Tiếng Việt | English

18/05/2023 - 08:29

Di sản Hồ Chí Minh - Ngọn đuốc soi đường, tỏa sáng giá trị dân tộc và thời đại

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp và giải phóng con người; cho tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp và giải phóng con người; cho tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Những di sản Người để lại mang giá trị nhân văn sâu sắc, là ngọn đuốc soi đường, tỏa sáng giá trị dân tộc và thời đại.


Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức ngành y. Ảnh tư liệu

Trước cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến sự bóc lột tàn bạo của thực dân phong kiến tay sai, nỗi thống khổ của nhân dân lao động, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm hình thành khát vọng tìm đường giải phóng dân tộc và có tầm nhìn độc lập, sáng tạo so với các bậc tiền bối. Người quyết chí đi ra nước ngoài rồi “sẽ trở về giúp đồng bào” trong công cuộc giải phóng, giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

PGS. TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: việc tiếp cận tác phẩm Sơ khảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê Nin đã mang đến cho Hồ Chí Minh con đường cách mạng vô sản, thực hiện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội: “Trước khi Bác Hồ đọc bản luận cương này Người vẫn còn trăn trở. Người vẫn chưa xác định rõ con đường mà dân tộc Việt Nam sẽ đi là con đường nào. Đọc luận cương của Lê Nin thì Người mới nhận ra được đây là điều mà Người đang tìm kiếm bấy lâu nay. Bởi lẽ Luận cương chỉ ra cho Người rằng con đường dân tộc Việt Nam sẽ đi là con đường giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp và giải phóng con người, thực hiện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.


PGS. TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.

Năm 1941, sau hành trình 30 năm ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã trở về quê hương yêu dấu, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, thực hiện sứ mệnh lịch sử của Đảng ta, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân.  Khi thời cơ đến, Người đã lãnh đạo cách mạng tháng Tám thành công, làm thay đổi thân phận người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Người còn là biểu tượng của khát vọng hòa bình, của tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc.

PGS. TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh luận giải: “Hoạt động Hồ Chí Minh, cách nhìn Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh cho thấy: Hồ Chí Minh dùng văn hóa như một chất keo, sợi dây gắn kết các dân tộc, xóa đi những khoảng cách. Ngay cả khi người Pháp, người Mỹ xâm lược chúng ta, Người vẫn nói rằng: Xâm lược là phải đánh, nhưng máu nào cũng là máu, người nào cũng là người. Người quý sinh mệnh người Việt Nam cũng như quý sinh mệnh người Pháp, Mỹ”.

Những quan điểm của Người về bản chất, đặc trưng, mục tiêu, động lực… và những vấn đề có tính nguyên tắc về xây dựng chủ nghĩa xã hội, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, điều kiện tiên quyết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. TS Lê Trung Kiên, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng khẳng định: “Di sản mang tính bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại đối với dân tộc và thời đại, tiêu biểu và thực sự nổi bật cho đất nước chính là việc lựa chọn, tìm ra, thiết kế và xây dựng con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở Việt Nam. Đặc biệt trong công cuộc đổi mới của đất nước thì trở lại với di sản Hồ Chí Minh để thấy được những tư tưởng, luận điểm, quan điểm của Người về đường lối đổi mới đã góp phần hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay”.


TS Lê Trung Kiên, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng khẳng định.

Trong sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm bắt đầu và kết thúc đều hướng đến giải phóng con người, chăm lo cho hạnh phúc của con người. Di sản Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Người cũng để lại cho thế hệ sau giá trị di sản quý báu về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị để vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với đặc điểm dân tộc và thời đại.

Theo GS. TS Mạch Quang Thắng (nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), trong bối cảnh hiện nay cần thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân: “Đảng từ nhân dân mà ra. Tức  Đảng là con của Nhân dân. Đảng có trách nhiệm làm tròn đạo hiếu đối với cha mẹ của mình là Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói cụ thể hơn là “Đảng là đầy tớ, làm công bộc của dân”. Điều này trong điều kiện cách mạng hiện nay càng phải nhấn mạnh để thắt chặt mối quan hệ theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh là quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân”.

Nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo di sản Hồ Chí Minh để nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn giá trị to lớn di sản của Người đối với dân tộc và nhân loại, đồng thời, làm cho giá trị của di sản Hồ Chí Minh ngày càng bền vững, tỏa sáng cùng dân tộc và nhân loại. Kiên định, vững vàng trên nền tảng di sản Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi ước nguyện của Người về "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"./.

Lại Hoa/VOV1

Chia sẻ bài viết