc họp.

Bên cạnh đó, việc chạy theo thành tích trong công nhận danh hiệu văn hóa cũng là một vấn đề cần được chấn chỉnh, bảo đảm tính thực chất và hiệu quả của phong trào.

Từng bước khôi phục và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc và phát triển KT-XH địa phươngảnh tư liệu minh họa: Công Toại

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh, để phong trào TDĐKXDĐSVH tiếp tục phát triển bền vững và đi vào chiều sâu, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt. “Trước hết, tỉnh cần tập trung nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, thực hiện kiểm tra, phúc tra nghiêm túc, tránh tình trạng hình thức, chạy theo số lượng. Tỉnh cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cho phù hợp thực tiễn, tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho cơ sở triển khai” - ông Nguyễn Thành Thanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, về cơ sở vật chất, cần quy hoạch quỹ đất, tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ cộng đồng.

Đặc biệt, hoạt động của các thiết chế văn hóa cần được nâng cao chất lượng nhằm tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng những giá trị văn hóa một cách tốt nhất.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm khơi dậy tinh thần tự giác, tích cực tham gia của người dân, chung tay xây dựng phong trào.

Với những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, phong trào TDĐKXDĐSVH trong tỉnh sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết