Tiếng Việt | English

05/12/2021 - 20:23

Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững

Qua 1 ngày làm việc, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 chủ đề phục hồi và phát triển bền vững do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam đồng tổ chức bế mạc chiều 05/12.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 tại điểm cầu chính. Ảnh: quochoi.vn

Diễn đàn nhằm đánh giá toàn diện các vấn đề đang đặt ra, xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cơ bản để phục hồi và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Ngoài 2 điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị quốc tế và Nhà Quốc hội, Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 được kết nối trực tuyến với 57 điểm cầu trong nước và 3 điểm cầu quốc tế.

Dự diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Long An có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Văn Được; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh – Nguyễn Thanh Hải; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều; Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa và các vị đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Long An đang công tác tại địa phương.

Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ cho biết, chủ đề của diễn đàn gồm hai chữ “P” là phục hồi và phát triển. Phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Chúng ta vừa phải chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động lực tăng trưởng tác động đến tăng trưởng để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Đồng thời những giải pháp ngắn hạn và trung hạn thì phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững, không chỉ có vấn đề về kinh tế, mà cả vấn đề về xã hội, về môi trường và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần làm rõ hơn các luận cứ khoa học và thực tiễn, tìm ra những giải pháp, chính sách về tài khóa, tiền tệ, vừa đáp ứng được những yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, vừa hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi, phát triển KT-XH, nhằm cụ thể hóa chủ trương đã được nêu tại văn kiện của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII và Nghị quyết của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, không chỉ góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Đại biểu thảo luận tại phiên tọa đàm cấp cao. Ảnh: quochoi.vn

Hiện nay, nền kinh tế của nước ta vẫn đang chịu tác động mạnh mẽ và tiêu cực của dịch Covid-19, đặc biệt từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư, đã ảnh hưởng cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đến tất cả các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, nguy cơ, thách thức về lạm phát, thiếu nguyên, vật liệu đầu vào, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, lao động việc làm, an sinh xã hội, an ninh, trật tự xã hội…

Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã xác định: Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%. Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã xác định mức bội chi ngân sách nhà nước tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Để thực hiện thành công các nghị quyết của Quốc hội, cấp thiết, khẩn trương phải có các chính sách hỗ trợ cả về kinh tế và xã hội trên cơ sở phù hợp với điều kiện, bối cảnh của đất nước, để bảo vệ thành quả trong thời gian qua, tránh nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 được hình thành với mục tiêu “phục hồi và phát triển bền vững”.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 được mở rộng về nội dung, quy mô, không chỉ về các vấn đề kinh tế, mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường. Qua đó nhằm tìm ra các giải pháp để đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa, xã hội của người dân, doanh nghiệp trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới trong thời gian ngắn nhất; bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, mở rộng quy mô nền kinh tế, nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2025.

Tại diễn đàn, các diễn giả, các nhà khoa học cập nhật, đánh giá về bối cảnh, tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới; đi sâu phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng, tác động của dịch bệnh và trực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay cũng như xu hướng sắp tới trong thế giới toàn cầu hóa. Nhất là hiện nay Việt Nam đã hội nhập rất sâu và rộng với khu vực và thế giới, nên mọi biến động trong khu vực và thế giới đều có tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và động lực tăng trưởng của Việt Nam, kể cả xuất khẩu, đầu tư, thị trường tiêu dùng. Các diễn giả cũng trình bày về kinh nghiệm quốc tế kể cả trong phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế và gợi ý những hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Điểm cầu tỉnh Long An, có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Văn Được; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh – Nguyễn Thanh Hải; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều dự

Ngay sau phiên khai mạc, diễn đàn tiến hành phiên họp toàn thể - tọa đàm cấp cao, nghe TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, thay mặt cho nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia trình bày bài đề dẫn “Một số gợi ý chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH”.

Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam - Nguyễn Minh Cường trình bày tham luận với chủ đề “Phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách với Việt Nam”; PGS.TS Bùi Quang Tuấn, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày bài tham luận với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam”;...

Trong phiên làm việc buổi chiều, đại biểu dự diễn đàn tiếp tục tham gia phân tích, thảo luận về 2 chuyên đề: Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế; Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án một luật sửa 8 luật trong thời gian tới. “Vấn đề cần nhất với doanh nghiệp hiện nay chính là cải cách thể chế. Thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự án một luật sửa 8 luật, trình ra kỳ họp bất thường của Quốc hội và thông qua được cũng là cách để cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch” - ông Vũ Hồng Thanh thông tin./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết