Tiếng Việt | English

22/10/2015 - 15:14

ĐBQH thảo luận tổ: Nóng các vấn đề xã hội

Trong phiên thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 sáng 22/10, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm nhiều đến: Vấn đề chính sách tiền lương; thực trạng đạo đức, lối sống; tình trạng ô nhiễm môi trường nước, xả thải ra môi trường rất công khai nhưng xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe; quá tải bệnh viện, tai nạn giao thông, công nhân ngộ độc do thức ăn mất an toàn vệ sinh thực phẩm…

Cần cắt bỏ nhiều khoản chi tiêu thường xuyên

ĐBQH Trần Du Lịch khẳng định nhiều khoản chi hiện nay rất lãng phí, tốn kém và cần cắt bỏ để bù vào những khoản chi khác thiết thực hơn. Vấn đề lớn nhất là làm sao tiết giảm chi thường xuyên và Quốc hội phải quyết, xem phải cắt chỗ nào.

Đại biểu Trần Du Lịch dẫn chứng: “Bàn về vấn đề tăng lương, tôi cho rằng nếu muốn tăng lương thì phải cắt chỗ nào. Đề nghị tăng lương thì cũng phải đề nghị cắt. Không thể đi vay để tăng lương được. Cắt chỗ nào chúng ta phải mạnh dạn”.


Đại biểu Trần Du Lịch  Ảnh: VOV.VN

Ông Trần Du Lịch đề nghị: Những khoản tiếp khách, giao lưu học tập, nghiên cứu kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, kỷ niệm ngành, đi “nước ngoài nước trong”… rất tốn kém cho ngân sách. Quốc hội quyết ngân sách cần cắt hết những khoản này. Chúng ta đừng biến đi nghiên cứu, du lịch để nhà nước phải trả tiền. Cắt được những khoản này sẽ dành tiền cho những chuyện khác.

Lo ngại về đạo đức xuống cấp

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện biểu thị thái độ lo ngại trước thực trạng đạo đức lối sống, văn hóa suy đồi rất đáng báo động ở một bộ phận người dân. Điều này ảnh hưởng đến vấn đề bảo vệ Tổ quốc, xây dựng con người Việt Nam. Theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ đề cập vấn đề này vẫn mờ nhạt.

Bên cạnh đó, nạn sản xuất hàng giả, kể cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, đồ ăn… Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất báo động, khi người nông dân ăn những gì họ không bán và bán những gì họ không ăn. Trong nhà trường mầm non, trẻ nhỏ bị bạo hành. Ngoài đường, vi phạm luật giao thông phổ biến. Nạn chạy chức chạy quyền, buôn bán bằng giả… đáng phải lên án gay gắt hơn nữa.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện đề nghị cần thiết phải xây dựng nội lực con người Việt Nam nhân ái trong xu thế hội nhập; xây dựng văn hóa cộng đồng, kể cả tín ngưỡng…

Cải cách chính sách tiền lương

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kể, các lễ kỷ niệm dịp 50 năm, 30 năm thành lập ban ngành, bà nhận được giấy mời nhiều đến mức "không biết trốn thế nào” như ví dụ kiến nghị phải cắt giảm hội họp để tiết kiệm ngân sách. Không chỉ vậy, bà băn khoăn nguồn tăng lương trong ngành y tế. Hiện tiền để tăng lương chính từ nguồn thu giá dịch vụ công.


Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến  Ảnh: Vietnamnet

Bà cho rằng, giá dịch vụ công phải theo cơ chế thị trường để tăng lương, giảm chi thường xuyên. Nhưng giá trị dịch vụ công hiện nay chưa về giá thị trường nên chi thường xuyên vẫn gánh nặng.

ĐB Nguyễn Văn Minh kể khi tiếp xúc cử tri năm 2014, ông hứa với cử tri cố gắng chờ 2015 sẽ tăng lương. Nhưng giờ năm 2016, Chính phủ cân đối không được nguồn để tăng nên ông không dám trả lời cử tri nữa.

Theo ĐB, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đang thực hiện cơ chế kinh tế thị trường sẽ tăng lên, lương không tăng người dân biết trông vào đâu? Ông kiến nghị dù kinh tế khó khăn, năm 2016 phải cố gắng tăng lương một mức hợp lý.


Đại biểu Phạm Huy Hùng phát biểu tại đoàn Hà Nội sáng 22/10    Ảnh: Dân Trí

“Ta vẫn đang thiên về bảo vệ doanh nghiệp hơn là người lao động nên lương mới thấp như vậy. Mà người lao động làm với mức lương quá thấp gây hệ lụy với nhiều vấn đề về năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, nền kinh tế phải sử dụng nhiều người nhưng kết quả lao động vẫn không tốt. Cần thay đổi để trả lương xứng đáng cho từng vị trí, con người cụ thể thì công việc sẽ chạy nhanh hơn, hiệu quả hơn chứ không phải là cào bằng” – ĐB Phạm Huy Hùng nói thẳng.

Cùng hướng phân tích này, Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi bình luận, chi phí tiền lương ở Việt Nam trong giá thành sản phẩm vẫn cao nhất khu vực (18,7% so với mức 16% của Thái Lan) trong khi tiền lương rõ ràng là thấp. Điều đó chứng tỏ năng suất lao động rất thấp.


Đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, đáng ra phải tăng lương nhưng do chưa có nguồn, người làm công vẫn phải... nhịn Ảnh: Dân Trí

Ông Lợi cũng nhìn nhận, lương cơ sở hiện không phản ánh đúng mức sống thực của công nhân viên chức, đáng ra cần phải tăng lương rồi nhưng vì ngân sách chưa có nguồn nên vẫn phải dùng từ… “nhịn”. Tăng lương cơ sở lúc này kéo theo nhiều hệ luỵ lớn, giống như việc nếu tiền lương tối thiểu phải nâng lên 16% như đề xuất trước đó của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, doanh nghiệp sẽ chết.

Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, nếu chưa thể cân đối để nâng lương cơ sở được thì cũng cần xem xét điều chỉnh lại việc nâng lương nghỉ hưu. Năm ngoái, khi bàn chuyện này, đáng ra, nhà nước chỉ tập trung tăng lương để hỗ trợ cuộc sống của nhóm đối tượng người hệ số lương dưới 2,34 nhưng Chính phủ lại “nhanh nhảu” tăng đồng loạt 8% cho tất cả những người hưởng lương hưu.

Chính sách khi đó, theo ông Lợi, lại dẫn đến sự cào bằng chứ không phải công bằng. Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội dẫn chứng bằng trường hợp một cựu lãnh đạo DNNN đã hưởng lương hưu tới 65 triệu đồng mỗi tháng, sau quyết định này lại tiếp tục được tăng lương thêm 5 triệu đồng/tháng, không cần thiết và không đúng với ý nghĩa của lương hưu.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh cải cách chính sách tiền lương liên quan đến bộ máy cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chưa rõ, năng lực của cán bộ hạn chế. Mọi giải pháp chưa đủ mạnh, tư duy chưa đổi mới, cải cách bộ máy bị bỏ lỡ vì vẫn sợ "cái này cái kia".


Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm     Ảnh: Vietnamnet

“Muốn tăng lương phải cải tổ bộ máy. Bộ máy như hiện nay không có người dân nào nuôi nổi”, bà Tâm lưu ý.

Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị phải dứt khoát cắt giảm mạnh biên chế để lộ rõ ra những khuyết tật của cơ cấu biên chế và tổ chức bộ máy. Qua đó nảy sinh đòi hỏi thực tiễn phải tổ chức lại bộ máy./.

Đức Thuận (tổng hợp theo VOV, Vietnamnet, Dân trí)

Chia sẻ bài viết