Tiếng Việt | English

30/04/2025 - 09:35

Đoàn kết dân tộc - tôn giáo vì sự phát triển bền vững

Nửa thế kỷ qua, công tác dân tộc - tôn giáo của Việt Nam có những bước tiến quan trọng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững đất nước. Trong dòng chảy ấy, tỉnh có nhiều chính sách hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc và tôn giáo chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

30_275_1972.jpg

Thời gian qua, ngành Công an quan tâm ký kết phối hợp các tổ chức tôn giáo thực hiện công tác giữ gìn an ninh, trật tự

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Từ những năm đầu sau khi thống nhất đất nước, công tác dân tộc - tôn giáo được Đảng, Nhà nước quan tâm. Chính sách nhất quán về tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc đã tạo thuận lợi để đồng bào các dân tộc - tôn giáo phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tỉnh Long An có 38 dân tộc sinh sống với 15.771 đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 0,93% dân số toàn tỉnh). Hiện nay, toàn tỉnh có 23 tổ chức tôn giáo thuộc 10 tôn giáo được Nhà nước công nhận, 478 cơ sở tín ngưỡng đang hoạt động. Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Đỗ Thanh Hùng đánh giá: “Thời gian qua, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, trang nghiêm, tiết kiệm và đúng quy định pháp luật. Đồng bào các tôn giáo không chỉ giữ vững truyền thống “sống tốt đời, đẹp đạo” mà còn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển KT-XH và bảo đảm an sinh xã hội”.

Năm 2024, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh ký kết Chương trình phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) cùng các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2024-2026. Theo đó, nhiều lớp tập huấn tại các huyện: Châu Thành, Thạnh Hóa, Thủ Thừa được tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo trong bảo vệ môi trường.

Song song đó, các tổ chức tôn giáo trong tỉnh tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội. Từ đầu năm 2024 đến nay, có hơn 80 tỉ đồng và nhiều vật chất khác được đóng góp vào quỹ lũ lụt, Quỹ “Vì người nghèo” cùng nhiều chương trình hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn.

30_268_1973.jpg

Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, công tác an sinh xã hội

Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp huyện, xã phối hợp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tổ chức thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hộ dân, tín đồ, phật tử có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật; nấu và hỗ trợ các suất cơm từ thiện cho thân nhân, bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện; khám, trị bệnh bằng phương pháp Đông y miễn phí cho bệnh nhân;... Các hoạt động có tổng trị giá hơn 50 tỉ đồng. Qua đó, giúp nhiều mảnh đời kém may mắn có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, trong đợt hạn, mặn kéo dài từ tháng 02 đến tháng 5/2024, UBMTTQ Việt Nam huyện Cần Giuộc vận động các cơ sở tôn giáo hỗ trợ hơn 1.000 lượt xe, vận chuyển hơn 10.000m³ nước sinh hoạt đến các xã vùng hạ, giúp người dân vượt qua khó khăn.

Tăng cường đoàn kết tôn giáo, dân tộc

Thời gian qua, các mô hình sáng tạo được triển khai mạnh mẽ như Xóm đạo bình yên tại huyện Bến Lức, Đồng bào Công giáo xã Thạnh Trị bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao tại thị xã Kiến Tường hay Tổ hòa giải trong tôn giáo tại huyện Thủ Thừa. Những mô hình này không chỉ góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư mà còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết giữa các tôn giáo, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Năm 2025 là năm đặc biệt quan trọng, năm bản lề chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030. Vì vậy, cùng với sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy thì đây còn là năm tăng tốc, bứt phá, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Ông Đỗ Thanh Hùng yêu cầu: “Công tác tôn giáo và dân tộc cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khơi dậy sức mạnh của các tổ chức tôn giáo trong phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, trật tự, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. MTTQ Việt Nam các cấp tập trung phối hợp các tôn giáo triển khai hiệu quả các chương trình hành động, từ xóa nhà tạm, nhà dột nát đến thúc đẩy các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước”.

Thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp tập trung vận động các tổ chức tôn giáo tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; đồng thời, tăng cường đối thoại, nắm tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, tín đồ tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng pháp luật; kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề liên quan đến tôn giáo như tình trạng “đạo lạ, tà đạo” gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Qua 50 năm xây dựng và phát triển, công tác dân tộc - tôn giáo góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của địa phương, thể hiện tinh thần đoàn kết của các dân tộc, tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết