Nhà số 136B Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM) của đôi vợ chồng thương gia giàu có, gốc người Bắc Ninh, di cư vào Nam trước 1945 ở Cà Mau. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông chồng tham gia giành chính quyền và lãnh đạo một xã. Con gái ông là Nguyễn Thị Yên Thảo, bí danh Tám Thảo, tên ở nhà là Mỹ Nhung, còn rất trẻ đã tham gia công tác phụ nữ và được kết nạp Đảng từ năm 1953.
Giặc Pháp truy lùng ráo riết, vợ chồng, con cái của ông phải chạy lên Sài Gòn lánh nạn. Nhờ tài kinh doanh, từ một sạp vải nhỏ, chẳng bao lâu, bà tạo được thương hiệu vải Tân Mỹ lớn có tiếng ở cửa Bắc chợ Bến Thành. Ông bà có với nhau 8 người con đều được ăn học đầy đủ. Sau năm 1954, 3 người con trai tập kết ra Bắc, tiếp tục học tập và công tác ở Hà Nội. 3 cô con gái là Chi, Thảo, Lan sống với ba mẹ và cùng hoạt động cho Cụm tình báo H.63.
Đến năm 1964, Chín Chi (em kế Tám Thảo) thoát ly vào chiến khu phụ trách công tác trinh sát kỹ thuật của Phòng Quân báo Miền. 2 em trai của Tám Thảo còn đang đi học. Đây là một gia đình tư sản yêu nước, tin cậy được nên thiếu tá Cụm trưởng Cụm tình báo H.63 - Nguyễn Văn Tàu, bí danh Tư Cang, đã chọn làm cơ sở để ở, hoạt động và được cả nhà tin yêu như người thân trong nhà.
Có lần, chủ nhà tâm sự với Tư Cang: “Tài sản của ba hiện nay, không tính sạp vải ở ngoài chợ, ba gởi ngân hàng 36 triệu (vàng lúc đó 3.000
đồng/lượng, vị chi là 12.000 lượng). Ba biết, nếu con bị bắt trong nhà này, thì tất cả tiêu tan… Nhưng ba yêu cách mạng, ba thương con, con cứ yên tâm ở, làm việc, đừng lo gì cả”. Để có vỏ bọc nhằm che mắt địch, Tư Cang xin vào làm kế toán cho phòng kế hoạch Thương xá Tax ở đường Nguyễn Huệ. Tám Thảo được Tư Cang tìm cách cài vào làm thư ký riêng cho thiếu tá Jame, điệp viên Mỹ, cố vấn tình báo Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam cộng hòa.
Nhờ sắc đẹp, giỏi tiếng Anh, khéo giao tiếp, Tám Thảo đã thu phục được Jame, cô ra vào “sở Mỹ” mà không bị soát xét nên đã lấy được các tài liệu tối mật của địch để đem về cho Cụm trưởng Tư Cang kịp thời báo cáo lên cấp trên. Tư Cang xuất thân là học sinh năm cuối trung học Pétrus Ký Sài Gòn, vốn tiếng Anh và tiếng Pháp đủ giao tiếp với người nước ngoài.
Ông tham gia giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khi còn là học sinh. Sau năm 1954, Tư Cang tập kết ra Bắc học tập và được huấn luyện nghiệp vụ tình báo kỹ càng; tài bắn súng ngắn nhanh như chớp, trăm phát không trật phát nào.
Trận Mậu Thân năm 1968 nổ ra. Nguyễn Thị Ánh (Hai Ánh) ở Củ Chi, giao thông viên tình báo Cụm H.63. Với nhan sắc và trí thông minh, cô đã khiến viên thiếu úy (ngụy) không quen biết, đang trên đường về đơn vị ở Sài Gòn, phải dừng xe Honda để chở cô ôm xấp bánh tráng bên trong có 2 khẩu súng ngắn K.54 và 27 viên đạn, vượt qua các chốt chặn quân sự của địch, đến tận cửa Bắc chợ Bến Thành giao cho Cụm trưởng Tư Cang giữa trận địa vào khuya đêm giao thừa, tiếng súng đặc công bên ta nổ ran tại các điểm xung yếu nhất của địch ở trung tâm Sài Gòn.
Tư Cang sau khi giao nhiệm vụ cho các thành viên của Cụm H.63, về nhà Tám Thảo. Sở chỉ huy của địch đặt trên sân thượng của một nhà lầu ở góc đường cách nhà Tám Thảo khoảng 50m - trong tầm bắn của khẩu K.54 mà Hai Ánh mới giao. Tư Cang hé cửa sổ, đưa súng lên theo yếu lĩnh bắn nhanh mỗi giây một phát đạn nhắm vào 2 cái đầu chỉ huy của địch nổ liền 2 phát, rồi đóng cửa sổ, giấu súng vào chỗ bí mật. Vào lúc này, các nhà liền kề với nhà Tám Thảo, địch đang bủa vây tứ phía, từ dưới đất lên cả nóc nhà.
Để che mắt địch, cụ chủ nhà bày sách Phật và mõ ra tụng kinh trước bàn thờ Phật, trong lúc Tư Cang ẩn núp ở một góc khuất chất đầy bành vải kế đó. Ông cụ chợt ngưng tụng kinh, mang bọc đồ ăn tết, nước uống và cái bô cùng giấy vệ sinh lần tới chỗ Tư Cang ẩn núp, thì thào: “Con cứ trốn ở đây nghe, không được ló đầu ra; giặc đang rình khắp khu nhà mình đó”.
Sáng mùng ba tết, giặc tung cảnh sát ra lùng sục. Một trung đội cảnh sát dã chiến xộc vô hẻm 136. Nhà Tám Thảo là tâm điểm chúng bố ráp, còn các căn nhà khác là của ngoại kiều và của gia đình có con em là sĩ quan ngụy nên chúng tránh ra.
Từ chỗ núp, Tư Cang vẫn có thể nhìn qua khe hở, thấy tên Định là chỉ huy đi đầu. Hắn vừa đi, vừa khua tay nói lớn: “Phải bắt cho được thằng Việt cộng để mổ bụng xem lá gan nó bao lớn mà dám vào ở trong này”. Định dáng mập, trắng, lùn, nhà nó ở đầu hẻm 136. Nhiều đêm nó rảo qua rảo lại trước cổng nhà Tám Thảo. Có thể nó đã thấy Tư Cang ban đêm dạy Anh văn và Pháp văn cho các em trai của Tám Thảo luyện thi tú tài, mà nghĩ Tám Thảo khéo chọn tay gia sư xứng đôi vừa lứa quá.
Mỗi sáng, Tư Cang mặc đồ tây chỉnh tề chở Tám Thảo mặc áo dài đẹp như một tiểu thơ kiêu sa, đài các đi làm. Định đứng ngẩn ngơ nhìn theo cặp đôi ấy. Không biết Định có đặt nghi vấn gì về Tư Cang hay không? Rất có thể nó nghĩ đây là một cặp tình nhân đang say đắm với nhau…
Bất chợt, tiếng đập cửa sắt ngoài ngõ vang lên. Rồi bọn lính ập vào nhà. Định quát tháo: “Mở hết các cánh tủ, nắp hồ, nắp lu ra!”. Có toán mở cửa sau, kéo ra nhà vệ sinh lục soát. Định tiếp tục hò hét: “Bọn bây lục soát cho kỹ, chớ đặc công Việt cộng trốn giỏi lắm. Có thấy gì chưa?”. Hắn quay sang chủ nhà: “Có ai trên gác không, ông già?”. “Dạ, chỉ có con gái tôi đang ngủ trên đó thôi”. Có lẽ, ông cụ đang bám theo bọn địch để tùy cơ ứng biến - Tư Cang dỏng tai theo dõi. Tên chỉ huy quát lớn: “Giờ này mà còn ngủ cái gì? Lên gác lục soát kỹ đi tụi bây!”.
Tiếng giày bọn lính gõ lên cầu thang inh ỏi. Khép mình vào chỗ ẩn núp, Tư Cang với 2 khẩu K.54 đã lắp đạn sẵn. 27 viên đạn Hai Ánh đưa chiều hôm qua bắn hết 2, còn đúng 25 viên, lấy 2 viên bỏ túi áo, còn 23 viên lắp vào 2 khẩu K.54. Với tài bắn súng ngắn, ít gì 23 viên cũng lấy 23 mạng sống của kẻ địch, còn 2 viên bỏ túi dành cho tình huống xấu nhất, để tự xử, nhất định không để cho chúng bắt sống. Chúng phải bước qua xác chết của mình! Nghĩ vậy, Tư Cang tiếp tục ép mình vào chỗ ẩn núp chật cứng và tối om…
- Ông già! Mở tủ ra!
- Dạ, tủ toàn kinh sách Phật, không có khóa.
- Mà tôi bảo, mở tủ ra ngay! - Định hét toáng lên với khuôn mặt bạnh ra hung dữ.
Chỗ Tư Cang núp trước đó đã được ông cụ cùng Tư Cang bố trí từ cầu thang bước lên là tủ thờ Phật bà Quan Âm, trong tủ xếp đầy kinh Phật, lấy hết sách trong tủ ra sẽ lộ tấm ván ngăn có chừa khoảng trống vừa đủ cho Tư Cang khép mình vào núp. Đã bao lần địch ập vào xét sổ gia đình, dưới nhà Út Lan - em Tám Thảo, phát tín hiệu báo động, rồi chậm chạp mở cửa để Tư Cang có đủ thời gian ẩn núp vào đó.
Từ chỗ núp, Tư Cang nghe hết tiếng gầm thét của Định lúc thì bảo lính cẩn thận giữ cái đầu, chớ hôm qua, 2 phát súng Việt cộng đã lấy 2 cái đầu chỉ huy của mình rồi. Lúc thì hắn trấn áp, thúc bách cụ chủ nhà làm theo lệnh hắn. Giữa lúc bức bách ấy, Tám Thảo xuất hiện. Cô kêu ba xuống nhà nghỉ, để cô làm. Tên Định đứng thừ người trước bộ đồ ngủ bằng lụa mỏng khoác hờ lên tấm thân cô gái căng đầy sức thanh xuân. Giọng hắn dịu lại: “Ồ, cô em…”. Tên khát tình nuốt nước bọt, bất chợt nhìn lên tường: “Ủa, ảnh thằng Mỹ nào đây, cô em?”.
Tám Thảo nghiêm nét mặt: “Đó là thiếu tá Jame, cố vấn tình báo bên cạnh Bộ Tư lệnh Hải quân, sếp tui đó! Tui là thư ký riêng của thiếu tá Jame. Đã không biết nhau thôi. Biết nhà tui rồi, mời anh mai mốt đến chơi”. Tên chỉ huy toán cảnh sát như đực mặt ra: “Thôi! Đến thăm cô, đụng thằng Mẽo ấy sanh chuyện, khó lắm!... À, cô em tên gì?”. “Mỹ Nhung” - Tám Thảo trả lời. “Ồ, tên đẹp, người đẹp”… Bất giác hắn ra lệnh: “Xuống!... Về, tụi bây!”. Cả bọn vừa bật cười trước cấp chỉ huy háo sắc, vừa kéo nhau bước xuống cầu thang, rút lui êm.
Tư Cang cất súng, lách mình ra khỏi chỗ ẩn núp. Tám Thảo còn ngồi lặng thinh trên giường, nước mắt lăn dài trên hai gò má. “Sao em khóc?” - Tư Cang khẽ khàng ngồi xuống cạnh Tám Thảo. “Nguy hiểm quá, anh ơi! Em chỉ lo cho anh. Thấy chết đến nơi…” - Tám Thảo tức tưởi nói. “Anh ngồi trong đó, nghe em ứng phó quá giỏi. Anh cảm phục và… cảm ơn em!” - Tư Cang vừa nói, vừa lấy khăn tay lau nước mắt cho người đồng chí, đồng nghiệp trẻ đẹp, dũng cảm và thông minh của mình. Chợt có tiếng ông cụ dưới nhà vọng lên: “Mỹ Nhung! Xuống ăn cơm đi con!”. “Dạ, con xuống liền” - Tám Thảo nói, rồi quay qua Tư Cang: “Chiến sự còn dầu sôi lửa bỏng, anh ở tạm trên này, cơm nước em sẽ lo hết cho anh”...
(Dựa theo bài hồi ký “Cái chết cận kề” của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu, bí danh Tư Cang, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo H.63)
Quang Hảo