Tham gia góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An đề nghị cân nhắc thêm quy định mức thuế suất 5% đối với một số mặt hàng.
Đại biểu Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An góp ý Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vào sáng 29/10
Về đối tượng không chịu thuế (khoản 25 Điều 5), đại biểu Song An thống nhất với việc điều chỉnh nâng tổng mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Bởi vì, mức doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng được quy định tại luật hiện hành là 100 triệu đồng/năm đã không còn phù hợp nữa.
Tuy nhiên, theo tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân đầu người hiện nay thì mức quy định như dự thảo luật cũng chưa thật sự phù hợp, vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét nâng mức này lên trên 200 triệu đồng cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giúp giảm áp lực thuế và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ có thêm nguồn lực để tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Điều này có thể tạo ra động lực tích cực cho phát triển kinh tế địa phương và Nhà nước có thể tập trung nguồn lực quản lý vào các đối tượng có doanh thu lớn hơn, bảo đảm hiệu quả thu ngân sách. Việc này không chỉ giúp giảm chi phí quản lý thuế mà còn giảm các chi phí xã hội liên quan đến việc hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cùng các hộ kinh doanh.
Về thuế suất (Điều 9), đại biểu Song An cho rằng, các mức thuế suất trong dự thảo luật được quy định cụ thể, minh bạch hơn so với luật hiện hành, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo cân nhắc thêm quy định mức thuế suất 5% đối với một số mặt hàng như sau:
Thứ nhất, nước sạch phục vụ sinh hoạt không bao gồm các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác được quy định tại điểm a, khoản 2 điều Điều 9 dự thảo luật. Vì nước sạch phục vụ sinh hoạt là nhu cầu thiết yếu của người dân thuộc lĩnh vực an sinh xã hội cần được ưu tiên và đảm bảo.
Hiện tại, mức sống và thu nhập bình quân đầu người của người dân còn thấp và người dân nông thôn, công nhân lao động còn khó khăn do đó nếu đưa nước sạch sinh hoạt vào thu thuế sẽ gây áp lực lên đời sống của người dân. Và hiện nay ngoài những thành phố lớn có điều kiện thuận lợi trong sử dụng nước sạch thì phần lớn người dân tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi, hải đảo, người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang gặp khó khăn trong tiếp cận nước sạch sinh hoạt. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc lại mức thuế suất này và cần có lộ trình để đưa nước sạch phục vụ sinh hoạt chịu mức thuế 5% ở thời điểm phù hợp trong thời gian tới.
Quang cảnh đại biểu tham gia phiên họp
Thứ hai, dự thảo luật quy định mức thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón. Đại biểu Song An cho rằng việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón chắc chắn sẽ dẫn đến việc tăng giá phân bón trên thị trường và điều này sẽ tạo ra những tác động không hề nhỏ đối với ngành nông nghiệp và người nông dân. Trong khi đó, ngành Nông nghiệp của nước ta hiện còn bấp bênh, thiếu bền vững, đầu ra sản phẩm nông nghiệp còn cạnh tranh khó khăn với các sản phẩm nước ngoài. Mặc dù, theo tính toán việc áp thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón sẽ giúp tăng thêm cho ngân sách khoảng 4,2 ngàn tỉ đồng. Đây là một con số không nhỏ và có thể đóng góp vào việc tăng cường nguồn lực cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, việc được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào là một lợi thế, giúp cho các doanh nghiệp trong nước hạ giá thành sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Tuy nhiên, đại biểu Song An còn băn khoăn là nhìn về phía người nông dân sẽ phải gánh chịu mức giá phân bón tăng cao và khi giá phân bón tăng, chi phí sản xuất nông nghiệp cũng sẽ tăng theo, làm tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp. Như vậy, nếu áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thì Nhà nước và doanh nghiệp có thể sẽ được lợi nhưng người nông dân là bộ phận quan trọng nhất của ngành nông nghiệp, lại là người chịu thiệt thòi nhất.
Đây là điều chúng ta cần quan tâm và cân nhắc một cách kỹ lượng, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống cho nông dân theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, góp phần vào phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực và ổn định xã hội.
Bên cạnh việc hỗ trợ chính sách thuế hỗ trợ người nông dân, đại biểu Song An đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triễn doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tăng cường sức cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp ngoài nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp sáng ngày 29/10
Đồng thời, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát và cụ thể hóa toàn diện các chủ trương của Đảng cũng như mục tiêu và quan điểm được thể hiện trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Quá trình này cần bảo đảm tuân thủ nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời gắn với việc tái cơ cấu nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý; hướng tới việc áp dụng một mức thuế suất cơ bản và thực hiện tăng thuế suất theo lộ trình đã đề ra. Tiếp tục luật hóa các nội dung dưới luật đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn như giá tính thuế, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng, điều kiện khấu trừ thuế trong các trường hợp đặc thù, hoạt động đặc thù và giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản,... bảo đảm sự công khai, minh bạch trong các chính sách thuế của Nhà nước.
Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV./.
ND